• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thách thức với Giáo phường ca trù

30/03/2010 15:11

(Cinet)-Ca trù được xem là môn nghệ thuật duy nhất ở Việt Nam được xây dựng giáo phường. Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, trong hàng chục câu lạc bộ ca trù của Việt Nam, mới có một tổ chức xin nhận lại cho mình cái tên giáo phường.

(Cinet)-Ca trù được xem là môn nghệ thuật duy nhất ở Việt Nam được xây dựng giáo phường. Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, trong hàng chục câu lạc bộ ca trù của Việt Nam, mới có một tổ chức xin nhận lại cho mình cái tên giáo phường.

Lễ ra mắt Giáo phường Ca trù Thăng Long đã diễn ra với Phần Dâng lễ Thánh đầy huyền hoặc, màn kéo cờ rất trang nghiệm và công bố giáo ước bằng chữ Hán Nôm, vào tối 19-3-2010 vừa rồi tại đình Giảng Võ, Hà Nội. Đây không chỉ là một bước tiến đầy táo bạo của nhóm Ca trù Thăng Long mà hơn thế, đây là Giáo phường Ca trù đầu tiên của thời hiện tại. Lâu lắm rồi, đã hơn nửa thế kỷ, mới có một canh hát thờ cửa Đình được phục dựng và trình diễn với nhiều tiết mục khá hấp dẫn như Trống rước, Hát giai, Hát dâng hương, Thét nhạc, Ba sáu giọng, Múa bỏ bộ, Tì bà hành....

Chứng kiến buổi lễ này, các nhà nghiên cứu danh tiếng như GS, TS Trần Văn Khê, GS, TS Vũ Nhật Thăng đều mừng. GS Trần Văn Khê cho rằng: “Việc lập Giáo phường ca trù không phải là cho mình lớn hơn mà chính là khép hoạt động ca trù đi vào lề lối. Đây là tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực chấn hưng ca trù, làm sống lại một sinh hoạt văn nghệ cổ truyền của đất Thăng Long xưa qua tục hát cửa đình, một trong những hình thức biểu diễn chính thống và lớn nhất.

Nhưng mừng đấy mà cũng lo đấy, bởi ai cũng hiểu, ca trù khác lắm rồi. Liệu mô hình Giáo phường đã thật sự trở lại trong làng Ca trù thời đại hay chỉ là chuyện đổi tên theo kiểu bình mới rượu cũ?

Chỉ có là cái tên

Một trong những chức năng cơ bản của Giáo phường Ca trù chính là giáo dục, truyền dạy. Được phát triển từ CLB Ca trù Thăng Long, thành lập năm 2006, do hai nghệ nhân lão làng là đệ nhất kép đàn Nguyễn Phú Đẹ (Tứ Kỳ - Hải Dương) và ca nương Nguyễn Thị Chúc (Ngãi Cầu - Hà Nội) truyền nghề giáo phường Ca trù Thăng Long hiện có hơn 20 đào nương, kép đàn, quan viên. Với “quân số” như vậy, không dễ đảm trách vai trò này. Hơn nữa, hầu hết đào mương, kép đàn của Giáo phường Thăng long tuổi đời còn rất trẻ (khoảng từ 10 tuổi đến 33 tuổi) lại mới theo đuổi Ca trù khoảng vài năm trở lại đây, chưa đủ uy tín cũng như tầm vóc để “lên lớp” truyền dạy Ca trù.

Giáo phường xưa là tập hợp của nhiều nhóm Ca trù với nhiều ông trùm. Trong khi đó điểm mặt ca nương, kép đàn của Giáo phường Ca trù Thăng Long hiện nay dễ dàng nhận thấy vẫn là những gương mặt cũ của CLB Ca trù Thăng Long trước đây. Tất nhiên, không có quy định về số lượng nhóm Ca trù hay số lượng đào nương, kép đàn để có thể lập nên một Giáo phường. Nhưng vẫn với những con người cũ, phong trào chưa hé lộ nhiều nét mới mang tính đột phá, nâng tầm về chất lượng thì xem ra việc xứng danh Giáo phường Ca trù Thăng Long thực sự là một việc làm quá sức.

Bên canh đó, phạm vi “phủ sóng” của Giáo phường đích thực thường bao trùm một không gian diễn xướng rộng lớn, nhưng hiện nay ngay cả một địa điểm diễn cố định vẫn là một thách thức, khó khăn không nhỏ với Giáo phường Thăng Long. Thực tế, sau một thời gian sinh hoạt khá đều đặn ở Đình Cống Vị - Hà Nội thì CLB Ca trù Thăng Long - tiền thân của Giáo phường Ca trù Thăng Long, đã bị đòi lại địa điểm diễn, đành rút lui không kèn không trống. Ngay cả “căn cứ địa” hiện nay của Giáo phường Ca trù Thăng Long là Đình Giảng Võ - Hà Nội cũng chỉ là nơi “ăn nhờ ở độ”, không thể khẳng định ổn định được dài dài, lại càng không có “đặc quyền” với địa điểm diễn xướng này như Giáo phường thuở trước với đình đền địa phương của họ.

Đây là chưa nói, lề luật của Giáo phường còn đủ nhưng quy tắc nghiêm ngặt mà ngày nay không dễ tuân thủ. Tất nhiên, không thể yêu cầu Giáo phương nay phải giống hệt xưa. Nhưng chí ít với danh xưng Giáo phường, nhóm Ca trù trẻ đất Hà thành này phải được nâng lên một bậc cả về số lượng và chất lượng so với CLB Ca trù Thăng Long trước đây.

Để thật sự xứng tầm danh xứng Giáo phường, xem ra phía ngoài Giáo phường Ca trù Thăng Long và làng Ca trù hiện nay là cả một chặng đường dài đầy thử thách, để thật sự có “rượu mới” xứng với “bình mới”.



AP

NỔI BẬT TRANG CHỦ