• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tết Độc lập gặp Nhà nghiên cứu 103 tuổi - người đặt tên hàng trăm con đường ở TP.HCM: "Tôi nặng tình với đồng bào miền Nam"

Thực hiện: BẢO TRÂN - DI ANH | 30/04/2023

(Tổ Quốc) - Cụ Nguyễn Đình Tư nói với chúng tôi bằng chất giọng đặc trưng của người con xứ Nghệ, khi được hỏi "Vì sao lại viết về miền Nam", cụ đã trả lời một cách rất xúc động, theo chúng tôi đó cũng là đoạn hay nhất trong lần gặp gỡ với cụ Tư trước ngày kỷ niệm 48 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Một lần khi tìm hiểu về những địa danh hành chính ở TPHCM, chúng tôi tìm và hẹn gặp nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Trong căn phòng kệ sách chiếm gần ½ diện tích, và bằng khen treo kín tường, cụ Nguyễn Đình Tư vẫn miệt mài hoàn thành những trang cuối cùng trong bản thảo quyển sách mới của mình. Tiếng lọc cọc phát ra từ bàn phím vẫn rất dứt khoát và trên màn hình máy tính là bản thảo cho quyển sách "không thể nhớ hết thứ bao nhiêu" của ông cụ đã qua tuổi bách niên. 

"Tôi không giàu, các cô thấy nhà cửa như thế này, chật chội đến chỗ chỗ để máy không có chuyện. Quê tôi không phải ở đây, quê tôi ở Nghệ An, do thời cuộc cho nên tôi mới lưu lạc vào trong này. Khi vào tôi cũng không mang tiền mang vàng bạc gì để mà làm giàu cả, chỉ mang thân xác đi. Nhưng nhờ sự cưu mang của bà con miền Nam nên tôi mới có được cuộc sống gia đình ấm êm như hiện tại", cụ Nguyễn Đình Tư nói với chúng tôi bằng chất giọng đặc trưng của người con xứ Nghệ, đó là câu trả lời cho câu hỏi "Vì sao lại viết về miền Nam", mà theo tôi có lẽ cũng là đoạn xúc động nhất cuộc gặp gỡ với cụ Tư trước ngày kỷ niệm 48 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư sinh năm 1920, là một nhà nghiên cứu lịch sử, Ủy ban thường trực Hội đồng TP. Hồ Chí Minh. 

Người đặt tên hàng trăm con ở TPHCM, trong đó có đường Trường Sa - Hoàng Sa 

Trước khi viết đầy đủ về buổi trò chuyện cùng nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đình Tư, tôi đã xin phép cụ được nhắc và hỏi về công tác của ông tại Hội đồng đặt tên đường ở thành phố Hồ Chí Minh vào giai đoạn miền Nam sau giải phóng.

"Công chức ngoại ngạch" chính là cụm từ mà nhà nghiên cứu 103 tuổi dùng để miêu tả về mình vào thời vàng son, khi ông dành hết tâm sức cho việc đặt và đổi tên đường trên địa bàn thành phố sau năm 1975.

"Ngày trước, tôi là một người dân bình thường, không có chức vụ, không phải là cán bộ nhà nước chi cả. Sau khi Sài Gòn giải phóng, anh xem xích lô, xe ôm vất vả và mất khách nhiều lắm bởi vì đường sá lộn xộn, tên chi chít nhau, trên bảng tên đường mới không có tên đường cũ, khách nhờ chở đi theo tên đường cũ nhưng không ai biết nó nằm ở đâu. Vì vậy mà tôi mới thấy cần có một quyển sách phục vụ cho những người có nhu cầu.

Nhà nghiên cứu 103 tuổi, người đặt tên hơn 1000 con đường ở TPHCM: "Tôi nặng tình với đồng bào miền Nam" - Ảnh 2.

Sau khi được sắp xếp công tác tại Hội đồng tư vấn đặt tên - đổi tên đường, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đặt gần 600 - 700 tên đường mới trên địa bàn TPHCM và sửa nhiều tên đường cũ.

Tôi tự đạp xe đạp đi khắp nội thành thành phố liên tục 5 - 6 tháng để nghiên cứu, vừa đi vừa ghi chép tên của từng con đường và cụm đường. Khi thấy có đầy đủ tài liệu tôi bắt đầu viết và tôi đưa cho cụ Nguyễn Đình Đậu đọc, bởi vì ngày đó cụ ở trong Hội đồng KHXH TPHCM. Cụ Đậu đọc và trân quý nên đưa bản thảo cho Nhà xuất bản thành phố in. Sau khi quyển sách được in, Sở Thông tin Văn hóa đã mời tôi tham gia Hội đồng đặt - đổi tên đường. Từ đó tôi mới trở thành một công chức ngoại ngạch của thành phố".

Sau khi được sắp xếp công tác tại Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đặt gần 600 - 700 tên đường mới trên địa bàn TPHCM và sửa nhiều tên đường cũ.

Trong số những con đường do mình nghiên cứu, đề xuất và đặt tên, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư ghi lòng tạc dạ nhất là 2 con đường lớn: Trường Sa và Hoàng Sa. 

"TPHCM trở thành đơn vị đầu tiên trên cả nước có tên 2 con đường đó", ông Nguyễn Đình Tư nhấn mạnh một cách đầy tự hào. Ông không giấu được sự xúc động, sự xúc động ấy lan tỏa ngay tức thì tới chúng tôi, những người có mặt trong buổi trò chuyện.

"Tôi muốn nói với người dân trên cả thế giới, khi họ đến đây, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của đất nước Việt Nam, điều đó đã được minh chứng và có một quá trình lịch sử lâu dài, đồng thời cũng là để nhắc nhở hậu thế nên nhớ như vậy" - ông Nguyễn Đình Tư.

Nhà nghiên cứu 103 tuổi, người đặt tên hơn 1000 con đường ở TPHCM: "Tôi nặng tình với đồng bào miền Nam" - Ảnh 3.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đang là tác giả của hơn 60 đầu sách.

Tên tuổi của ông gắn liền với nhiều công trình nghiên cứu nổi bật. 

Nhà nghiên cứu 103 tuổi, người đặt tên hơn 1000 con đường ở TPHCM: "Tôi nặng tình với đồng bào miền Nam" - Ảnh 5.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là người hiếm hoi ở Việt Nam có hơn 80 năm lao động, sáng tạo và cống hiến.

Đường Cao Lỗ - đường An Dương Vương và những tên đường "chạy dọc" 4.000 năm lịch sử

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chìa tay phân tích bài bản cho chúng tôi hiểu về những vấn đề trong việc sửa và đổi tên đường. Ông cho biết, hầu hết những con đường chạy dọc thành phố lúc bấy giờ thường mang tên các danh nhân thời Pháp. Những bất cập nối tiếp nhau, thế nhưng trong số đó cũng có những độc đáo riêng. Ví dụ như việc đặt - đổi tên đường lúc bấy giờ vừa phải tả thực, vừa phải nhạy bén.

"Tôi từng đề xuất và cũng được hội đồng tán thành với quan điểm đặt tên đường là tên những doanh nhân trên cả nước chứ không chỉ riêng ở Sài Gòn hay Nam Bộ. Ta cần phải biểu dương tất cả những danh nhân toàn quốc, không riêng một thời đại nào mà phải suốt chiều dài lịch sử 4000 năm lịch sử. 

Chẳng hạn như những tên đường Cao Lỗ, đường An Dương Vương,... là những danh nhân, anh hùng dân tộc thời xưa, là tướng có công dựng nước được nhân dân ta sùng kính, thờ phụng ở nhiều nơi trong suốt hàng nghìn năm lịch sử."

Đưa thêm cho chúng tôi những ví dụ về quan điểm đặt và đổi tên đường của thế hệ ông ngày trước, nhà nghiên cứu lịch sử quê Nghệ An nói:

"Trước đây, người ta vùng để từng nhóm tên đường gần gũi nhau. Chẳng hạn như vùng Quận 4 hầu hết tên đường là tướng thời Lê Thái Tổ - liên quan đến khởi nghĩa Lam Sơn.Vùng ở Quận 3 thì thuộc nhóm các nhà văn nhà thơ thời trước như Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm. Nhóm vùng Tân Định thì đa phần là các tướng lành thời nhà Trần. Đại ý là những nhóm như vậy, khi biết được tên của một người trong nhóm nào thì chúng ta sẽ biết thêm những tên khác có thể ở gần đâu đó". 

Lãnh đạo TPHCM đến mừng thọ nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. 

Kênh Tàu Hủ, Kênh Nước Đen và những địa danh nằm sâu trong tìm thức người dân thành phố

Trong mạch câu chuyện về tên đường, những cái tên được "bà con thành phố" gọi theo cách quen thuộc như Kênh Tàu Hũ, Kênh Nước Đen… cũng dần được diễn giải trước mắt chúng tôi  Theo nhà nghiên cứu, quan điểm của Hội đồng đặt - đổi tên đường lúc bấy giờ cho rằng khi đặt tên đường ngoài tên những danh nhân cần phải bảo lưu, phục hồi, những địa danh mang tính chất lịch sử cũng cần được giữ gìn vì một trong số những cái tên đó đã có từ thời khai sinh ra thành phố này.

"Chúng tôi muốn lưu lại những địa danh đó cho hậu thế biết ngày xưa nó có một cái tên như vậy, đó là một ý nghĩa về vấn đề địa danh hành chính. Có những địa danh xem ra "không văn hoá" gì cả nhưng chúng tôi vẫn duy trì vì đó là những địa danh đã sống với bà con ở địa phương từ mấy chục thậm chí cả trăm năm qua. Chẳng hạn như Kênh Nước Đen, tên không đẹp nhưng vẫn phải giữ lại để người dân ở đó nhớ rằng ngày trước, kênh này nhỏ hẹp mà dân chúng càng ngày càng tăng, thành phố ngày càng phát triển, người đến càng đông, họ vứt rác bừa bãi, nước rạch không chảy được, tắc lại, hôi thối, nên thành ra nước đen. "Kênh Nước Đen" là do người dân họ gọi như vậy.

Hoặc là "Cây Trâm", ngày xưa chưa có địa danh văn hoá chi cả, bà con đến khu vực này, họ dựng chòi rồi dần dần rồi thành nhà cửa. Lúc bấy giờ, ở đó có một cái cây trâm cổ thụ, họ cũng dùng cây trâm này đặt tên cho khu mình ở và đường mình đi. Chúng tôi có một cái chất tồn cổ nên những cái tên như vậy vẫn muốn giữ lại."

Nhà nghiên cứu 103 tuổi, người đặt tên hơn 1000 con đường ở TPHCM: "Tôi nặng tình với đồng bào miền Nam" - Ảnh 6.

Ở tuổi 103, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn ngày ngày làm việc trên máy tính, soạn thảo văn bản, đọc sách.

Lời nhắc nhở hậu thế của "người níu giữ thời gian"

"Một đất nước mà không có lịch sử thì coi như nước đó đã khai tử rồi. Nhờ có lịch sử mà có nước, nếu không có lịch sử thì đất nước không có tên tuổi", cụ Nguyễn Đình Tư nhấn mạnh, lời nhắc nhở hậu thế của ông có lẽ cũng gói gọn trong ngần ấy dòng.

Dưới cái nắng gay gắt của đất trời trước ngày nghỉ lễ 30/4, chúng tôi ngồi ở phòng làm việc của nhà nghiên cứu 103 tuổi. Ông tỉ mẩn nhắc nhớ lại từng chi tiết ngày xưa khi mình còn rất trẻ đã chạy theo niềm đam mê với lịch sử nước nhà. Trong câu chuyện ấy những người có mặt cũng không khỏi xúc động. 

"Đất nước ta hồi xưa nghèo lắm. Cũng do lịch sử tiến lên dần dần ngày nay mới có thành phố toà ngang chạy dọc như vậy. Hồi xưa nghèo thì nghèo nhưng ngày xưa người dân mình có tình yêu nước, nghèo nhưng vẫn bám lấy vùng đất của mình, bám lấy nhà tranh của mình chứ không bỏ đi nơi khác được. Tình quê hương của người Việt Nam là rất nặng", nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tâm sự.

Ít ai biết, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là người hiếm hoi thậm chí là duy nhất có 80 năm lao động và nghiên cứu xuyên suốt được trao bằng kỷ lục cấp quốc gia. Về điều này, ông cho biết tình yêu sử học đối với ông chưa bao giờ dừng. Nhất là khi ông tự nhắc nhở bản thân rằng lịch sử nước ta đã trải dài hơn 4000 năm, không bao giờ thiếu chuyện để cho hậu thế kể về.

"Tôi không phải quê ở đây, quê tôi ở Nghệ An nhưng do thời cuộc cho nên tôi mới vào trong này. Khi vào tôi cũng không mang tiền mang vàng mang bạc gì để mà làm giàu cả mà chỉ mang thân xác đi. Nhưng vô trong này nhờ sự cưu mang của bà con, của đồng bào nên mới có được cuộc sống gia đình êm vui", ông Nguyễn Đình Tư trải lòng cho câu hỏi vì sao bản thân ông là người miền Trung nhưng lại chọn Thành phố Hồ Chí Minh để sống và dùng cả đời để viết và nghiên cứu lịch sử về nó.

"Hiện nay tôi đã ở cái tuổi 103, so với nhiều người cũng chưa già lắm đâu, nhưng so về sức khoẻ tôi thấy tôi thuộc vô nhóm sức khoẻ tốt, đi ra ngoài đường thì tự đi chẳng cần ai dìu hay chống gậy gì cả, mắt thì vẫn đánh máy tính, xem báo không cần đeo kính. Tập thể dục hằng ngày để bảo vệ sức khoẻ, nhất là vẫn viết sách, say mê với môn sử - môn mà tôi yêu thích từ thời đi học tiểu học", nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Tư vui vẻ bộc bạch.

Nhà nghiên cứu 103 tuổi, người đặt tên hơn 1000 con đường ở TPHCM: "Tôi nặng tình với đồng bào miền Nam" - Ảnh 9.

Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Tư

Những di sản vô giá để lại cho con cháu

Trong địa hạt lịch sử, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư dành phần lớn tình cảm cho mảnh đất Nam Bộ nói chung và TPHCM nói riêng, ông cho ra đời công trình Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ, bên cạnh đó là Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954) gồm 2 tập. Năm 2018, công trình nghiên cứu này đã được trao giải A hạng mục Sách hay của Giải thưởng Sách quốc gia và được Hội Sử học Việt Nam trao kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp sử học Việt Nam".

Nhà nghiên cứu 103 tuổi, người đặt tên hơn 1000 con đường ở TPHCM: "Tôi nặng tình với đồng bào miền Nam" - Ảnh 8.

Tiếp nối mạch chủ đề này, bộ sách Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh dặm dài lịch sử gồm 2 tập, tập 1 được xuất bản năm 2021 viết về mảnh đất này thời gian 1698 đến 1945, tập 2 viết về Sài Gòn - TP.HCM thời gian 1945 - 2020 đã được xuất bản đầu năm 2023.

Hiện tại ông đang hoàn thành những trang thảo cuối cùng của quyển Lịch sử thành lập và phát triển, địa danh hành chính các tỉnh Bắc Bộ - Trung Bộ - Nam Bộ và Tây Nguyên và hồi ký về cuộc đời mình.

Tính đến nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư có khoảng 60 đầu sách đã xuất bản, đều là các công trình nghiên cứu lỗi lạc và quý giá: Non nước Phú Yên (1964), Đia chí Khánh Hòa (1972), Non nước Ninh Thuận (1974), và các công trình về sau như: Đường phố nội thành TP.HCM, Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Non nước Quảng Trị, Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ, Sổ tay tên đường ở thành phố Hồ Chí Minh, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ, tiểu thuyết loạn 12 sứ quân ...

NỔI BẬT TRANG CHỦ