• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sợ bị người khác nghĩ là nghèo khổ, người TQ thà giữ sĩ diện còn hơn giải quyết vấn đề "cực kỳ nhức nhối"

Thế giới 19/10/2020 18:52

(Tổ Quốc) - "Khi mọi người nhìn quần áo cũ, họ không nghĩ tới khái niệm thân thiện với môi trường mà nghĩ rằng đó là biểu tượng của sự nghèo khổ," một người dân Trung Quốc nói.

Dùng quần áo cũ

Zhao Xiao chất đống quần áo cũ, không sử dụng vào một thùng kim loại lớn màu xanh lá cây. "Nếu có người nghèo nào cần chúng, thì điều đó thật tuyệt bởi vì tôi sẽ không cảm thấy tội lỗi vì vứt bỏ quần áo đi," cô Zhao nói. Người phụ nữ 35 tuổi ở Bắc Kinh có lí khi lo lắng về số quần áo mà cô cho đi từ thiện.

Ở các thành phố lớn của Trung Quốc, có rất nhiều các điểm thu thập quần áo cũ, nhưng khá ít quần áo từ đây được sử dụng cho mục đích từ thiện. Một số được bán cho các nước đang phát triển, một số khác bị thiêu hủy hoặc chôn ở các bãi rác thải.

Theo Bloomberg, Trung Quốc là quốc gia sản xuất hơn 5 tỉ chiếc áo phông mỗi năm. Việc mặc quần áo cũ hoặc đồ "second-hand" là điều ít thấy, và do đó mỗi ngày có hàng triệu tấn quần áo bị vứt bỏ. Tầng lớp trung lưu có nhu cầu tiêu dùng cao - cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử - đã biến Trung Quốc trở thành thị trường thời trang lớn nhất thế giới, vượt qua Mỹ vào năm ngoái.

Trung Quốc chiếm 1/5 doanh thu toàn cầu của gã khổng lồ ngành bán lẻ Nhật Bản Uniqlo và doanh thu của công ty này trong khu vực đã tăng gần 27% trong năm 2017-2018, đạt hơn 4 tỷ USD. Hầu hết các mặt hàng được người Trung Quốc mua là hàng thời trang được sản xuất hàng loạt, giá rẻ và thời gian sử dụng ngắn.

Theo hãng tin Tân Hoa xã, Trung Quốc vứt đi 26 triệu tấn quần áo mỗi năm, chưa đến 1% trong số đó được tái sử dụng hoặc tái chế.

Ảnh hưởng tới môi trường của ngành thời trang là rất lớn. Theo Quỹ Ellen MacArthur, ngành công nghiệp thời trang chiếm khoảng 10% lượng khí thải carbon toàn cầu, nhiều hơn lượng được thải ra bởi tất cả các chuyến bay và vận tải biển cộng lại. Theo một ước tính, việc tái sử dụng 1 kg quần áo giúp tiết kiệm 3,6 kg carbon dioxide, 6.000 lít nước, 0,3 kg phân bón hóa học và 0,2 kg thuốc trừ sâu so với việc may quần áo từ các nguồn nguyên liệu thô.

Sợ bị người khác nghĩ là nghèo khổ, người TQ thà giữ sĩ diện còn hơn giải quyết vấn đề cực kỳ nhức nhối - Ảnh 1.

Ảnh: Bloomberg

Tại Trung Quốc, việc tái chế quần áo gặp nhiều rào cản. Cụ thể, bán quần áo đã qua sử dụng bị cấm vì lý do sức khỏe và an toàn. Ở Trung Quốc, quần áo đã qua sử dụng được coi là không vệ sinh, thậm chí là có thể đem lại điều không may mắn. Dịch Covid-19 còn khiến tình hình trở nên tệ hơn.

Vào một buổi sáng Chủ nhật ở phía đông bắc Bắc Kinh, hàng chục người dạo qua cửa hàng từ thiện Roundabout - nơi tổ chức hội chợ đồ cũ. Người dân mua đồ chơi, sách và đồ trang trí nhà cửa cũ nhưng hầu như không có ai xem quần áo cũ. Ở thành phố hơn 20 triệu dân này, Roundabout là một trong số ít các cửa hàng từ thiện có bán quần áo đã qua sử dụng.

Chen Wen, 38 tuổi, một cư dân địa phương, cho biết: “Tái sử dụng quần áo là điều tuyệt vời, nhưng ngay cả gia đình và bạn bè của tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại mua đồ cũ khi tôi có đủ khả năng để các đồ hàng hiệu quốc tế. Khi mọi người nhìn quần áo cũ, họ không nghĩ tới khái niệm thân thiện với môi trường mà nghĩ rằng đó là biểu tượng của sự nghèo khổ."

Trung Quốc đã ủy quyền cho các tổ chức được chính phủ phê duyệt thu thập và phân loại quần áo quyên góp "ở tình trạng hoàn hảo". Tuy nhiên, thời gian và công sức bỏ ra không xứng với hiệu quả mang lại bởi quần áo đã qua sử dụng không được ưa chuộng ngay cả ở những vùng còn nghèo khó. "Đôi khi quần áo quá nhiều, chúng tôi chỉ biết chất đống chúng tại các điểm thu thập", Bộ Nội vụ Trung Quốc cho biết. "Vấn đề này rất khó giải quyết."

Các giải pháp

Các loại quần áo chất lượng cao thường được thu thập để bán ra nước ngoài. Xuất khẩu quần áo đã qua sử dụng của Trung Quốc đã tăng lên 6,4% tổng kim ngạch thế giới vào năm 2015 từ mức dưới 1% vào năm 2010 - theo dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Tái chế Dệt may có trụ sở tại Anh.

Rất nhiều quần áo cũ được gửi tới Châu Phi. 10 năm trước, Anh cung cấp một phần tư lượng quần áo đã qua sử dụng được chuyển đến Kenya. Giờ đây, Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất, chiếm khoảng 30%, trong khi tỉ lệ của Anh đã giảm xuống còn 17%.

Sợ bị người khác nghĩ là nghèo khổ, người TQ thà giữ sĩ diện còn hơn giải quyết vấn đề cực kỳ nhức nhối - Ảnh 2.

Ảnh: Bloomberg

Giám đốc điều hành Jason Fang của công ty Baijingyu (Cá voi Trắng) - chuyên về thu thập và bán quần áo đã qua sử dụng ra nước ngoài - cho biết thị trường chính là các nước Đông Nam Á và châu Phi. Chỉ khoảng 15% quần áo thu thập được gửi tới các vùng nghèo ở Trung Quốc.

"Mọi người muốn quyên góp tất cả quần áo của họ cho các gia đình nghèo ở Trung Quốc, nhưng điều đó không còn thực tế nữa", Fang nói. "Cách đây vài năm, nếu một chiếc áo khoác mới 70% thì mọi người có thể sẽ lấy, nhưng hiện tại nếu cái áo không còn mới hơn 90% thì chính tôi cũng thấy xấu hổ".

Một số quần áo được chuyển đến châu Âu và Mỹ trước khi được chuyển lại đến châu Phi với giá tốt hơn, Fang nói. "Mọi khách hàng châu Phi đều muốn quần áo của Mỹ."

Trước đây, Trung Quốc từng là nước nhập khẩu quần áo qua sử dụng. Tại các thị trấn nhỏ ở các tỉnh ven biển như Phúc Kiến và Quảng Đông, việc phân loại và bán quần áo second-hand từ các thùng "đồ thải nước ngoài" từng rất thịnh hành. Nhưng từ năm 2017, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu 24 loại chất thải rắn, bao gồm cả các sản phẩm dệt may, buộc các tàu hàng phải tìm kiếm các điểm đến khác ở châu Á hoặc tái chế nhiều chất thải hơn.

Một số nhỏ các công ty khởi nghiệp đang tìm kiếm những cách mới để tái sử dụng quần áo cũ. Công ty Re-Clothing Bank đang thuê những phụ nữ ở một ngôi làng gần Bắc Kinh cắt quần áo cũ và may chúng thành áo khoác, túi xách và thảm.

Zhang Na, người sáng lập công ty khởi nghiệp cho biết: “Một người bảo vệ trung niên ở Thượng Hải đã chi một nửa tiền lương hàng tháng của mình để mua chiếc áo khoác do tôi tái chế từ quần áo cũ. Đó là lúc tôi nghĩ rằng ngành này có thể có tương lai."

Tuy vậy, phần lớn quần áo đã qua sử dụng ở Trung Quốc vẫn sẽ bị vứt vào thùng rác, qua đó làm trầm trọng thêm một trong những vấn đề môi trường lớn nhất của cả nước. Trung Quốc có 654 bãi chôn lấp khổng lồ, nhưng hầu hết đều bị quá tải trước kế hoạch. Bãi rác lớn nhất của Trung Quốc ở Jiangcungou, tỉnh Thiểm Tây, có kích thước bằng 100 sân bóng đá, nhưng bị lấp đầy sớm hơn 25 năm so với thiết kế sau khi phải tiếp nhận lượng rác thải hàng ngày gấp gần bốn lần dự đoán.

Cuối cùng, Trung Quốc đành phải sử dụng tới một giải pháp ít ai muốn: đốt quần áo. Trong 5 năm qua, nước này đã cố gắng để tăng gấp đôi năng lực đốt và tái chế quần áo cũ thành năng lượng. Dù vậy, đây vẫn không phải là giải pháp có lợi cho môi trường. "Quần áo cần được thiết kế bền hơn và có thể tái chế được. Nhưng có một giải pháp đơn giản hơn rất nhiều: mọi người hãy mua ít quần áo hơn," một chuyên gia nhận xét.

Tất Đạt

NỔI BẬT TRANG CHỦ