• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Su-25 Nga gặp nạn: Bắn mục tiêu vào hòa đàm Astana, Syria?

Thế giới 07/02/2018 17:19

(Tổ Quốc) - Việc máy bay chiến đấu Su-25 Nga bị bắn hạ tại Idlib được cho là gửi tín hiệu mạnh tới hòa đàm Astana về Syria.  

Theo Sputnik, một máy bay Su-25 của Nga đã bị một tên lửa MANPAD bắn hạ vào ngày 3/2 tại khu vực tỉnh Idlib, Syria – nơi nhóm Jabhat Fatah al-Sham kiểm soát. Viên phi công thiệt mạng khi bị tấn công dưới mặt đất, đã được trao tặng danh hiệu “Anh hùng của nước Nga”.

Hai nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ đã chia sẻ với Sputnik ý kiến của họ về việc diễn biến này có ảnh hưởng ra sao đối với tiến trình hòa bình Syria tại Astana?

Những kẻ khủng bố đã nhận được các hệ thống MANPAD như thế nào?

Người đứng đầu Viện nghiên cứu chiến lược Ankara - ông Rafet Aslantas cho rằng lực lượng này đã nhận được hệ thống tên lửa đất đối không vác vai MANPAD thông qua chương trình hỗ trợ của Mỹ cho Đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG). Chương trình này bao gồm nhiều loại vũ khí, trong đó có cả các hệ thống phòng không di động công nghệ cao.

Rafet Aslantas tin rằng nhiều tay súng thường đổi phe chiến đấu liên tục và mang theo các vũ khí này cùng với họ. Do đó, một số hệ thống MANPAD có thể đã rơi vào tay của Jabhat Fatah al-Sham.

Việc SU-25 Nga bị bắn hạ đã khiến Nga phản ứng mạnh. (Nguồn: AFP)

Aslantas cho biết: "Chúng tôi luôn tự hỏi, nếu những vũ khí Mỹ cung cấp là nhằm chống lại nhóm Daesh (IS), tại sao những hệ thống phòng không này lại nằm trong số chúng, khi xét trên thực tế là Daesh chưa từng tấn công máy bay".

Oytun Orhan, chuyên gia về Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Trung Đông (ORSAM), nói rằng, trong trường hợp này tất cả những gì chúng ta có thể làm là suy đoán, nhưng lập luận các loại vũ khí này do Mỹ cung cấp là lời giải thích hợp lí nhất. Ông lưu ý rằng, nhóm bắn hạ chiếc máy bay này nằm trong các nhóm nhận vũ khí và huấn luyện của Mỹ trong chương trình hỗ trợ tại Syria.

Chuyên gia này cũng cho rằng có sự tương đồng giữa sự cố Su-25 và vụ tấn công của các máy bay không người lái gần đây vào căn cứ không quân của Nga tại Hmeymim, Syria. Ông cho rằng vụ tấn công vào chiếc máy bay này có thể là sự tiếp nối của vụ tấn công vào căn cứ và dường như cũng là một thông điệp thể hiện sự quan ngại của Mỹ đối với hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Afrin, Syria.

Cuộc tấn công này có ý nghĩa gì đối với tiến trình hòa bình ở Astana?

Rafet Aslantas cho rằng, lực lượng của các quốc gia chung tay thiết lập một khu vực giảm  leo thang tại Idlib đang phải đối mặt với một mối đe dọa “cấp thiết” là bị mất “uy tín” khi xung đột liên tiếp bùng lên tại đây. Ông cũng nói thêm rằng một chiếc xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ bị phá hủy gần như cùng lúc với máy bay chiến đấu của Nga.

Ông tin rằng để tiến trình hòa bình ở Astana thành công, tất cả các quốc gia ủng hộ sáng kiến này đều phải làm việc cùng nhau, bởi vì nếu một số bên nhất định vi phạm thỏa thuận, trong khi những người khác tuân thủ, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn và quá trình hòa đàm sẽ bị đình trệ. Rafet Aslantas tin tưởng rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ hoàn thành trách nhiệm của họ và vị thế của các bên khác về vấn đề này sẽ sớm được tiết lộ.

Ông Oytun Orhan cũng cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ coi những hành động tấn công, tương tự như vụ việc nhằm vào máy bay Nga, như một nỗ lực của những bên bị "bỏ lại" nhằm phá hoại tiến trình Astana và nhằm gây ảnh hưởng tới các thỏa thuận về một số khu vực giảm leo thang.

Tiến trình hòa bình ở Astana, một trong các con đường giải quyết hoà bình cuộc xung đột Syria, bắt đầu vào tháng 1/2017 và chủ yếu tập trung vào việc thiết lập các khu vực giảm leo thang tại Idlib, một phần các tỉnh Latakia, Hama, và Aleppo; phía bắc tỉnh Homs và phía đông Ghouta gần Damacus và một số khu vực thuộc hai tỉnh Daraa and Quneitra.  Thổ Nhĩ Kỳ là một trong các nhà bảo trợ của tiến trình hòa đàm Syria cùng với Nga và Iran.

Còn Oytun Orhan cho biết: "Những nỗ lực bóp méo mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, giống như vụ ám sát Andrey Karlov và cuộc tấn công vào Hmeymim đã tạo ra nhiều hiệu quả trái ngược lại so với ý định, khi sau đó sự hợp tác giữa hai nước lại tiếp tục tăng lên".

"Nếu cả hai bên đều đi tới nhận định chung rằng, Hoa Kỳ đứng đằng sau những cuộc tấn công đó," chuyên gia này kết luận, "thì sự hợp tác giữa hai nước sẽ tiếp tục được tăng cường và càng thúc đẩy nhanh tiến độ (việc Ankara) xây dựng các trạm quan sát mới".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ