(Tổ Quốc) - Bà Natalia Shafinskaya - Bí thư thứ nhất đại sứ quán Liên bang Nga, Giám đốc Trung tâm văn hóa Nga tại Hà Nội đã chia sẻ sự xúc động cũng như chưa bao giờ nhìn thấy tác phẩm tài tình như vậy khi nhìn bức chân dung thêu tay chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của nghệ sĩ Việt Nam.
Xúc động trước chân dung Bác Hồ
Triển lãm đặc biệt "Nhớ về Bác" đã khai mạc sáng 30/8 cũng thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của công chúng trong và ngoài nước.
Nhiều họa sĩ tham dự Triển lãm đã đánh giá các bức tranh không chỉ đặc biệt mà còn đẹp. Những tác phẩm tại Triển lãm Nhớ về Bác được các họa sĩ thực hiện ở rất nhiều nơi trong cả nước, có cái ở Phủ Chủ tịch, có cái ở Tây Bắc, có cái ở miền núi…. Triển lãm cũng quy tụ số họa sĩ đông đảo, với bối cảnh đa dạng.
Có mặt trong Triển lãm này, họa sĩ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: Tôi rất xúc động khi nhìn những bức tranh tại triển lãm đặc biệt mang tên "Nhớ về Bác". Nói đặc biệt vì hầu hết các bức tranh này tôi đã được xem. Có những bức tranh tôi được xem từ những năm 60. Qua giai đoạn kháng chiến chống Mỹ rồi hòa bình và đổi mới. Triển lãm có rất nhiều tranh quý, các họa sĩ đều cho thấy tình cảm son sắt của mình với vị lãnh tụ. Điều quý nữa không thể không nhắc đến là những tác phẩm hội họa ở đây của nhiều thế hệ họa sĩ, từ các nghệ sĩ Đông Dương đến thế hệ của tôi và thế hệ sau này.
Triển lãm đặc biệt "Nhớ về Bác" đã khai mạc sáng 30/8 tại Hà Nội và thu hút sự quan tâm của công chúng
Là một vị khách mời đặc biệt có mặt tham quan triển lãm, bà Natalia Shafinskaya - Bí thư thứ nhất đại sứ quán Liên bang Nga, Giám đốc Trung tâm văn hóa Nga tại Hà Nội cũng cho biết: Tôi rất vinh dự được đến tham quan triển lãm "Nhớ về Bác", bởi hai dân tộc Nga – Việt Nam gắn bó với nhau bởi lịch sử rất lâu lắm.Tôi là người Nga rất tự hào về mối quan hệ phát triển với Việt Nam nên chúng ta lúc nào cũng phải nhớ đến lịch sử. Bác Hồ là người rất đặc biệt không chỉ lịch sử Việt Nam mà còn cả lịch sử thế giới. Rất nhiều dân tộc đã lấy tấm gương của Bác để học tập theo.
Tôi rất xúc động bởi tất cả các bức tranh được trưng bày ở đây như được "nhìn thấy Bác" trong các bối cảnh khác nhau, Bác tham quan các công trình, Bác trao đổi với người dân… Nhất là họa sĩ Việt Nam rất tài, có thể chuyển tình cảm tự nhiên của người dân thành tác phẩm nghệ thuật – Bà Natalia Shafinskaya cho biết.
Tác phẩm thêu tay Chân dung Bác Hồ của Song Hỷ khiến bà Natalia Shafinskaya xúc động và đánh giá cao nghệ sĩ Việt Nam
Chúng ta có thể thấy được tình cảm của các nghệ sĩ đối với Bác Hồ hết sức chân thành qua tác phẩm. Tôi phải chia sẻ thành thật rằng nghệ sĩ chúng tôi vô cùng yêu mến Bác Hồ, tham gia cuộc kháng chiến bằng tất cả tấm lòng của mình mà không cần một sự hô hào hay tác động nào. Vì thế tác phẩm toát lên được thứ tình cảm tự nhiên đó. Người nghệ sĩ không chỉ vẽ bằng màu, bằng hình ảnh, bằng bố cục mà còn bằng tình cảm. Cho nên sau bao nhiêu năm tôi và các bạn xem lại vẫn thấy được tình cảm của người nghệ sĩ được đưa vào tác phẩm, và từ tác phẩm nó dội ra công chúng, đây là điều khiến tôi rất xúc động – Họa sĩ Trần Khánh Chương nhấn mạnh.
Còn bà Giám đốc Trung tâm văn hóa Nga chia sẻ thêm về sự thán phục của mình đối với các họa sĩ Việt Nam: Cá nhân tôi thích một số bức tranh, nhưng khiến tôi xúc động đặc biệt đó là chân dung của Bác thêu tay (Chân dung Bác Hồ - Song Hỷ). Khi nhìn từ xa tôi tưởng bức vẽ chân dung nhưng nhìn gần thì đây là chân dung thêu khiến tôi rất ngạc nhiên. Chắc là chỉ có những người nghệ sĩ ở Việt Nam biết thêu kỹ như thế này, tôi chưa bao giờ nhìn thấy một bức tranh chân dung tài tình như vậy. Đây là bức tranh độc đáo và quan trọng.
Hình ảnh Bác Hồ luôn sống mãi
Có thể khẳng định vẽ tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh là một đề tài lớn, một cảm hứng lớn đối với các họa sĩ. Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại liệu Bác đã đi xa thì có trở thành khó khăn đối với thế hệ họa sĩ sau này cũng như họa sĩ đương đại?. Trước băn khoăn này, họa sĩ Trần Khánh Chương khẳng định: Hiện nay việc sáng tác về Bác vẫn đang tiếp tục. Dù Bác đã đi xa, nhưng hình ảnh của Bác qua phim, ảnh, qua tư liệu vẫn còn rất nhiều và vẫn làm xúc động các họa sĩ.
Một số tác phẩm về Bác Hồ tại Triển lãm
Tất cả bức tranh được vẽ ở đây không chỉ vào thời điểm Bác vẫn còn sống mà qua rất nhiều năm, nhiều góc nhìn của các thế hệ vào sự nghiệp của Bác. Điều đáng quý là tất cả các thế hệ đều có quan điểm chung về niềm tự hào và yêu kính Bác – bà Natalia Shafinskaya nhận xét.
Không chỉ họa sĩ Việt Nam vẽ về Bác mà họa sĩ Nga cũng vẽ về Bác. Bà Natalia Shafinskaya chia sẻ thêm thông tin: Ở Nga có một bảo tàng mang tên Phương Đông. Bảo tàng này có quan hệ tốt với bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Từ thời xưa hai bảo tàng hợp tác với nhau rất chặt chẽ và đã từng phối hợp tổ chức các triển lãm khác nhau. Trong đó có triển lãm tranh về Bác do họa sĩ hai nước Việt Nam – Nga thực hiện. Điều thú vị là nhìn vào tranh của hai họa sĩ Việt Nam – Nga khi vẽ về chủ tịch Hồ Chí Minh rất là hay, tôi nhận thấy cách vẽ từ năm 50 đến tầm năm 70 của họa sĩ hai nước rất giống nhau. Điều này có thể lý giải vì có những họa sĩ Việt Nam được học ở Nga, nên cách vẽ, bối cảnh trên bức tranh khá giống nhau.
Chân dung Bác Hồ qua góc nhìn của các họa sĩ: Lê Lam, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Nghĩa Duyện và Nguyễn Thế Vinh (từ trên xuống)
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng tiết lộ mình được tham gia công tác giám khảo - chấm tranh cổ động một số cuộc thi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động, có điều khá đặc biệt là rất nhiều tranh cổ động có hình ảnh Bác Hồ. Điều này minh chứng và cho thấy rằng, Bác Hồ luôn sống mãi trong trái tim nhân dân Việt Nam và trong trái tim người nghệ sĩ.