• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tặng sách, nhưng không cho mượn

Văn hoá 01/06/2019 07:52

(Tổ Quốc) - Với riêng tôi, hàng ngày vào buổi tối, dành ra hai tiếng để xem một bộ phim và hai tiếng để đọc sách. Mỗi tuần đọc được một cuốn sách, có tuần đọc hai cuốn. Mỗi năm có 52 tuần, như vậy trung bình một năm mình đọc được 50-70 cuốn sách.

Nhà văn Hồ Anh Thái

Chờ mua sách mới từng ngày

Thời bây giờ, đất nước hơn 90 triệu dân, mỗi cuốn sách trung bình chỉ in từ 1.000 đến 2.000 bản, cuốn nào được coi là đinh thì mới dám in lần đầu 5.000 bản, nếu phát hành được nhiều thì trong vài ba năm có thể bán được vài vạn bản. Như vậy đã được coi là kỷ lục.

Trước năm 1975, miền Bắc có 17 triệu dân, mỗi cuốn sách ít nhất cũng in 10.000 bản, thường là 20.000 bản, nhiều khi còn hơn thế nữa. Vậy mà các hiệu sách chỉ được cấp về mỗi cuốn từ 5 đến 10 bản. Sách phải phân phối như hàng hóa thời ấy phải phân phối. Phải có thẻ nghiên cứu mới mua được sách hay. Tôi mới hơn mười tuổi, không có thẻ nghiên cứu, chỉ nhờ quen các cô bán sách mà mua được sách.

Tặng sách, nhưng không cho mượn - Ảnh 1.

Nhà văn trước giá sách tại nhà riêng

Nhưng quen rồi thì vẫn rất gian nan. Phải ngong ngóng rình chờ ngày hiệu sách nhập sách mới. Phải chăm lui tới hiệu sách, nói chuyện sách với cô Ngân cô Hà chị Sâm chị Thanh. Chuyện trò một lát thế nào các cô các chị cũng để lộ thông tin, thứ sáu sách về đấy. Thứ sáu làm như tình cờ ghé đến, lại nghe nói hôm nay hoãn nhập sách, thứ hai sách mới về. Thứ hai lại đến. Đến nơi đã thấy trên giá bổ sung dăm ba cuốn sách mới, bìa tươi rói. Cuốn sách bày thì sẽ ở đấy mãi mãi, không bao giờ bán. Các cô các chị ưu tiên, bán cho mình một cuốn, lấy ra từ dưới cái quầy bằng gỗ.

Cũng có khi tôi đến đúng lúc chiếc xích lô chở sách vừa đỗ lại trước cửa. Cô bán sách đang cùng người đạp xích lô khuân sách vào. Mình cũng lăng xăng xách giúp từng bó từ xích lô vào trong hiệu. Sau đấy là cả một sự hồi hộp. Được đứng bên cạnh xem các cô các chị cắt dây buộc từng bó, lấy từng cuốn sách ra, cầm lên lật trước lật sau. Không phải cuốn nào cũng vừa mắt mình. Không phải cuốn nào mình cũng đoán được là sách hay. Đành chọn theo cảm tính. Chọn rồi, có khi mua được ngay, cũng có khi cô Hà bảo: Không, cuốn này chỉ có năm bản, phân phối cho năm người là vừa đủ, cháu để tuần sau, cô xin cấp thêm chỉ tiêu, cô giữ lại cho.

Thất vọng. Lê bước về nhà, ngồi tính đếm đủ bảy ngày, một tuần như cô Hà hứa, lại mò đến. Có khi sách bổ sung đã về như cô nói, nhưng cũng nhiều lần lại phải chờ thêm, đến cả tháng. Tôi vốn có tính hồi hộp từ bé, cho đến bây giờ. Được hẹn một tuần, thì suốt một tuần ấy tôi chỉ nghĩ đến ngày quay lại hiệu sách. Bây giờ vẫn thế, mua cái vé xem phim trước ba ngày, thì cả ba ngày chỉ ám ảnh về ngày giờ mình sẽ đến rạp.

Vậy nhìn vào mỗi cuốn sách là nhớ ra một kỷ niệm. Sách mua được nhờ nhịn ăn sáng, nhịn nhiều ngày. Sách mua được nhờ tiền học bổng. Sách mua được sau khi phải năm lần bảy lượt qua lại hiệu sách. Sách mua được hôm giúp khuân sách chạy vội từ xích lô vào vì trời mưa… Nói chuyện học bổng, ba năm cấp ba tôi học lớp chuyên trường chuyên, được mỗi tháng chín đồng. Lương công nhân lúc ấy trung bình là bốn mươi lăm đồng một tháng. Chín đồng gần như đủ tiền ăn mỗi tháng cho một chú học sinh. Tôi nộp hết cho mẹ, đỡ được chút ít gánh nặng cho gia đình. Thỉnh thoảng xin lại mẹ năm hào hoặc một đồng để mua sách.

Chọn mặt gửi sách

Sách tôi đọc xong rồi, cuốn sách vẫn như mới, không quăn mép, không vẹo gáy, không bẩn bìa. Đọc đến trang nào thì không gấp trang để đánh dấu mà phải nhớ số trang, lúc ấy chưa có cái đánh dấu sách. Hầu như không ai giữ được sách như vậy. Có lần nhỡ cho mượn, sách trả lại bị quăn mép, bị người ta gấp ngược trước ra sau cho nên gáy sách vẹo hẳn đi. Đau xót. Từ đấy quyết không cho ai mượn. Chỉ có mỗi cô giáo dạy vật lý lớp sáu và lớp bảy giữ được sách như mới, nên tôi cho cô mượn. Cô cứ lấy mỗi lần vài ba cuốn, có khi ôm cả ba tập Con đường đau khổ về, nửa tháng sau đạp xe mang đến trả.

Không nhớ đã cho ai mượn một cuốn truyện, nó bị chuyền tay dăm ba người, đến lúc nó quay về với mình thì nhìn như đứa con ra đường bị ai đánh. Bìa rách hai ba miếng, gáy sách long ra, các tay sách đứt chỉ, rời hẳn ra khỏi gáy. Tôi không khóc mà nước mắt cứ chảy. Cha tôi phải lấy bột mì khuấy thành hồ, chắp hai ba mảnh bìa rách dán lại thành một cái bìa xiên xẹo. Gáy sách không dán lại được, cha tôi lôi ra một cái đinh guốc, dùng búa nện. Bùm bùm bùm. Mỗi nhát búa như một phát súng. Bùm bùm bùm. Đinh và búa xuyên qua bên lề sách, tạo thành mấy lỗ thủng. Lúc ấy mới dùng cái kim khâu bao tải xuyên qua để khâu lại. Khâu xong thì sách không còn ra sách nữa mà như cuốn sổ biên nhận của hợp tác xã gò hàn. Mấy đường chỉ khâu cuộn quanh gáy sách, ôm vòng lấy nó. Tôi chỉ còn biết khóc. Từ đó hễ nhìn thấy cuốn sách thương binh trên giá sách là lại thấy tang thương. Tình cờ trên giá sách có một cuốn khác, dòng chữ trên gáy sách đọc rất rõ: Tang thương ngẫu lục.

Tặng sách, nhưng không cho mượn - Ảnh 3.

Nhà văn Hồ Anh Thái tại Seoul , ra mắt tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo dịch ra tiếng Hàn Quốc

Tôi giữ sách bao nhiêu thì anh tôi lại thoải mái với sách bấy nhiêu. Thoải mái với những cuốn sách mà anh không mất tiền mua không mất công mua. Thỉnh thoảng kiểm kê lại thấy biến đâu mất một cuốn. Hỏi, anh quanh co bảo người này người nọ mượn. Tôi lồng lên, bắt anh đi đòi về ngay. Sách trả lại tất nhiên không được mới như khi sách ra khỏi nhà mình, ai mà giữ được sách như thế. Lâu lâu lại được một trận tức điên lên. Của người phúc ta, toàn lấy sách của người khác đem cho mượn. Tôi dò hỏi, biết được một trong những người mượn là cô bé ở gần nhà, bằng tuổi tôi. Tôi đi đòi. Cô ta khất thêm vài ngày nữa vì chưa đọc xong. Vài ngày sau, anh tôi mang sách về trả, nhắc lại cả lời của cô kia nói về tôi: Ông này gớm lắm.

Có ông nhà thơ lừng danh định nghĩa mượn sách tức là ăn cắp sách. Mượn mà lại có nghĩa là ăn cắp. Lại thêm câu truyền tụng trong giới đọc sách: cho mượn sách là dại, mượn rồi mà trả lại là ngu. Tôi thì viết một dòng chữ to lên trang giấy, treo trước giá sách: Xin miễn hỏi mượn.

Có lần chuyển đến nhà mới, gần nhà bà chị họ. Hai đứa con gái của chị ríu rít chạy sang thăm hỏi cậu về nhà mới. Chuyện trò rôm rả rồi hai đứa cháu ra về. Hôm sau bà chị bảo: Các cháu nghe nói cậu nhiều sách lắm, vội vàng rủ nhau chạy sang, nhưng thấy giá sách cậu có cái biển đề xin miễn hỏi mượn, thế là im luôn, không đứa nào dám hỏi.

Quý hóa như vậy, nhưng cũng có lúc phải bán sách. Một lần thôi. Lúc ấy đang là sinh viên, hết sạch tiền, mà đến lúc phải mua thêm giáo trình và đi thực tập. Mấy cuốn sách rất khó mua đành đem đi bán. Hiệu sách cũ thời ấy làm ăn được. Mỗi cuốn sách ở đấy gấp ba bốn lần giá gốc, có khi gấp chục lần. Nhưng sách mình mang đến thì ông ta chỉ trả thấp hơn giá bìa, đứng thêm một lúc thì được trả hơn một tí, chẳng đáng bao nhiêu. Hối hận vì đã mang sách đến đây, đến rồi chẳng lẽ lại mang sách quay về, đang cần tiền cho bao nhiêu việc. Ông chủ hiệu thì vẫn xử sự theo kiểu bán thì bán không thì thôi. Vẻ lạnh lùng của ông ta, mình lại thấy là tàn nhẫn.

Sách là thứ không phải để cho mượn. Sau này phát triển thêm cả đĩa phim cũng thế, không cho mượn. Rồi đến cái thời mình có tiền để mua sách mua đĩa phim, gặp được sách hay phim hay thì tôi thường mua thêm, mỗi cuốn mười bản, mỗi phim mười bản, hoặc là hơn. Sách là thứ không nên cho mượn nhưng có thể đem tặng. Mua thêm mấy bản rồi chủ động đem cho bạn bè. Bạn bè thời nay có rất ít mối quan tâm chung. Phải cùng đọc một cuốn cùng xem một phim, sau đó gặp nhau có thêm chuyện mà nói cho bớt nhạt.

Nhà thơ Tế Hanh có những câu thơ về sách như thế này: Tình yêu đẹp nhưng không bền bỉ / Ốm đau nhiều đôi lúc bạn bè xa / Chỉ còn sách: một niềm chung thủy / Sách chẳng bao giờ nỡ bỏ ta.

Chắc là người cao tuổi sẽ thấy điều này thấm thía hơn.

Chơi sách – sách cũ – sách điện tử

Số liệu thống kê năm 2018: trung bình mỗi năm một người Việt Nam đọc được 1,2 cuốn sách (một phẩy hai).

Với riêng tôi, hàng ngày vào buổi tối, dành ra hai tiếng để xem một bộ phim và hai tiếng để đọc sách. Mỗi tuần đọc được một cuốn sách, có tuần đọc hai cuốn. Mỗi năm có 52 tuần, như vậy trung bình một năm mình đọc được 50-70 cuốn sách.

Một ngày không đọc sách như một ngày không được ăn. Đọc đã thành nhu cầu không thể thiếu, phải tiêu thụ hàng ngày. Nhưng hơn cả tiêu thụ, đọc trở thành khoái cảm thưởng thức, như đấy cũng là một thứ lạc thú để mê mẩn theo đuổi. Rồi sách trở thành thú chơi. Sách đã đọc rồi, đã có bản lưu rồi, nhưng hễ nhìn thấy sách tái bản là lại mua. Đấy là những cuốn mình đặc biệt thích. Chuông nguyện hồn ai (Hemingway) có bốn bản khác nhau, Linh Sơn (Cao Hành Kiện) có bốn bản tiếng Việt và một bản tiếng Anh, Soul Mountain. Sách của Erich Maria Remarque thì in lại lần nào mua lần ấy. Có những cuốn sách mình mua chỉ vì cái bìa. Bìa đẹp thì chính nó đã là một tác phẩm mỹ thuật cần được lưu giữ. Mê bìa sách nên tôi thường thích chơi với những họa sĩ làm bìa sách văn học.

Tôi chỉ thích sách mới, giấy mới mực mới, chứ không thích sách cũ. Có một cái gì giống như duy mỹ. Sách cũ trong nhà giấy đen sần sùi thời bao cấp là bỏ đi cả bao tải, cho những người bạn sưu tầm sách cũ, dù biết sách thời ấy được biên tập kỹ càng. Nhưng rồi khái niệm sách cũ cũng thay đổi khi bước vào những hiệu sách cũ ở Âu - Mỹ. Used book tạm dịch là sách cũ chứ đúng ra nó không cũ, mà là sách đã qua sử dụng. Có thể người ta mới đọc một lần, còn nguyên lành như mới, không có nhu cầu lưu giữ thì đem ra bán cho hiệu sách. Đi thỉnh giảng ở các trường đại học Mỹ, tôi thường tìm đến những hiệu sách cũ trên đại lộ Đại học. Ở Đại học Washington tôi mua được cuốn Lolita, in lần thứ 22, năm 1977. Ở Đại học Yale, mua được cả bộ gần chục cuốn của Milan Kundera in năm 1986. Ở Stanford sục tìm giữa những giá sách ngổn ngang được The sun also rises (Mặt trời vẫn mọc) của Hemingway. Giờ nhìn thấy từng cuốn sách trên giá là nhớ ra từng kỷ niệm.

Rồi sách điện tử đến như một cuộc cách mạng. Mua một cái máy đọc sách, được tặng vài cái CD, trong ấy có thể có đến 10.000 cuốn tiếng Việt, 5.000 cuốn tiếng Anh. Hơn cả một thư viện gia đình rồi còn gì, cả đời đọc không hết. Đi công tác xa, mang theo cái máy đọc sách, trong ấy nạp khoảng dăm chục cuốn, bằng khuân cả vài hòm sách theo người. Thế thì những giá sách trong nhà mình đã giảm bớt ý nghĩa, mặc dù mùi mực mùi giấy vẫn có sức quyến rũ. Thư viện cá nhân phải lo chống ẩm chống mốc chống mối mọt, có khi phát hiện ra mối xông mất mấy cuốn sách mà buồn bã xót xa. Sách điện tử đỡ cho ta nỗi buồn lo kiểu ấy.

Rồi biết đâu có ngày ngay cả cái kho sách điện tử lưu trong máy tính cũng bị virus ăn mất, chẳng hiểu có đau xót như ngày trước sách tôi bị mối xông hoặc bị người ta mượn và làm rách tơi tả?

Có một thay đổi, hình như là tại có máy đọc sách: tôi bây giờ không còn quá khư khư giữ sách như giữ của. Cũng không ngồi bên bàn đọc để giữ cho gáy sách không bị vặn vẹo. Bây giờ nằm đọc sách, gập trang trước ra sau cho tiện, dứt khoát sẽ làm cho gáy sách bị nghiêng. Có nhà văn nữ đọc cuốn Biên niên ký chim vặn dây cót vừa dày vừa nặng, bát chữ lại to, lấn sát vào lề, phải bẻ cong cả sách mà vẫn khó đọc. Cô tìm ra giải pháp: mua thêm một bản để lưu trong tủ sách gia đình, còn bản để đọc cô xé nó ra làm đôi, mỏng hơn, dễ cầm. Tôi đã kể lại chuyện bạo lực này cho các bạn ở công ty Nhã Nam biết, kèm theo kiến nghị các bạn ấy co gọn bát chữ ở những cuốn sau.

Nói ra thì như là có lỗi. Có phải ngày trước người ta cư xử với sách như bạn. Còn bây giờ, người ta gập sách cốt chỉ để cho dễ đọc, thậm chí xé nó ra làm đôi cho dễ cầm, bây giờ thì coi sách cũng như một thứ hàng hóa mà thôi.


NỔI BẬT TRANG CHỦ