• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tấn công hóa học Syria và bê bối bầu cử: Theo chân phép thử Mỹ, Nga của Tillerson

Thế giới 07/04/2017 21:05

(Tổ Quốc) - Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tới Moscow vào tuần tới được cho là một phép thử về những hi vọng của chính quyền Trump đối với mối quan hệ gần gũi hơn với Nga.

Sự chỉ trích của Mỹ và phương Tây về vụ tấn công hóa học gần đây tại Syria cùng với các cuộc điều tra về sự liên quan của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ sẽ theo chân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tới Moscow vào tuần tới trong chuyến thăm – được cho là một phép thử về những hi vọng của chính quyền Trump đối với mối quan hệ gần gũi hơn với Nga.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong cuộc họp báo tại Palm Beach, Florida ngày 6/4. (Nguồn: AP)

Hàng loạt rào cản

Mặc dù trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã tuyên bố về việc “khởi động lại” mối quan hệ Mỹ - Nga, tuy nhiên, cho tới nay, những động thái từ chính quyền Mỹ là chưa rõ ràng.

Đặc biệt, vấn đề này hiện đang bị phủ bóng bởi cuộc tấn công vũ khí hóa học gần đây tại Syria khi Mỹ và phương Tây khẳng định là do chính quyền Tổng thống Syria Assad thực hiện còn Nga nói rằng chưa có bằng chứng xác đáng cho lập luận trên.

"Người Nga thực sự cần phải suy nghĩ cẩn thận về sự tiếp tục hỗ trợ của họ đối với chế độ Assad", Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cho biết trước chuyến thăm, cáo buộc Moscow phải chịu "trách nhiệm đạo đức lớn" với cái chết của hơn 80 người trong vụ tấn công hóa học trên.

Tuy nhiên, những bất đồng gia tăng về Syria chỉ là trở ngại mới nhất đối với bất kỳ kế hoạch nào của ông Trump để kéo gần mối quan hệ Mỹ - Nga trên trường quốc tế. Trump và đội ngũ nhân sự của ông đã bị lôi kéo vào các cuộc điều tra về các cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 – động thái được cả giới tình báo và Quốc hội Mỹ thúc đẩy.

Trong chính trường Mỹ, ngay cả những nhượng bộ nhỏ cho Nga cũng sẽ dấy lên những lời buộc tội trực tiếp từ các đối thủ của ông Trump rằng tân Tổng thống - người đã ca ngợi Tổng thống Nga, đang thân cận ông Putin.

Bên cạnh đó là phản ứng tức giận của ông Trump đối với cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước về vũ khí hạt nhân, sự chỉ trích của phương Tây đối với sự liên quan của Nga trong cuộc xung đột Ukraine. Theo AP nhận định, hiện tại là rất khó để nhìn thấy cơ hội thực tế để Nga – Mỹ xích lại trong tương lai gần.

Hi vọng mở đường thượng đỉnh

Michael McFaul, Đại sứ Mỹ tại Nga, dưới thời Tổng thống Barack Obama, nói: "Tôi nghĩ rằng người Nga đã giảm bớt những mong đợi của họ về khả năng của một bước đột phá, và những gì đã xảy ra ở Syria sẽ củng cố thêm luận điểm này.

Tuy nhiên, ông McFaul cũng nói rằng người Nga có thể sẽ đón tiếp ông Tillerson một cách nồng nhiệt với hy vọng chuyến đi của ông có thể mở rộng con đường hướng tới thượng đỉnh Trump-Putin.

Chuyến thăm của ông Tillerson là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức hàng đầu trong chính quyền Trump kể từ khi nhậm chức, tới Nga. Ông Tillerson sẽ tới Moscow vào thứ ba tuần tới sau chuyến thăm Lucca, Italy, để gặp gỡ các đối tác trong nhóm G7. Khi tới Nga, ông Tillerson dự kiến sẽ gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Tillerson đã điện đàm với ông Lavrov sau khi xảy ra cuộc tấn công hóa học Syria. Nga vẫn khẳng định rằng các vụ không kích của Syria đã nhắm tới một cơ sở của lực lượng nổi dậy – nơi nhóm này đang phát triển vũ khí hóa học, một tuyên bố Mỹ và phương Tây đã mạnh mẽ phản bác.

Ông Tillerson cũng có thể hội đàm cùng Tổng thống Nga Putin – đánh dấu cuộc hội ngộ giữa hai bên, tuy nhiên, ở trong những cương vị khác nhau. Ông Tillerson đã từng gặp ông Putin khi là CEO của tập đoàn dầu Exxon Mobil để đàm phán các hợp đồng dầu khí ở Nga. Quan hệ gần gũi của ông Tillerson với Nga – người đã được ông Putin trao Huân chương Hữu nghị - từng dấy lên những quan ngại  nghiêm trọng trong phiên điều trần thông qua chức vụ Ngoại trưởng của ông Tillerson. Tuy nhiên, ông Tillerson cho đến nay luôn là tiếng nói điềm tĩnh trong chính quyền Trump về mối quan hệ và các hành động của Nga.

Các quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhận định chuyến thăm của ông Tillerson là hoạt động thăm dò để xác định khả năng hợp tác, và nói thêm rằng chưa có quyết định nào về việc thúc đẩy hợp tác đã được đưa ra. Các quan chức Mỹ chia sẻ thông tin trên với yêu cầu giấu tên dù ông Trump đã lên án báo chí vì đã sử dụng các nguồn tin giấu tên.

Mối quan hệ giữa Mỹ và phương Tây với Nga ngày càng xấu đi kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea và sau đó được cho là tăng cường vũ trang và hỗ trợ cho lực lượng li khai thân Nga ở đông Ukraine. Sau động thái trên, chính quyền Obama và các nước phương Tây đã đáp trả Moscow bằng những biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt – điều Trump đã tuyên bố vẫn sẽ duy trì cho đến khi Nga trả lại Crimea cho Ukraine.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Nga Putin đã lạc quan về Tổng thống Trump. Gần đây, Trump và các nhân sự cấp cao đã nói rằng ưu tiên hàng đầu của Mỹ tại Syria sẽ là cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) – thay vì buộc ông Assad ra đi – một lập trường phù hợp với mục tiêu chung của Nga.

Trong khi đang có nhiều tiếng nói thúc giục ông Tillerson hoãn thăm Nga và dù chưa rõ Mỹ và Nga sẽ gặt hái được điều gì sau chuyến thăm này, bất cứ động thái nào có liên quan tới sự kiện trên cũng có thể phát đi tín hiệu về mối quan hệ sắp tới giữa hai siêu cường có ảnh hưởng toàn cầu.

(Theo AP)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ