• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sức ép Tây phương đến hạn chót: Không ngăn được hỏa lực tên lửa Iran

Thế giới 11/04/2018 15:33

(Tổ Quốc) - Những nỗ lực của châu Âu và Mỹ trong việc ngăn Iran phát triển tên lửa sẽ không có hiệu quả như kì vọng.

Trong nỗ lực cuối cùng để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran trước thời hạn 12/5 của Tổng thống Donald Trump, các đồng minh châu Âu của Washington đang vội vã giải quyết những điểm bất đồng chính của Mỹ đối với thỏa thuận lịch sử này. Một trong những nội dung gây tranh cãi nhất trong số này là "sự thất bại" của hiệp định trên trong việc hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.

Nhiều nhà phê bình nói rằng thỏa thuận hạt nhân 2015 (JCPOA) vẫn cho phép Tehran tiếp tục phát triển các tên lửa phi hạt nhân, từ đó có thể tiếp nối chương trình cung cấp đầu đạn hạt nhân ngay khi các hạn chế về hạt nhân (theo thỏa thuận 2015) hết hạn.

Con đường cuối của châu Âu

Ngày 5/3, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian đã đến thăm nước Cộng hòa Hồi giáo Iran nhằm thúc đẩy các nhà lãnh đạo nước này đàm phán về chương trình tên lửa và cảnh báo họ rằng châu Âu sẽ có trách nhiệm phải đáp ứng yêu cầu của Washington.

Hai tuần sau đó, Pháp, dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron, đã tiếp nhận một vai trò quyết đoán hơn ở Trung Đông, kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) phải có thái độ cứng rắn hơn đối với Iran về hoạt động tên lửa đạn đạo và sự tham gia của nước này vào cuộc nội chiến kéo dài 7 năm tại Syria. Theo đó, ba nước châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran là Pháp, Đức và Anh đã đề xuất các biện pháp trừng phạt mới đối với "những cá nhân và thực thể" liên quan tới chương trình tên lửa của Tehran và tham gia vào cuộc chiến tại Syria.

Theo Maysam Behravesh -một chuyên gia về Trung Đông tại Đại học Lund, Thụy Điển, những nỗ lực này gần như chắc chắn sẽ thất bại trong thời gian dài, đặc biệt khi gần đây ông Trump bổ nhiệm ông John Bolton – một người có lập trường cứng rắn về Iran - là cố vấn an ninh quốc gia mới. Động thái này có thể gia tăng khả năng Tổng thống Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận JCPOA.

Iran cứng rắn về phòng thủ tên lửa

Cho dù châu Âu áp dụng các biện pháp trừng phạt ra sao, Iran dường như sẽ không đồng ý với  việc có bất kỳ hạn chế nào đối với chương trình tên lửa của nước này, ngoại trừ những hạn chế hiện tại về tầm bắn của tên lửa. (Tehran đã nói rằng họ sẽ không phát triển tên lửa với tầm bắn xa hơn 2.000 km (khoảng 1.243 dặm). Từ quan điểm của Tehran, chương trình tên lửa là vấn đề về phòng thủ, đặc biệt là khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây hàng thập kỉ qua đã ngăn cản Iran xây dựng một lực lượng không quân hùng mạnh.

Iran hiện đã trở thành một cường quốc quân sự tại Trung Đông. 

Iran vẫn chưa quên, trong cuộc chiến nhiều năm với Iraq, không quân của ông Saddam Hussein đã tiến hành một loạt các vụ không kích và tấn công tên lửa nhằm vào các thành phố lớn của Iran như Tehran, Tabriz, Isfahan và Shiraz. Từ năm 1984, những chiến dịch chiến lược này được tăng cường nhằm vào các khu vực thành thị, được gọi là "Chiến tranh thành phố", đã giết hại rất nhiều thường dân. Tháng 6/1987, Saddam được cho là đã ra lệnh thực hiện một cuộc tấn công hóa học ở thị trấn biên giới Sardasht phía tây Iran, giết chết ít nhất 113 người và làm bị thương hàng trăm người khác.

Iran đã trả đũa bằng cách triển khai các máy bay chiến đấu, tuy nhiên vẫn chủ yếu cần dựa vào các hệ thống phòng không để chống lại các cuộc bắn phá trên không. Tehran, lúc đó không có tên lửa của riêng mình và dưới các biện pháp trừng phạt quốc tế, nhận thấy mình bất lực. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nói rằng nước này đã không có "một tên lửa nào để có thể trả đũa – điều có thể khiến Saddam Hussein dừng lại cuộc chiến. " "Chúng tôi đã ra đi, "ông nói thêm," đến lần lượt từng đất nước bên ngoài, cầu xin, van xin. Tôi đã nài nỉ chỉ một tên lửa Scud duy nhất để bảo vệ người dân của chúng tôi. Đó là sự van xin! Và bây giờ các ông muốn chúng tôi nhận vài đô la để đất nước này từ bỏ việc bảo vệ người dân của mình? " Cho tới nay, Iran đã sở hữu một trong những kho tên lửa lớn nhất Trung Đông, trong đó có một số tên lửa dẫn đường chính xác có tầm bắn xa tới Israel.

Iran mất lòng tin vào phương Tây

Điều thứ hai, Tehran tin rằng chính quyền Trump đang thất bại trong việc duy trì cam kết đến cuối thỏa thuận, thậm chí còn đang chủ động thực hiện những động thái trái ngược với cả nghị định thư và tinh thần của thỏa thuận hạt nhân, nhằm cản trở Iran thu được các lợi ích về kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Abbas Araghchi chỉ ra điều này trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 2 với BBC để giải thích việc Tehran không muốn đàm phán về chương trình tên lửa của nước này. "Chúng tôi đã đàm phán về chương trình hạt nhân và thỏa thuận này đã không trở thành một câu chuyện thành công cho Iran. Tại sao Iran nên đàm phán về bất kỳ vấn đề khác? Đặc biệt là về một vấn đề liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia của chúng tôi", ông cho hay.

Nhiều thập kỷ mất lòng tin sâu sắc và sự thù địch mang tính thể chế giữa Cộng hoà Hồi giáo Iran và các cường quốc phương Tây đã khiến các nhà lãnh đạo Iran tin rằng, họ càng rút lui và thoả hiệp, thì đối thủ của họ sẽ càng gây sức ép và đòi hỏi nhiều hơn. Nội dung chính trong bài diễn văn công khai của Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei gần đây đã cho thấy, niềm tin trên đã ghi dấu ấn trong tâm lý chính trị tại Iran, đặc biệt là trong việc ra quyết định đối với các vấn đề an ninh quốc gia.

Điều này phần nào giải thích sự bất bình chung của Iran đối với việc nhượng bộ để đối phó với những bất đồng trong nước và áp lực của nước ngoài. Theo quan điểm của họ, sự thỏa hiệp mở đường cho sự thỏa hiệp hơn và điều này không chỉ gói gọn trong vấn đề chính sách mà còn cả sự sống còn của chế độ.

Các nỗ lực nhằm đưa chương trình tên lửa của Iran vào thỏa thuận hạt nhân, như Hoa Kỳ đã yêu cầu, hoặc thậm chí là đàm phán một thỏa thuận tên lửa riêng, như châu Âu muốn, sẽ khó có thể cứu vãn thỏa thuận hạt nhân 2015. Các thể chế chính trị và quân sự của Iran đã bác bỏ các cuộc đàm phán nhằm vào "năng lực phòng thủ và tên lửa" của Iran. Chuyên gia Maysam Behravesh  cho rằng, ngay cả khi Tehran phải chịu nhiều sức ép quốc tế hơn nữa, những kỳ vọng rằng các cuộc đàm phán sẽ dẫn tới việc "giảm chất lượng" hoặc hạn chế chương trình tên lửa của Tehran là ngây thơ và không thực tế.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ