• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sức mạnh thương vụ S-400 Nga - Ấn Độ: Bề nổi của một tảng băng chìm?

Thế giới 12/11/2018 16:41

(Tổ Quốc) - Mỹ sẽ phản ứng như thế nào trước khả năng Nga và Ấn Độ hướng tới phát triển mạnh hơn quan hệ đối tác quốc phòng?

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một thỏa thuận vũ khí trị giá 5,43 tỷ USD, theo đó, chuyển giao 5 hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400 của Nga cho Ấn Độ. Thương vụ này nằm trong một chương trình quốc phòng lớn hơn, bao gồm việc Nga bán 4 tàu khu trục lớp Đô đốc Grigorovich cho Ấn Độ, cho thuê một tàu ngầm hạt nhân lớp Akula, và tham gia vào một công ty liên doanh với Delhi sản xuất trực thăng Ka-226T.

Mỹ "nóng mặt" S-400

Theo trang National Interest (NI), thỏa thuận trên, được công bố vào ngày 6/10, đã đưa Ấn Độ thành quốc gia thứ hai sau Trung Quốc mua hệ thống phòng thủ tối tân S-400 của Nga. Hệ thống phòng thủ tên lửa phòng không hàng đầu của Nga S-400 - được nâng cấp nhiều tính năng so với phiên bản tiền nhiệm S-300, có tầm hoạt động hiệu quả lên đến 400 km và có thể bắt kịp các mục tiêu di chuyển lên đến 17 km / giờ. S-400 là một giải pháp thay thế hấp dẫn đối với phiên bản PAC-3 của Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot.

Sức mạnh thương vụ S-400 Nga - Ấn Độ: Bề nổi của một tảng băng chìm? - Ảnh 1.

S-400 của Nga đang thu hút được sự quan tâm của nhiều đối tác. (Nguồn: Reuters)

S-400 rẻ hơn so với đối thủ cạnh tranh này từ Mỹ và vượt trội hơn PAC-3 trong các chỉ số hiệu suất thô. Trong những tháng tới, S-400 sẽ được trang bị các tên lửa 40H6E mới nhất - có tầm bắn 380 km của Nga. Theo NI, dù 40H6E đắt tiền và tiên tiến này sắp được chuyển đến Ấn Độ, nhưng chúng lại chưa được triển khai rộng rãi trong Lực lượng vũ trang Nga.

Lựa chọn Nga là nhà cung cấp vũ khí của New Delhi đã làm dấy lên những phản ứng trái chiều từ Washington trong bối cảnh hiện tại – khi Nga và Mỹ liên tục leo thang căng thẳng. Trong khoảng thời gian trước khi thỏa thuận trên được công bố, chính phủ Mỹ đã cảnh báo Ấn Độ rằng, việc mua hệ thống S-400 sẽ là một hành vi có thể sẽ vi phạm CAATSA - Đạo luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt. CAASTA được xây dựng để chuyển hướng các thương vụ quân sự ra khỏi Iran, Nga, và Triều Tiên.

CAATSA có một điều khoản miễn trừ dành cho các quốc gia như Ấn Độ. Tuy nhiên, đối với Washington, nếu bật đèn xanh cho một thỏa thuận về quy mô lớn như trên có nguy cơ sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hại cho việc thực thi CAATSA trong tương lai, đặc biệt khi nó liên quan đến ý định của Thổ Nhĩ Kỳ lắp đặt các hệ thống S-400 của Nga trong năm sau. Chính quyền Trump vẫn chưa công bố có hay không kế hoạch mở rộng miễn trừ cho Ấn Độ.

Nước cờ chiến lược của Delhi?

Theo National Interest, quyết định mua S-400 của Ấn Độ dường như được định hướng dẫn bởi loạt các mối quan ngại về kinh tế cũng như chiến lược. Trước đây, đối tác quân sự lâu đời của Ấn Độ là Liên Xô, và bây giờ, việc mua các thiết bị quân sự của Nga cũng khiến S-400 dễ dàng hơn và rẻ hơn trong việc tích hợp với cơ sở hạ tầng của lực lượng vũ trang Ấn Độ.

Trên thực tế, hoạt động nhập khẩu của Ấn Độ chiếm tới 35% doanh số vũ khí toàn cầu của Nga. NI nhận định, về mặt địa chính trị, với thương vụ này, New Delhi cũng đang tìm cách ngăn chặn "bóng ma lờ mờ" của một cuộc đối đầu hai mặt trận với Pakistan và Trung Quốc. Được một số người coi là một hệ thống đất đối không mạnh mẽ đối phó được với cả loại máy bay tàng hình thế hệ thứ năm tối tân như F-35, Bắc Kinh sẽ bị buộc phải tính đến mối đe dọa từ việc S-400 được Ấn Độ vận hành trong kịch bản xảy ra đụng độ biên giới với Ấn Độ. Đây cũng là cơ hội để Ấn Độ khẳng định lại truyền thống từ thời chiến tranh lạnh của họ là lập trường trung lập, ra tín hiệu rằng họ không có hứng thú với vai trò là lực lượng ủy nhiệm của Washington trong việc ngăn chặn sự phát triển kinh tế của Nga, theo NI.

Đây cũng sẽ là thỏa thuận vũ khí lớn đầu tiên của Nga kể từ khi Liên Xô tan rã được thực hiện bằng đồng rúp của Nga, một tín hiệu cho thấy Điện Kremlin không chỉ thách thức Washington như một nhà cung cấp vũ khí hàng đầu mà còn làm lu mờ tính ưu việt của đồng đô la Mỹ. Lúc này, New Delhi cũng sẽ không chịu nhiều tác động từ các động thái ngoại giao của Washington trong bối cảnh chính quyền Mỹ cứng rắn hơn với Trung Quốc và sự suy giảm liên tục của quan hệ Mỹ - Pakistan. Việc mua hệ thống S-400 của Ấn Độ là động thái mới nhất để tăng cường sức mạnh địa chính trị của Ấn Độ - khi Thủ tướng Modi muốn duy trì quan hệ lịch sử với Nga và nắm bắt cơ hội cân bằng ảnh hưởng trong quan hệ với Washington để chống lại các đối thủ lân cận của Ấn Độ.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ