• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thái Lan đóng góp “tích cực” vào thành tích xuất khẩu rau quả của Việt Nam

Kinh tế 05/07/2018 10:25

(Tổ Quốc) - Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt xấp xỉ 2 tỷ USD, tăng gần 20% so cùng kỳ.

Sau rất nhiều nỗ lực từ nhiều phía, quả vải thiều của người dân Bắc Giang đã được xuất khẩu sang Thái Lan: Nguồn Thương hiệu & Công Luận

Trong đó, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD tăng hơn 18% (chiếm tới 74,6% tỷ trọng xuất khẩu rau quả của Việt Nam). Tiếp đến là các thị trường như: Mỹ gần 51 triệu USD tăng gần 15%, Nhật Bản gần 47 triệu USD tăng 8%, Hàn Quốc 46,5 triệu USD tăng hơn 15%, Thái Lan đạt 26,1 triệu USD tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm 2017.

6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu rau quả của Việt Nam xấp xỉ 2 tỷ USD, tăng gần 20% so cùng kỳ năm 2017. Đây quả thực là một tin vui và là tín hiệu đầy khởi sắc cho ngành hàng rau quả của nước ta.  Vậy nhưng, theo như thông tin mà Tổng Cục Hải quan cho biết, thì con số tăng trưởng ấn tượng trên, có sự đóng góp không hề nhỏ từ Thái Lan, khi mà có khá nhiều doanh nghiệp của nước ta hiện đang nhập khẩu rau quả của Thái như: Chôm chôm, thanh long, sầu riêng, xoài, nhãn….đặc biệt là sầu riêng và măng cụt với số lượng nhập khẩu lớn, rồi xuất thẳng sang thị trường Trung Quốc trên danh nghĩa hàng Việt Nam.

Năm 2017, theo số liệu từ Phòng quản lý vận hành cơ chế một cửa quốc gia ASEAN (Tổng cục Hải quan), đã có gần 0,9 tỷ USD hoa quả xuất khẩu có xuất xứ từ Thái Lan, được nhập vào Việt Nam và tái xuất sang Trung Quốc, chiếm 1/4 tổng trị giá xuất khẩu hoa quả. 

Những con số này thực sự đáng để lưu tâm. Nếu cứ tiếp diễn như hiện nay, thì liệu tương lai ngành rau quả của Việt Nam sẽ đi về đâu, khi chính các doanh nghiệp của chúng ta đang dùng chiêu bài “đánh tráo và nói không với các sản phẩm nội địa”.

Lý do mà các doanh nghiệp đưa ra khi lựa chọn giải pháp dùng hàng Thái núp danh nghĩa Việt Nam để xuất khẩu vẫn là “hàng trong nước không đảm bảo chất lượng”. Điều này có thể đúng, nhưng không hẳn là tất cả. Tuy nhiên, đây cũng là thông tin cảnh tỉnh với người sản xuất – bà con nông dân, nếu muốn xuất khẩu được sản phẩm do chính mình làm ra thì cần phải tuân thủ các nguyên tắc về ăn toàn thực phẩm, đảm bảo đúng quy trình an toàn khi sản xuất. Mà điều này thì cần các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng hỗ trợ và chuyển giao công nghệ.

Nếu làm được như vậy, chắc chắn sẽ không còn thực cảnh chúng ta đang “xuất khẩu hộ  ngành rau quả của Thái Lan”. Có như vậy, những con số báo cáo không chỉ hay mà sẽ còn đẹp và ý nghĩa nữa./.

 

Vi Phong

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ