• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thách thức với giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa

14/08/2017 17:22

(Tổ Quốc) - Từ nhiều năm nay, việc giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa luôn đặt ra nhiều thách thức đối với cả người bản địa lẫn những người dân chuyển tới sinh sống ở những không gian văn hóa khác.

Có nhiều cách thức được đưa ra để giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa của từng vùng miền, từng dân tộc… trong đó, giáo dục trong gia đình luôn là bước khởi đầu, là một cách thức gần như hữu hiệu nhất trong việc này.

Để tìm hiểu thêm về việc giữ gìn bản sắc văn hóa và những thách thức của việc làm này đối với người xa xứ, vào lúc 9g30 ngày 20/8 tới đây, tại Viện Goethe Hà Nội sẽ tổ chức buổi trò chuyện với các khách mời: GS.TS Triết học so sách Thái Kim Lan và dịch giả Nguyễn Bích Lan xoay quanh chủ đề Mẹ và câu chuyện giáo dục.

Tiếp nối thành công của buổi ra mắt hai cuốn sách viết về mẹ: Thư gửi con (GS.TS Thái Kim Lan) và Màu của nước (của tác giả James Mc Bride do dịch giả Nguyễn Bích Lan chuyển ngữ) đầu tháng 7 vừa rồi, trong lần này, hai diễn giả cũng sẽ chia sẻ với độc giả về hai cuốn sách được xem như là những tác phẩm về những người mẹ đã truyền cảm hứng và tình yêu cho con trong việc giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa với nền văn hóa bản xứ và quê hương của mình.

“Thư gửi con” là cuốn sách tập hợp những lá thư và tùy bút (bằng tiếng Đức và tiếng Việt) mà Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan dành cho con gái Mai Lan. Đó là câu chuyện mà một người mẹ rất hiểu về thai giáo và Phật pháp đã áp dụng để nuôi con khôn lớn. Một em bé Việt Nam sinh ra ở Đức nhưng được nằm trong cái nôi tre thuần Việt,  được bú mẹ hàng giờ thay vì phải ngậm nắm vú cao su vô cảm, được bố ôm ấp, được mẹ hát ru... Em bé ấy không chỉ nói “sõi” tiếng Việt mà còn nói “đặc sệt” giọng Huế - một điều hiếm thấy trong gia đình người Việt ở nước ngoài. Mai Lan - tên em bé - lớn lên giữa hai ngôn ngữ mà không hề gặp rào cản về trí tuệ, là vì từ khi mới sinh ra cho đến lúc hai tuổi, em đã được nuôi dưỡng bằng  tình thương trìu mến, bao dung và sự thận trọng về dinh dưỡng, hình thành nên bản ngã với khả năng vượt giới hạn và trải nghiệm tự do. Đối với mẹ của em bé- GS.TS Thái Kim Lan - “điều quan trọng nhất cho một đứa bé, ngoài dinh dưỡng là cuộc đối thoại không ngừng”. Tất cả những câu chuyện diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, từ vẻ đẹp của chiếc lá vàng rụng trước sân hay bóng trăng rọi trên tường, người mẹ đều cùng con quan sát, khám phá và cảm nhận.

“Màu của nước  là cuốn tự truyện của nhà văn Mỹ James McBride viết để tưởng nhớ người mẹ của mình, một phụ nữ gốc Do Thái da trắng kết hôn với những người đàn ông da đen. Vượt lên bi kịch cá nhân, sự thiếu thốn về vật chất, sự ngược đãi về tinh thần và mọi sự phân biệt đối xử, bà đã nuôi dạy mười hai đứa con trở thành các bác sĩ, giáo sư, giáo viên, nhà khoa học. Đó cũng là câu chuyện về hành trình đi tìm cội nguồn, cái tôi, sự tự tin và ý nghĩa cuộc sống của một đứa con lai da đen, đại diện cho hàng triệu người da đen ở Mỹ. Câu chuyện được kể một cách chân thực và hóm hỉnh bằng ngôn từ giản dị nhưng không kém phần sâu sắc được thúc đẩy bởi sự cảm thông và sự khách quan đáng kinh ngạc, tác giả đã khẳng định rằng mỗi con người sinh ra trên đời này dù mang màu da nào, có xuất thân như thế nào đều xứng đáng được đối xử công bằng và nhân văn, rằng mọi sự phân biệt và kỳ thị không đủ sức mạnh để ngăn cản con người ta chia sẻ những giá trị chung trường tồn của nhân loại như tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự kiên cường, ý chí vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Cuốn tự truyện là một trong những cuốn bán chạy của tờ New York Times trong hơn 100 tuần.  

V.Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ