• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ảnh hưởng của Trung Quốc được tăng cường ở vùng Sừng châu Phi

Thế giới 07/01/2022 19:46

(Tổ Quốc) - Nếu tình trạng hỗn loạn ở Ethiopia vẫn tiếp diễn thì sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở vùng Sừng châu Phi có thể bị chậm lại hoặc thậm chí trật bánh.

Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Sừng châu Phi

Theo Asia Times, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vừa có chuyến thăm châu Phi vào đầu Năm mới. Ngoại trưởng Vương Nghị đã công du đến 3 quốc gia Eritrea, Kenya và Comoros, sau chuyến thăm châu Phi của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào tháng 11/2021. Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định các quốc gia châu Phi nên tự quyết định vận mệnh của mình và tổ chức một hội nghị hòa bình, đồng thời bày tỏ mong muốn giúp Eritrea phát triển vùng duyên hải Biển Đỏ.

Vai trò tăng cường và ảnh hưởng của Trung Quốc ở Sừng châu Phi  - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: CGTN châu Phi.

"Trung Quốc sẽ bổ nhiệm một đặc phái viên của Bộ Ngoại giao tới vùng Sừng châu Phi", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 6/1 tuyên bố khi tới thăm thành phố cảng Mombasa, Kenya.

Tại châu Phi, Trung Quốc là bên cho vay lớn thứ 2 của Kenya, sau Ngân hàng Thế giới, và đã cấp vốn cho nhiều dự án hạ tầng tốn kém.

Eritrea và Trung Quốc là hai quốc gia thân thiết. Bắc Kinh được biết từng ủng hộ phong trào giải phóng Eritrea từ những năm 1970. Trước đây, Tổng thống Eritrea Isaias Afwerki cũng đã tham gia huấn luyện quân sự ở Trung Quốc. Gần đây hơn, Eritrea là một trong 54 quốc gia bày tỏ sự ủng hộ  trường của Bắc Kinh về vấn đề Hongkong tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 10/2020. Vào tháng 11 năm ngoái, Eritrea đã ký biên bản ghi nhớ với Trung Quốc để tham gia "Sáng kiến Vành đai và Con đường" (BRI). Quốc gia láng giềng – Djibouti cũng tham gia Sáng kiến BRI. Và Sudan cũng tham gia Sáng kiến này dọc theo đường Biển Đỏ.

Mối quan hệ giữa Ethiopia và Eritrea là trung tâm gắn kết khu vực ở Sừng châu Phi. Tuy nhiên, mối quan hệ này cũng tồn tại nhiều xung đột và rắc rối. Đáng lưu ý, Trung Quốc cũng có quan hệ chặt chẽ với Ethiopia và được xem là quốc gia có đủ khả năng làm trung gian hòa giải. Vùng Sừng châu Phi được biết đến có tầm quan trọng chiến lược lớn và Ethiopia là trung tâm của khu vực. Các tác động của Ethiopia đang ảnh hưởng đến toàn khu vực.

Các bất lợi từ xung đột

Từ lâu, Trung Quốc và Ethiopia có mối quan hệ chính trị mạnh mẽ và sự gắn kết kinh tế sâu sắc. Ethiopia cũng là một trong 5 điểm đến đầu tư hàng đầu của Trung Quốc tại lục địa châu Phi. Bên cạnh đầu tư, quan hệ giữa Trung Quốc và Ethiopia còn mở rộng sang lĩnh vực thương mại, tài chính hạ tầng và các lĩnh vực khác. Việc hợp tác kinh tế với Trung Quốc đã mang đến nhiều cơ hội cho Ethiopia.

Theo Asia Times, ngay cả khi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) ra đời, Bắc Kinh cũng là quốc gia đầu tư tài chính lớn cho cơ sở hạ tầng của Ethiopia. Đầu tư của Trung Quốc vào hoạt động sản xuất – một trong những lĩnh vực trọng tâm Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed hiện nay đã đóng góp vào quá trình chuyển đổi và đa dạng hóa nền kinh tế của đất nước.

Một báo cáo gần đây do Viện nghiên cứu toàn cầu có trụ sở tại London (ODI) cho biết Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc có tiềm năng mở ra lộ trình mới thông qua phát triển cơ sở hạ tầng, kích thích đầu tư, tạo việc làm và thúc đẩy chuyển đổi kinh tế. Sáng kiến Vành đai và Con đường có thể là động lực cho tăng trưởng và phát triển.

Báo cáo của ODI trong tháng 8/2021 kết luận, các nhà đầu tư Trung Quốc bày tỏ lo ngại trước sự bất ổn kinh tế và chính trị ở Ethiopia. Sự bất ổn chính trị có thể ảnh hưởng không chỉ đến lợi nhuận của các nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn cá nhân và tài sản của họ.

"Các thách thức kinh tế sẽ  kéo theo chi phí sản xuất và giá vận chuyển cao cũng như gây ra khó khăn trong tiếp cận ngoại hối. Đây là vấn đề thường gặp đối với hầu hết các doanh nghiệp Trung Quốc tại nước này. Các nhà đầu tư Trung Quốc hiểu rõ, các thách thức như vậy có thể gây ra mối đe dọa đối với sự phát triển bền vững trong hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Ethiopia. Đơn giản hơn, nếu xảy ra tình trạng hỗn loạn ở Ethiopia, Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở các khu vực sừng châu Phi và Đông Phi có thể bị chậm lại, nếu không muốn nói là trật bánh.

Về phía Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden ngày 1/1 đã thông báo chấm dứt quyền tiếp cận chương trình thương mại miễn thuế đối với Ethiopia trong bối cảnh gia tăng xung đột ở miền bắc Ethiopia. Trước đó, trong tháng 11 năm ngoái,Tổng thống Biden đã đe dọa sẽ đưa Ethiopia ra khỏi diện được hỗ trợ theo Đạo luật Phát triển và Cơ hội châu Phi (AGOA) với cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu vực Tigray.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ