• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sự bảo thủ của giáo viên tạo sức ì cho giáo dục

Thời sự 30/12/2013 00:53

(Toquoc)-Muốn đổi mới được giáo dục, phải khắc phục được tính bảo thủ của người thầy. Nhưng khắc phục thế nào lại không đơn giản.

(Toquoc)-Muốn đổi mới được giáo dục, phải khắc phục được tính bảo thủ của người thầy. Vì người thầy chính là yếu tố quyết định cuộc đổi mới đó có thành công hay không. Nhưng khắc phục thế nào là vấn đề không đơn giản.



>>Yếu tố quyết định chất lượng giáo dục vẫn là ông thầy

>>Thách thức từ chính đội ngũ giáo viên

>>Giáo viên đã sẵn sàng đổi mới?



PGS. Đặng Quốc Bảo, nguyên hiệu trưởng Học viện quản lý giáo dục trao đổi với phóng viên Tổ Quốc.

Theo PGS. Đặng Quốc Bảo: Nghề giáo đúng là rất bảo thủ, đó là cái nghiệp của nghề giáo, cái tôi của giáo viên quá lớn. Cũng vì luôn cho mình là “thầy” nên giáo viên rất khó cập nhật với cái mới. Phải nói rằng  đấy là bệnh rất lớn của giáo viên và giáo dục. Điều này đã tạo lên  sức ỳ  lớn. Trước hết ta phải thấy đó là điều nan giải.

- Theo ông, có những biện pháp nào để khắc phục tình trạng bảo thủ trong giáo viên?

+ Thứ nhất sau một năm học, đến hè phải cung cấp cho giáo viên thông tin mới bằng cách bồi dưỡng, Bộ GD-ĐT phải “rót” vào tai, “rót” vào mắt giáo viên những phương pháp học hiện đại. Người ta gọi đó là bồi dưỡng thường xuyên. Đồng thời, sau một “nhiệm” kì dạy ba đến năm năm, giáo viên phải trở về trường sư phạm để được trau dồi thêm kiến thức.

Vấn đề này lại liên quan đến việc các trường sư phạm  phải luôn nắm bắt được cái mới. Với công nghệ như hiện nay, chúng ta có thể tận dụng bằng các hình thức đào tạo từ xa để bổ sung kiến thức cho giáo viên.

Tóm lại, mấu chốt là tạo cho giáo viên có động lực. Nếu họ không chịu bồi dưỡng, không chịu tự học, không chịu tiếp thu thì sẽ lạc hậu, lạc hậu trước hết là với học trò… Giáo viên có thể bảo thủ nhưng ai cũng biết xấu hổ.  Học trò ngày nay rất khả úy, do nhà có công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông hiện đại, nếu thua học trò, chắc chắn thầy cô sẽ thấy bẽ bàng.

Thứ nữa, theo tôi phải kích thích động lực. Nói có vẻ lý thuyết nhưng rõ ràng muốn giáo viên có động lực thì phải cung cấp điều kiện, ví dụ: sách báo,  công cụ phục vụ dạy và học.  Chúng ta có gần 1 triệu giáo viên nhưng  sách lại thiếu. Vấn đề ở chỗ không phải là chúng ta không có sách, mà ở kinh phí. Phải có sự cam kết của lãnh đạo.

Thực tế, hiện nay bắt giáo viên đọc sách là rất khó vì họ không có thời gian. Do đó, phải có một cách nào đó để giáo viên có thể tự học được một cách hiệu quả.



Người thầy chính là yếu tố quyết định cuộc đổi mới đó có thành công hay không (ảnh minh họa)

- Thưa ông, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, khó thay đổi nhất là các giáo viên lớn tuổi, ông suy nghĩ thế nào về ý kiến này?

+ Đây là hai mặt của một vấn đề. Khi càng lớn tuổi, người ta càng bảo thủ,  nhưng cũng có những con người luôn khao khát học hỏi. Ngay cả giáo viên trẻ, cũng chia thành hai thành phần: năng động tìm hiểu và  đi theo lối mòn, không cần thay đổi. Như vậy, vấn đề ở đây là cấp quản lý phải thúc cho người ta học.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng phải nhận thức được vấn đề,  học hỏi lẫn nhau. Những thầy giáo già có kinh nghiệm phải  truyền cho thầy giáo trẻ,  phải là tấm gương, thúc đẩy cho thầy giáo trẻ học. Tức là sự tiếp sức lẫn cho nhau, tạo ra môi trường học hỏi, tiến tới một xã hội học tập. Phải tạo ra mỗi một nhà trường là một tổ chức biết học hỏi. Mỗi nhà trường phải xây dựng nhà trường biết học hỏi. Điều này cần lắm vì đây là một vấn đề của thế giới.

- Cụ thể hơn là họ phải làm thế nào, thưa ông?

+ Như 4 H mà  Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: hỏi, học, hiểu, hành…

Luôn luôn phải biết hỏi, đọc, học nhưng sau đó phải hỏi thế nào, cho đến khi hiểu thì thôi, cuối cùng phải đi vào thực hành, đưa điều đó vào thực tế. Tổ chức biết học hỏi là tổ chức mà các thành viên đều có tâm niệm 4H, ngày nào không hỏi ai đó một điều gì cảm thấy như chưa đánh răng.

Vậy tại sao mình là một người thầy mà mình không chịu hỏi gì.

Đối với người giáo viên phải thấy biển học là vô bờ, luôn phải thấy mình là người rất dốt. Người giáo viên đừng tưởng mình là “bố” thiên hạ, phải luôn thấy là mình rất dốt mới được để luôn phải học hỏi.

-Thưa ông, trong sự giao tiếp giữa hai lớp giáo viên già và lớp giáo viên trẻ tuổi, có khi nào sự bảo thủ của giáo viên lớn tuổi ảnh hưởng vào giáo viên trẻ không?

+ Cũng có chứ, vì đây là vấn đề chung. Ngay bản thân tôi, tôi nói lên mà tôi cũng vẫn mắc phải. Khi tôi nói với một đồng nghiệp trẻ, mình đang nói say sưa mà đồng nghiệp trẻ ngắt lời mình thì mình cảm thấy rất khó chịu, thế nhưng nếu đồng nghiệp trẻ cho mình ăn “mì chính cánh” thì… Tức là vẫn có tư tưởng bề trên, tôi hơn anh về tuổi, hơn anh về số năm, dứt khoát tôi được quyền áp đặt, nó thuộc vào khía cạnh tâm lí. Cho nên lời khuyên với lứa giáo viên già: “anh phải hết sức cởi mở, truyền kinh nghiệm của anh cho thế hệ trẻ, không giữ “tủ”, không muốn truyền bí kíp cho người trẻ. Còn đối với người trẻ, phải biết hai điều: cầu thị (luôn hướng đến lẽ phải) và phải biết trân trọng người già, vì người già hay khó tính.

-Xin cảm ơn ông!

Đăng Huy (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ