• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sửa đổi Luật về xuất, nhập cảnh đã đáp ứng rất kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của đất nước

Thời sự 06/09/2023 14:14

(Tổ Quốc) - Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng khẳng định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được thông qua đã đáp ứng rất kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch cũng như đối ngoại của đất nước.

Bắt tay vào xây dựng văn bản luật là phải xây dựng các văn bản dưới luật kèm theo

Sáng 6/9, tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, trình bày tham luận về tình hình tổ chức triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến nay thuộc lĩnh vực Bộ Công an, Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến trước Kỳ họp thứ 5, Bộ Công an đã chủ trì tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua 3 luật, nghị quyết.

Sau khi Quốc hội thông qua, Bộ Công an đã chủ động rà soát các nội dung giao quy định chi tiết thi hành và xây dựng các dự thảo văn bản quy định chi tiết, triển khai thi hành đối 3 văn bản nêu trên và 2 luật khác có liên quan.

Sửa đổi Luật về xuất, nhập cảnh đã đáp ứng rất kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của đất nước - Ảnh 1.

Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an trình bày tham luận tại hội nghị.

Về công tác chuẩn bị và kế hoạch triển khai các luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Bộ Công an đã chủ trì tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua 2 dự án luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ Công an được giao chủ trì xây dựng 7 văn bản quy định chi tiết thi hành 2 luật nêu trên. Do 2 luật sớm có hiệu lực thi hành nên Bộ Công an đã chủ động, khẩn trương phối hợp với các đơn vị có liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành và ban hành kế hoạch triển khai thi hành các luật.

Căn cứ vào các văn bản phân công chủ trì soạn thảo, Bộ Công an đã tiến hành xây dựng, trình ban hành theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đến nay, 7 văn bản quy định chi tiết thi hành của 2 luật nêu trên đều đã được ban hành bảo đảm đúng tiến độ để có hiệu lực thi hành cùng thời điểm với hiệu lực thi hành của các luật vào ngày 15/8/2023.

Sửa đổi Luật về xuất, nhập cảnh đã đáp ứng rất kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của đất nước - Ảnh 2.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, qua một nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Công an bước đầu rút ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng phát luật.

Thứ nhất, công tác xây dựng pháp luật đòi hỏi phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, đây là nguyên tắc "bất di bất dịch". Thứ hai, trong quá trình xây dựng các hồ sơ, dự án luật để trình các cấp, Bộ Công an đồng thời cũng xây dựng các văn bản dưới luật hướng dẫn, từ nghị quyết, nghị định đến các văn bản hướng dẫn... "Bắt tay vào xây dựng văn bản luật là phải xây dựng các văn bản dưới luật kèm theo".

Thứ ba, theo Thứ trưởng Lê Quốc Hùng, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội... Bộ Công an đã bám sát thực tiễn để phát hiện, nhận diện từ sớm, từ xa những bất cập, những nút thắt của thể chế. Từ đó, có những đề xuất để giải quyết khó khăn, tạo đột phá về xây dựng thể chế - một trong ba đột phá mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra.

"Chẳng hạn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ban đầu không có trong Chương trình số 19 nhưng thực tiễn rất cần nên chúng tôi đã báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội và quyết tâm đưa vào kỳ họp sớm nhất của Quốc hội. Việc Luật được thông qua ngay trong một kỳ họp đã đáp ứng rất kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch cũng như đối ngoại", Trung tướng Lê Quốc Hùng khẳng định.

Hoàn thiện pháp luật về tố tụng điện tử

Tại hội nghị, trình bày Báo cáo tóm tắt tham luận về công tác triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Văn Du nêu rõ, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác xét xử, nhất là trong bối cảnh cả nước triển khai các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19, để đảm bảo giải quyết các vụ án trong thời hạn theo quy định của pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ động đề xuất và được Quốc hội chấp nhận, ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Sự ra đời của Nghị quyết số 33 tạo ra một phương thức mới trong việc tổ chức công tác xét xử của Tòa án, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và cam kết quốc tế; thể hiện việc thích ứng và bắt kịp với các giá trị của nền tư pháp văn minh trong thời đại số và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam hiện nay.

Sửa đổi Luật về xuất, nhập cảnh đã đáp ứng rất kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của đất nước - Ảnh 3.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du

Về tình hình tổ chức phiên tòa trực tuyến, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết, tính từ ngày 1/1/2022 đến nay, các Tòa án đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức xét xử trực tuyến được 9.263 vụ án. Việc triển khai các phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh Covid-19 thì hình thức xét xử này đã giúp hạn chế tập trung đông người tại phòng xử án, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh; giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định.

Kết quả trên cho thấy chủ trương của Quốc hội cho phép Tòa án nhân dân tổ chức phương thức xét xử bằng hình thức trực tuyến là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quan điểm của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; đáp ứng yêu cầu tình hình thực tiễn hoạt động của các Tòa án; tuân thủ các cam kết quốc tế cũng như phù hợp với xu thế chung của các nền tư pháp tiên tiến trên thế giới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cũng chỉ rõ việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến trong thời gian qua cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Từ đó, đề xuất Quốc hội hoàn thiện pháp luật về tố tụng điện tử nói chung tạo hành lang pháp lý không chỉ cho việc xét xử trực tuyến mà còn cho cả việc xây dựng Tòa án điện tử trong tương lai.

Đại diện lãnh đạo TANDTC cũng đề nghị các cơ quan có liên quan tăng cường phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao trong việc hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến.

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ