• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sống động lịch sử dân tộc từng thời kì tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Văn hoá 26/07/2017 08:08

(Tổ Quốc) - Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam là nơi tái hiện lịch sử đấu tranh hàng trăm năm qua của nhân dân Việt Nam chống phong kiến, Pháp, Nhật, Mỹ, giành lại nền độc lập, tự do cho dân tộc.

 Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam có trụ sở tại số 25 phố Tông Đản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Là một khuôn viên rộng khoảng 1 ha nằm ở trung tâm Thủ đô Hà Nội, giáp ba mặt phố: Trần Quang Khải, Tràng Tiền, Tông Đản.

Vào tháng 12 năm 1954, Chính phủ quyết định xây dựng bảo tàng. Nhà nước thực hiện chương trình thu thập các hiện vật ban đầu là trên khắp miền Bắc, sau đó lan ra cả nước. Và ngày 6 tháng 1 năm 1959 bảo tàng chính thức khánh thành.
Ngôi nhà của Bảo tàng trước năm 1954 là Sở Thương chính Đông Dương do người Pháp xây dựng năm 1917. Tòa nhà được xây dựng theo kiến trúc của Pháp, gồm 29  phòng dùng để trưng bày các hiện vật lịch sử.

 Khi mới ra đời, tổng kho của Bảo tàng có trên một vạn hiện vật, hình ảnh, tài liệu văn bản. Giờ đây, con số đó đã tăng lên trên tám vạn, gồm nhiều sưu tập và bộ sưu tập có giá trị cho việc nghiên cứu khoa học xã hội- nhân văn,  cho việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ công dân Việt Nam. Các sưu tập hiện vật đó là nền tảng để bảo tàng tổ chức trưng bày về tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam thời kỳ cận-hiện đại (từ 1858 đến nay).
Hệ thống trưng bày thường trực của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam sử dụng trên 2.500 hiện vật, hình ảnh, tư liệu bày trong 29 phòng với tổng diện tích trên 2.000 m2.

Nội dung trưng bày của 29 phòng được chia theo dòng thời gian và chủ đề lịch sử riêng của mỗi thời kì. Phần thứ nhất là Thời kỳ đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1945.

Trong ảnh là bức tranh nhân dân Việt Nam dưới hai tầng áp bức của đế quốc phong kiến và các công trình kiến trúc được xây dựng thời Pháp thuộc vẫn còn đến nay. 

Đây là những hiện vật thời Pháp thuộc dùng để đàn áp, bóc lột dân tộc ta như chiếc đồng hồ nhà máy xi măng dùng để đo thời gian làm việc của các công nhân.
Ấn tượng nhất là thẻ thuế thân của người dân Việt Nam dùng dưới thời Pháp thống trị mà chúng ta được nghe đến trong tác phẩm Tắt Đèn của Ngô Tất Tố khi mà chị Dậu đã phải bán chó, bán con để nộp thuế cho chồng.
 Chiếc máy chém lưu động của thực dân Pháp đặt tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) dùng để hành quyết nhiều người Việt Nam yêu nước thời kỳ trước năm 1945.
 Vở học bằng mo tre của học sinh trường Hàn Thuyên (Bắc Ninh)
Những hiện vật của Việt Nam sau Cách mạng Tháng 8 thành công, như chiếc máy dập thuốc viên và chiếc ống kính của xưởng in Ngân hàng Quốc gia Việt Nam dùng để chụp các loại giấy bạc tài chính và ngân sách từ năm 1946 - 1954.

Tiếp đó tới phần thứ hai trưng bày các hiện vật về cuộc kháng chiến chống các thế lực xâm lược để bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc từ 1945 đến 1975. Trong ảnh là súng Cối 81mm của Pháp, bộ đội ta thu được ở Điện Biên Phủ năm 1954.
Chiếc xe đạp thồ hàng được sử dụng phổ biến những năm 1954 được dùng để vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Quân phục của lính bộ binh Mỹ và những hình ảnh đàn áp người dân Việt Nam của lính Mỹ.
Xác tên lửa và bom của binh lính Mỹ.
Phần thứ ba, Bảo tàng trưng bày những hiện vật về thời kỳ Việt Nam trên con đường xây dựng dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh từ 1975 đến nay. Ngoài ba  phần chính nói trên, Bảo tàng sử dụng hai phòng cuối cùng (phòng số 28 và 29) trưng bày Bộ sưu tập Tặng phẩm của nhân dân Việt Nam, nhân dân thế giới tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam với gần 300 hiện vật nguyên gốc.

Minh Khánh

NỔI BẬT TRANG CHỦ