• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tăng giá dịch vụ y tế là để người dân không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh

Sức khỏe 12/08/2019 16:33

(Tổ Quốc) - Đó là giải thích của ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế khi nói về việc ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập.

Đáp ứng nhu cầu của nhóm đối tượng người bệnh "có điều kiện"

Ông Nguyễn Nam Liên cho biết, hiện nay nhu cầu về khám chữa bệnh của người dân rất lớn. Nếu các bệnh viện trong nước không đáp ứng được nhu cầu này thì đa số người bệnh này sẽ ra nước ngoài để khám chữa bệnh.

gia-dich-vu-y-te-ve-gia-tri-thuc-se-tang

Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế.

"Khác với những người được hưởng Bảo hiểm Y tế, một số nhóm người dân mong muốn được sử dụng dịch vụ cao hơn tại các bệnh viện. Nhiều người đòi hỏi phải có chỗ ăn, chỗ tiếp khách, hộ lý trực 24/24. Chính vì vậy, Thông tư sắp ban hành sẽ là cơ sở để các bệnh viện đáp ứng được nhu cầu của nhóm đối tượng người bệnh này" – ông Liên nói.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, hiện nay có nhiều bệnh viện tư được đầu tư bằng nguồn vốn nước ngoài. Ở các bệnh viện này, phòng ốc rất đẹp nhưng trình độ của y bác sĩ chưa chắc đã bằng ở bệnh viện công. Thậm chí, nhiều ca phẫu thuật các bệnh viện tư phải nhờ đến cả thầy thuốc hàng đầu của bệnh viện công.

Các bác sĩ của Việt Nam rất giỏi thậm chí còn được mời ra nước ngoài khám chữa bệnh. Nếu xây dựng được khu khám chữa bệnh chất lượng cao thì người dân sẽ không phải ra khám chữa bệnh ở nước ngoài. Như vậy, người bệnh sẽ đỡ được rất nhiều chi phí mà chất lượng thì vẫn được hưởng như ở nước ngoài. "Đây là tâm tư tình cảm của người Việt Nam" – ông Liên khẳng định.

Ông Liên cho biết thêm, theo thống kê mỗi năm có khoảng  50 – 100.000 người Việt Nam ra nước ngoài khám chữa bệnh với tổng số tiền 2 tỷ USD, nếu có cơ chế để giữ lại một nửa số này thì mỗi năm chúng ta có từ 2 – 3 chục ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, ở Việt Nam có khoảng 200 – 500.000 người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, nếu chúng ta có bộ phận chất lượng cao thì nhóm đối tượng người bệnh này sẽ không phải trở về nước để chữa bệnh.

Vì sao giường bệnh theo yêu cầu có giá 4 triệu đồng/ngày?

Được biết, Thông tư Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp, dự kiến áp dụng trên toàn quốc từ 1/10/2019.

Trong đó, giá dịch vụ giường nằm nội trú tại phòng điều trị theo yêu cầu của bệnh viện hạng đặc biệt, có 1 giường/phòng tối đa là 4 triệu đồng. Đối với các loại phòng có từ 2 – 4 giường, mức giá dao động từ 1,3 triệu đồng – 2,5 triệu đồng/ngày.

Cũng theo ông Nguyễn Nam Liên, vừa qua, có nhiều thông tin khiến người dân hiểu không đúng về tinh thần của Thông tư này. Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định giường bệnh có giá cao ngất ngưởng như vậy sẽ tạo điều kiện cho các bệnh viện tận thu.

Giải thích về vấn đề này, ông Liên cho hay, không phải giường dịch vụ nào cũng sẽ có giá như vậy. Một bệnh viện sẽ phân loại xem bao nhiêu loại giường theo yêu cầu, bao nhiêu phòng 1 giường và bao nhiêu phòng 2 giường. Nếu bệnh viện nào đó ban hành mức giá quá cao thì người dân hoàn toàn có thể lựa chọn dịch vụ ở chỗ khác.

"Có những loại giường bệnh mức giá 200, 300 ngàn đồng/ngày nhưng cũng sẽ có những giường bệnh giá cao hơn nhiều lần để đáp ứng mọi nhu cầu của người dân. Bằng một phép tính đơn giản, có thể thấy chi phí vật tư, hóa chất, thuốc men tạm tính cũng phải 700 ngàn đồng/ngày, ngoài ra giường bệnh đòi hỏi điều dưỡng phục vụ 24/24 thì cũng phải trả cho họ 400 ngàn đồng/8 tiếng, chưa kể các dịch vụ khác nữa thì cộng lại 1 giường bệnh có giá 4 triệu đồng/ngày cũng là hợp lý" – ông Liên giải thích.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ