• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tập Cận Bình và Vladimir Putin: mối tình huynh đệ nồng đượm

Thế giới 15/10/2016 09:08

(Tổ Quốc) - Điều gì che giấu sau mối quan hệ đang ngày càng tăng nhiệt giữa Trung Quốc và Nga  

Ba nhà lãnh đạo Mỹ, Nga và Trung Quốc

Mối quan hệ Trung Quốc – Nga đang ngày càng được thắt chặt trong thời gian gần đây khi cả hai đang cùng chĩa mũi nhọn về một đối tượng chung – nước Mỹ. Tháng trước, lần đầu tiên, cuộc tập trận hải quân chung Nga – Trung đã diễn ra tại Biển Đông. “Không hẹn mà lên”, cả hai "ông lớn" thân cận đều đưa ra những lời lẽ gay gắt, cáo buộc Mỹ lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hàn Quốc. Đầu tuần, một tướng Nga đã tiết lộ rằng, quân đội nước này đang hợp tác với Trung Quốc, tìm cách chống lại việc Mỹ tìm cách phá vỡ thế cân bằng giữa ba cường quốc hạt nhân thông qua việc mở rộng sự hiện diện quân sự tại khu vực.

“Hai quốc gia cùng thảo luận về hợp tác quân sự là một bước phát triển rất đáng chú ý,” Vasily Kashin, một học giả cấp cao về nước Nga của Viện Nghiên cứu Viễn Đông phân tích. “Mối đe dọa từ hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đã đẩy Trung Quốc và Nga sát lại với nhau hơn. Đối với Trung Quốc và Nga, mục tiêu chính của chính sách ngăn chặn chính là Mỹ.”

Ông Tập và ông Putin, anh em cùng hội cùng thuyền

Phòng thủ tên lửa

Bắt đầu từ những chuyến viếng thăm thường xuyên và các món quà tặng mang tính chất cá nhân, quan hệ ngày càng thân thiết giữa ông Tập và ông Putin đã dấn đến sự hợp tác chính thức trên khía cạnh an ninh quân sự. Cuộc tiếp xúc bên lề của Hội nghị Thượng đỉnh BRICS tại Goa, Ấn Độ vào cuối tuần này sẽ là lần gặp mặt thứ tư giữa hai nhà lãnh đạo trong năm nay, và là lần gặp mặt riêng… thứ 19 kể từ Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch Trung Quốc năm 2012. Sau khi ông Putin gửi tặng “người anh em thân thiết” một hộp kem đặc sản Nga tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu hồi tháng Chín, cơn sốt kem Nga đã thực sự trở thành một cơn sốt, “càn quét” thị trường Trung Quốc. Tổng thống Nga cũng từng tiết lộ với Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc rằng hồi năm 2013, ông và đồng nhiệm Tập từng uống vodka mừng sinh nhật như “hai gã bạn thân cùng đại học.”

Kem Nga đang rất sốt tại Trung Quốc

Sự tăng nhiệt trong quan hệ Trung – Nga đến cùng lúc với những trúc trắc trong ứng xử của cả hai bên với Washington. Nga tỏ ra là một người ủng hộ hết mình cho những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thách thức sự kiểm soát an ninh lâu năm tại khu vực Châu Á – TBD đến từ Mỹ.

“Chúng tôi đang hợp tác để tìm cách làm giảm thiểu tối đa sự đe dọa đến an ninh của hai quốc gia,” Thượng tướng Viktor Poznikhir của Lực lượng Không quân Nga cho biết. Ông này cũng tiết lộ, Trung Quốc và Nga sẽ có thêm một cuộc tập trận phòng chống tên lửa chung vào năm sau.  

“Quan hệ độc nhất vô nhị”

Đáp lại sự thân thiện của Nga, Trung Quốc cũng ủng hộ việc quốc gia châu Âu chống lại nghị quyết của Liên Hợp Quốc hồi tuần trước liên quan đến vấn đề Syria. “Chúng ta không thể chọn hàng xóm, và đây là một điều tốt,” Putin nói hôm thứ Tư tại Moscow. “Trong những thập kỷ qua, hai nước đã phát triển một mối quan hệ độc nhất vô nhị dựa trên niềm tin và sự hỗ trợ lẫn nhau.”

Các quan chức của Trung Quốc cho biết, cuộc gặp mặt giữa hai nhà lãnh đạo tại Ấn Độ sẽ bao gồm nhiều vấn đề an ninh quốc tế. “Trung Quốc và Nga chia sẻ cùng quan điểm trong những vấn đền quan trọng của quốc tế và khu vực, bao gồm cả Syria và Afghanistan,” Thứ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông nói.

Nga là nhà cung cấp dầu nước ngoài lớn nhất cho Trung Quốc trong tháng Tám. Điều này đã khiến Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga, đồng thời cũng tung ra một chiếc phao cứu sinh kinh tế cho ông Putin. Giá đầu phục hồi giúp tăng thương mại hai bên thêm 3,6% trong quý Một, hải quan Trung Quốc cho biết.

Nga và Trung Quốc tăng cường quan hệ thương mại

Tuy nhiên, trong khi cả Trung Quốc và Nga đang hết lời ca ngợi tình cảm thân thiết của mình, hầu như không ai tin rằng, sự nồng nhiệt này có thể dẫn đến một liên minh quân sự thực sự đối đầu NATO. Là thù hay là bạn, là đồng minh hay là kẻ chống đối – lịch sử lâu dài mối quan hệ giữa hai bên thực sự đã chứng kiến mọi cung bậc cảm xúc.

“Tôi cho rằng sự hợp tác hai nước này rất có ý nghĩa, nhưng về cơ bản Trung Quốc và Nga sẽ đặt lợi ích của mình lên trước,” Sarah Lain, một nhà nghiên cứu tại Học viện Hoàng gia thống nhất tại London cho biết. “Họ sẽ chống lưng cho nhau trong những vấn đề có lợi ích chung – hầu hết trong số đó sẽ hướng về mục tiêu làm giảm sức mạnh của Mỹ.”

Sự ổn định chiến lược

Xây dựng mối quan hệ an ninh với Nga đòi hỏi người đứng đầu Trung Quốc xem xét lại đường lối ngoại giao của nước này trước một số vấn đề quốc tế. Tình cảm “nống ấm” với ông hàng xóm lớn cũng xuất hiện vào thời điểm quốc gia đông dân nhất thế giới đang muốn đẩy mạnh vai trò như một người bảo vệ hòa bình tại châu Phi và bắt đầu “mon men” đến Trung Đông. Trong chuyến thăm của Tổng thống Nga đến Bắc Kinh hồi tháng Sáu, hai nước đã ký một tuyên bố chung, cam kết đẩy mạnh “sự ổn định chiến lược toàn cầu.”

Cùng nâng ly chúc mừng quan hệ anh em thân thiết

Điều các nhà phân tích băn khoăn là liệu Trung Quốc có sẵn lòng “chống lưng” cho Nga ngay cả trong những vấn đề mà họ không có nhiều lợi ích, như Syria hay Ukraine; đồng thời sẽ phải đối mặt với việc làm phật lòng các đối tác thương mại phương Tây?

Zheng Yu, một chuyên gia cấp cao của Học viên nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á cho rằng, Trung Quốc sẽ duy trì cách tiếp cận cân bằng đối với vấn đề Syria. “Chúng tôi đã nói với người Nga rằng, Trung Quốc là cường quốc kinh tế toàn cầu duy nhất, nhưng vẫn chưa phải là một siêu cường địa chính trị,” Zheng nói. “Chúng tôi chỉ can thiệp có chọn lọc trong một số vấn đề nóng. Trung Đông đối với Trung Quốc vẫn là một lĩnh vực xa lạ.”

(Theo Bloomberg)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ