• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tăng trưởng kinh tế năm 2024 - 2025 có thể được phục hồi tốt hơn so với năm 2023

Kinh tế 23/10/2023 16:28

(Tổ Quốc) - Chiều 23/10, Quốc hội đã nghe báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay, Ủy ban Kinh tế nhất trí và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; dự kiến hoàn thành 10/27 mục tiêu, chỉ tiêu (chiếm 37%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân hai năm 2021 - 2022 vượt mục tiêu đề ra; khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia so với bình quân các nước ASEAN-4 có bước thu hẹp. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đã vượt mục tiêu đề ra. Các nỗ lực bước đầu thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa, xanh hóa. Một số nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế được tích cực triển khai.

Tăng trưởng kinh tế năm 2024 - 2025 có thể được phục hồi tốt hơn so với năm 2023 - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, với tác động mang tính độ trễ của các giải pháp từ chính sách hỗ trợ nền kinh tế được triển khai liên tục từ đầu năm 2022, Ủy ban Kinh tế cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2024 - 2025 có thể được phục hồi tốt hơn so với năm 2023, tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 6,5% - 7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020 (6,25%) theo Nghị quyết của Quốc hội là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, không thể lường trước. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu sẽ rất khó hoàn thành nếu không có giải pháp đột phá, như chỉ tiêu GDP bình quân đầu người; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân; tỷ lệ đô thị hóa; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế...

Trong các năm còn lại của nhiệm kỳ 2021 - 2025, Ủy ban Kinh tế bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Cụ thể, Chính phủ cần bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo diễn biến các thị trường quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp. Tập trung, đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, bao gồm cả tháo gỡ rào cản, chú trọng khâu thực thi và phối hợp chính sách; tổ chức triển khai nhanh, hiệu quả các luật, nghị quyết, cơ chế, chính sách sau khi được ban hành.

Triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 CTMTQG, các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng số gắn với nâng cao năng lực nội tại. Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, khuyến khích phát triển lưới điện thông minh, năng lượng tái tạo và sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước.

Thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế theo các nhiệm vụ trọng tâm đề ra tại Nghị quyết số 31, trong đó quyết liệt hoàn thành dứt điểm cơ cấu lại 04 lĩnh vực trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, các tổ chức tín dụng và các đơn vị sự nghiệp công lập. Nâng cao hiệu quả hoạt động gắn với cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp. Tăng cường liên kết vùng. Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, khu vực tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025. Tập trung thực hiện phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả.

Khẩn trương hoàn thành việc ban hành văn bản, chương trình, đề án triển khai việc cơ cấu lại nền kinh tế. Tăng cường tính trách nhiệm và giải trình của các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu. Rà soát, sửa đổi kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính thống nhất, tháo gỡ các rào cản trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.

Nghiên cứu, đánh giá kết quả và đề xuất ban hành mới hoặc kéo dài các chính sách tiền tệ, chính sách thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư; triển khai hiệu quả các giải pháp kích cầu thương mại và du lịch trong nước; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về quy định phòng cháy, chữa cháy, cung ứng điện; đẩy lùi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021 - 2030; đẩy mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp FDI và các trường đại học của Việt Nam để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đẩy mạnh hợp tác giữa các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp tư nhân để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học, công nghệ; thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu...

Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Khẩn trương trình Quốc hội xem xét, thông qua CTMTQG về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Có các giải pháp phù hợp và thực hiện hiệu quả để ổn định việc làm cho người lao động, hỗ trợ kịp thời cho người lao động thất nghiệp, mất việc làm. Xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh; ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và quan tâm hơn nữa đến việc phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và tệ nạn xã hội.

Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, phát huy sự chủ động, sáng tạo và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh hơn nữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.../.


Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ