• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tấu hài Sài Gòn - khen , chê, tranh cãi...?

05/09/2005 10:45

Có thể nói, khoảng 10 năm nay là thời hoàng kim của tấu hài, cả trên sân khấu chính quy lẫn các tụ điểm tạp kỹ, đại nhạc hội. Tấu hài có một đời sống rộn rã như thế, nhưng tại sao vẫn có nhiều dư luận khen chê khác nhau, tranh cãi đến nhức đầu...?

Có thể nói, khoảng 10 năm nay là thời hoàng kim của tấu hài, cả trên sân khấu chính quy lẫn các tụ điểm tạp kỹ, đại nhạc hội. Tấu hài có một đời sống rộn rã như thế, nhưng tại sao vẫn có nhiều dư luận khen chê khác nhau, tranh cãi đến nhức đầu...?

Hài không có lỗi

Có thể mạnh dạn nói như thế. Bởi thật sự tấu hài là một nhu cầu có thực của công chúng, muốn được thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, đặc biệt trong đời sống công nghiệp khá bận rộn  hiện nay thì tiếng cười càng cần thiết, để giải tỏa những stress. Theo quy luật phát triển, nếu tấu hài không đáp ứng được nhu cầu của công chúng thì chắc nó đã bị đào thải từ lâu. Lúc  mới "khai sinh", chỉ có 5, 6 nhóm tấu hài diễn lai rai tại các tụ điểm, song 5 - 7 năm nay con số này đã tăng lên hơn 40 nhóm, chưa kể các nhóm diễn "chui" không đăng ký với Sở VH-TT TP.HCM. Các nhóm hài diễn tại hàng trăm sân khấu, nào công viên, tụ điểm, quán bar, cả sân khấu chính quy như Nhà hát Kịch TP.HCM hoặc Kịch Sài Gòn, Nhà hát Bến Thành, Sân khấu Nam Quang, 135 Hai Bà Trưng, Phú Nhuận... Nhà hát Tuổi Trẻ Hà Nội "chuyên trị" chính kịch cũng nhiều lần dựng tấu hài quy mô khá lớn đem vào diễn tại Nhà hát lớn TP.HCM. Điều này cho thấy, tấu hài có sức sống rất mạnh mẽ, được công chúng ủng hộ.

Nói một cách công bằng, tấu hài đã góp phần không nhỏ vào đời sống văn hóa, xã hội, nhờ vũ khí lợi hại là tiếng cười, qua đó giúp khán giả tiếp nhận vấn đề dễ dàng hơn cách nói trực tiếp, nghiêm trang. Thí dụ, tiểu phẩm Ai sợ ai phê phán những bà vợ ăn hiếp chồng, Hạc tiên phê phán những người nhân danh tình yêu để trục lợi, Truyền hình kênh 8 cười từ chuyện cô hoa hậu trình độ thấp mà muốn trèo cao, đến chuyện xả rác, nước ngập, quảng cáo vô tội vạ, Thầy bói hết thời phê phán nạn bói toán, Chuyện ấp tôi cảnh giác bệnh chạy theo thành tích của các địa phương, Chuyện tình công viên cười kiểu sống hình thức, lừa đảo người khác... Có khoảng 70% tiểu phẩm hài hàm chứa nội dung tích cực. Vấn đề là nhìn nhận tấu hài thật khách quan, để từ đó có hướng quản lý nhằm thúc đẩy loại hình nghệ thuật này phát triển tốt hơn.

Tương lai ra sao?

Lật lại "lịch sử" của tấu hài, theo đạo diễn Thế Ngữ, năm 1981, ông Võ Văn Kiệt (nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM) phát động phong trào Tiếng cười sân khấu để lấy tiếng cười làm vũ khí phê phán những tiêu cực xã hội. Các nhóm hài đã chuyển thể những truyện vui trong Báo Tuổi Trẻ Cười thành tiểu phẩm sân khấu rất hiệu quả. Diễn viên chỉ quanh quẩn 5 - 6 nhóm, gồm những gương mặt lão làng như Bảo Quốc - Duy Phương, Nguyên Hạnh - Mỹ Chi, Phi Thoàn - Văn Chung, Hồng Nga - Ngọc Giàu, Kim Ngọc - Phú Quý... với hình thức song tấu. Đạo diễn Thế Ngữ cũng kiêm luôn vai trò tác giả, là người đầu tiên viết rất nhiều tiểu phẩm cho các nhóm dàn dựng. Tiếp đó, Báo Tuổi Trẻ Cười tổ chức các đêm diễn Tuổi Trẻ Cười Sống thật xôm tụ. Vài năm sau, Báo Sân Khấu kết hợp với Hội Sân khấu và Sở VH-TT TP.HCM tổ chức hai cuộc thi Đệ nhất danh hài, bình chọn những gương mặt hài được yêu thích nhất. Thời gian này, xuất hiện những kịch bản rất hay, khá thâm thúy, bảo đảm chất lượng và thực sự chuyển sang hình thức tấu hài với sự tham gia của 3 - 4 diễn viên.

Từ giữa thập niên 1990 trở đi, tấu hài cực thịnh, nhưng cũng không kém phần bát nháo với nhiều nét diễn thiếu thẩm mỹ và ngôn ngữ thô tục. Vì thế, Sở VH-TT TP.HCM bắt buộc phúc khảo và quay phim lưu lại trước khi cho phép biểu diễn. Đồng thời Sở cũng tổ chức các đợt tập huấn cho nghệ sĩ hài nâng cao nhận thức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Động thái này mang lại hiệu quả thấy rõ. Các nhóm đi vào nề nếp hơn, bớt nói tục, tào lao. Nhưng khoảng 2 năm nay, dường như có sự buông lỏng, các diễn viên bắt đầu xé rào trở lại. Một đêm, xem tại Trống Đồng, chúng tôi ghi nhận diễn viên chửi nhau: "Ông nội bà nội, ông cố bà cố mầy", "Trái tim mầy ngủ yên là mầy chết mẹ mầy rồi"... Một nữ diễn viên trẻ đứng "chàng hảng" trước mặt công chúng để diễn. Dù biết tấu hài là phải biến báo, sử dụng "mảng miếng" và ăn nói bình dân một chút mới dễ gây cười, nhưng liệu thóa mạ rồi chửi nhau và đi đứng như thế có chấp nhận được không?

Chính vì vậy, nhất thiết phải có sự kiểm tra thường xuyên của cơ quan chủ quản và có định hướng rõ ràng cho hoạt động này. Tất nhiên, không phải là quá khô cứng trong quá trình xét duyệt hay thưởng thức, nhưng có thể kết luận như tác giả Lê Chí Trung: "Phải chấp nhận yếu tố tục mà thanh trong tấu hài, bởi các lớp diễn kinh điển như Mẹ Đốp vẫn tục đó chứ nhưng lại rất nghệ thuật. Dùng con mắt đạo mạo mà đánh giá tấu hài là hỏng. Nhưng ranh giới giữa tục nghệ thuật và tục tĩu nhỏ như sợi chỉ, diễn viên phải bản lĩnh kiềm chế. Và nói chung, tấu hài có nội dung, tình huống thì tốt, mà chỉ kể chuyện qua lại để gây cười thư giãn thôi cũng tốt, chứ không thể xét nó như chính kịch...". Tóm lại, tấu hài là loại hình sân khấu khá đặc biệt, và sẽ còn phát triển rất mạnh, cho nên việc nhìn nhận, đối xử với nó cần thận trọng lẫn thông thoáng.

 (Theo Thanh Niên)

NỔI BẬT TRANG CHỦ