• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Syria: Nga, Mỹ chạy nước rút cuộc đua “căn cứ quân sự”

Thế giới 16/01/2018 11:16

(Tổ Quốc) - Nga và Mỹ đang hết sức tăng tốc trong cuộc tranh giành ảnh hưởng tại Syria, trong đó bao gồm cả việc thiết lập căn cứ quân sự.  

Tạp chí chuyên về quân sự, chính trị Defense News nhận định, hiện đang có một cuộc chạy đua giữa Mỹ và Nga về căn cứ quân sự, khi hai quốc gia không ngừng mở rộng sự hiện diện của mình tại Syria và chống lại các mối đe dọa theo học thuyết phi đối xứng.

Mỹ: quy mô binh lính hình thành căn cứ quân sự

Defense News dẫn lời một nguồn tin trong quân đội cho biết, quân đội Mỹ hiện đang có mặt tại nhiều địa điểm quan trọng, tuy nhiên, có hai khu vực mà số lượng binh lính Mỹ hiện diện lớn đến mức, chúng đang được chuyển đổi thành các căn cứ quân sự. Khu vực đầu tiên là tại Al Tabaqah, gần thành phố Al Raqqa, phía bắc Syria – nơi các lực lượng đặc biệt của Mỹ đang tiến hành huấn luyện các nhóm vũ trang người Kurd. Khu vực thứ hai được xây dựng tại Al-Tanf. Đây cũng chính là nơi quân lính Mỹ ngăn cản các lực lượng của Syria và Nga tiến vào.

Các tay súng người Kurd dẫn đầu một đoàn các xe quân sự của Mỹ tại thị trấn Al Darbasiyah, Syria

Al Tabaqah từng là một căn cứ không quân của chính quyền Syria trước khi các lực lượng nổi dậy giành quyền kiểm soát. Mỹ cũng có những lực lượng tác chiến đặc biệt, hoạt động dọc theo các đường biên giới Jordan, Iraq và Syria tại Al Tanf – một khu vực giao thoa, nơi các nhóm nổi dậy Syria được huấn luyện. Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Deir Ezzour và tại Al Tanf đã “kẹp cứng” khu vực này; và được cho là đã phá hủy những nỗ lực của Iran nhằm thiết lập một con đường kết nối giữa Iran và Địa Trung Hải.

Nga: căn cứ quân sự dựa trên thỏa thuận giữa hai chính phủ

Trong khi đó, Nga hiện đang có hai căn cứ quân sự lâu dài tại Syria: một căn cứ không quân tại Hmeimim và một căn cứ hải quân tại Tartous.

“Các quan chức người Nga muốn ngay lập tức rút khỏi Syria bởi vì họ nhận thức được rằng, nếu diễn biến khu vực có sự thay đổi, Nga sẽ phải đối mặt với cuộc chiến tranh du kịch chống lại sự hiện diện của họ tại Syria,” Elias Hanna, một vị tướng về hưu của Quân đội Lebanon đưa ra nhận xét sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào căn cứ Hmeimim vừa diễn ra vào ngày 6/1 vừa qua.

Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, căn cứ không quân này đã phải hứng chịu hai cuộc tấn công: vụ đầu tiên bằng đạn cối diễn ra vào hôm 31/12 khiến hai lính Nga thiệt mạng, và vụ thứ hai bằng máy bay không người lái. Theo Bộ Quốc phòng Nga, quân đội nước này đã kịp thời chặn đứng được cuộc tấn công thứ hai vào Hmeymim, vô hiệu hoá 6 chiếc máy bay không người lái và bắn hạ 7 chiếc khác.

Hôm 12/1, hãng tin Sputnik dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, nhóm vũ trang tiến hành cuộc tấn công bằng đạn cối vào Hmeymim, đã bị tiêu diệt trong một chiến dịch đặc biệt. “Trong giai đoạn cuối của chiến dịch, một nhóm thuộc Các lực lượng Chiến dịch Đặc biệt của Nga đã xác định được địa điểm của nhóm binh lính [đã tấn công Hmeymim] tại gần biên giới phía tây của tỉnh Idlib. Khi những kẻ khủng bố đặt chân đến nơi chúng chuẩn bị lên xe buýt, toàn bộ nhóm này đã bị tiêu diệt bởi một quả đạn pháo Krasnopol,” thông cáo từ phía Nga cho biết.

Trong cuộc tấn công thứ hai, các  đánh giá ban đầu cho thấy, những máy bay không người lái trên đã bay tới Himeymim từ khoảng cách 50 – 100km. “Một thành viên IS không thể thiết kế được một máy bay không người lái có khả năng di chuyển từ 50 – 100km,” ông Hanna nói. “Nó cần phải có năng lực để kết nối với vệ tinh và GPS” và điều này khiến Nga không thể không lo lắng.

Sự hiện diện quân sự của Nga tại Syria dựa trên một hiệp định ký kết giữa chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Nga. Theo đó, Nga đã xây dựng hai căn cứ cố định và được hoạt động trong khoảng thời gian không giới hạn. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã thông qua một thỏa thuận với chính phủ Syria, cho phép Nga hoạt động tại căn cứ không quân tại Syria trong gần nửa thế kỷ.

Phi công của Nga tại căn cứ không quân Himeymim 

Vị trí của Syria: cốt lõi của chạy đua căn cứ quân sự  

“Đất nước Syria nằm tại một vị trí chiến lược – nó là cửa ngõ dẫn vào Trung Đông và Vùng Vịnh; đây là lý do tại sao chúng ta lại đang chứng kiến một cuộc tranh giành ảnh hưởng, trong đó bao gồm cả việc xây dựng các căn cứ quân sự,” Wehbe Katicha, một vị tướng về hưu khác của Quân đội Lebanon giải thích. “Cần lưu ý rằng, tỷ trọng xuất khẩu vũ trang của Nga đã tăng cực cao sau các chiến dịch tại Syria”.

Nước Nga đã cho thấy khả năng quân sự đáng gờm của Mỹ tại Syria, từ phi cơ chiến đấu cho tới các hệ thống phòng thủ trên không. Moscow cũng sử dụng cuộc chiến tại Syria như một chiến trường thử nghiệm tính hiệu quả cho các lực lượng vũ trang của mình. Các nhà phân tích đánh giá, Syria là một màn trình diễn quân sự và quốc phòng, hướng tới việc xuất khẩu trang thiết bị quân sự với Vùng Vịnh và Trung Đông. Hợp đồng cung cấp tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga với Arab Saudi chính là một hệ quả trực tiếp từ show diễn trên.

Ông Katicha cũng nhấn mạnh vào ảnh hưởng chiến lược của hệ thống cảng tại Syria, trong đó bao gồm điểm kết nối thương mại giữa Địa Trung Hải và Trung Đông.

“Ảnh hưởng chiến lược của Syria là cốt lõi của cuộc đua căn cứ quân sự, nơi chúng ta chứng kiến sự tranh giành giữa các nước lớn nhằm chứng minh sự hiện diện quân sự của mình,” vị tướng về hưu cho biết. “Ngoài ra, Nga cũng đang cố gắng để quay trở lại vị thế cường quốc tại khu vực này; Đây là lý do họ chọn tăng cường hiện diện quân sự tại Syria, mặc dù biết rằng những mối đe dọa phi đối xứng có thể ẩn chứa một chướng ngại lớn”.

Trong quân sự, chiến lược phi đối xứng đề cập đến việc sử dụng các trang thiết bị, vũ khí, phương tiện và các biện pháp quân sự… vào việc đối phó, phòng thủ và làm giảm hiệu quả các trang thiết bị, vũ khí, chiến lược quân sự… của đối phương, trong trường hợp đối phương sở hữu sức mạnh vượt trội hơn.

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ