• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền và tham gia xử lý điểm nóng về dân tộc, tôn giáo năm 2023

Văn hoá 28/08/2023 19:03

(Tổ Quốc)- Ngày 28/8, tại TP. Cà Mau ( Cà Mau), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền và tham gia xử lý điểm nóng về dân tộc, tôn giáo năm 2023 cho gần 200 đại biểu là cán bộ làm công tác Mặt trận, Ban tuyên giáo cấp huyện và các tuyên truyền viên thường xuyên từ cơ sở trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Thông qua Hội nghị tập huấn giúp cho các đại biểu, nhất là đội ngũ tuyên truyền cơ sở nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, nắm bắt, bổ sung kỹ năng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo đến với đồng bào. Nhận diện ngăn chặn kịp thời các hoạt động lợi dụng tôn giáo, dân tộc vi phạm pháp luật, đi ngược với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn.

Tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền và tham gia xử lý điểm nóng về dân tộc, tôn giáo năm 2023 - Ảnh 1.

Gần 200 đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền và tham gia xử lý điểm nóng về dân tộc, tôn giáo năm 2023

Tại Hội nghị, các đại biểu được các báo cáo viên triển khai 02 chuyên đề, gồm: Chuyên đề “Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc và công tác dân tộc; một số kết quả thời gian qua; kiến thức, kỹ năng phòng ngừa và quy trình giải quyết điểm nóng về dân tộc” do bà Hoàng Thị Hạnh, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc truyền đạt; Chuyên đề “Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo; một số tình hình tôn giáo gần đây và những điểm cần chú ý trong công tác tuyên tuyền” do ông Trần Hữu Hợp, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân tộc - Tôn giáo Uỷ Ban MTTQ Việt Nam TP. Cần Thơ trình bày.

Tại Hội nghị, bà Hoàng Thị Hạnh thông tin: Dân số của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 17.342.200 người, trong đó có hơn 1.724.000 người DTTS(chiếm gần 10%), đông nhất là đồng bào dân tộc Khmer.

Riêng tỉnh Cà Mau hiện có 33 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, trong đó, dân tộc Khmer gần 10.000 hộ, khoảng 39.000 người, tiếp đến là dân tộc Hoa với gần 1.600 hộ, khoảng 7.000 người; còn lại là 30 DTTS khác với khoảng 432 hộ, trên 2.000 người. Giai đoạn 2021-2025, vùng DTTS tỉnh Cà Mau còn 05 xã khu vực III (trong đó, có 02 xã an toàn khu), 01 xã khu vực I và 43 ấp, khóm đặc biệt khó khăn nằm ngoài xã khu vực III.

Cùng với các DTTS khác, đồng bào dân tộc Khmer luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ trung ương đến địa phương quan tâm, tạo điều kiện để phát huy nội lực, hội nhập và phát triển. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới Ban Bí thư đã chỉ đạo tổng kết Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 18/4/1991 về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer; đồng thời ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới.

Tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền và tham gia xử lý điểm nóng về dân tộc, tôn giáo năm 2023 - Ảnh 2.

Quang cảnh Hội nghị tập huấn

Qua đó, nhằm tạo sự đồng thuận gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc tôn giáo tạo nên những bước phát triển mới, sức sống mới trong cộng đồng dân tộc, tôn giáo Phật giáo Nam tông Khmer trong khu vực Nam bộ. Đồng thời, củng cố lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước.

Đặc biệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ là cơ hội để đồng bào DTTS trên cả nước nói chung đồng bào dân tộc Khmer nói riêng vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, tham gia đầy đủ các phong trào thi đua, chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ