• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thảm đỏ quân sự đột phá thượng đỉnh Mỹ, Ấn

Thế giới 26/06/2017 22:20

(Tổ Quốc) - Cuộc gặp đầu tiên đề cập đến 'các ưu tiên chung' Mỹ - Ấn trong bối cảnh nhiều câu hỏi đang được đặt ra về chính sách đối ngoại của Mỹ.  

Cuộc gặp đầu tiên đề cập đến 'các ưu tiên chung' Mỹ - Ấn trong bối cảnh nhiều câu hỏi đang được đặt ra về chính sách đối ngoại của Mỹ.

Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến thăm Nhà Trắng ngày 26/6 để lần đầu tiên gặp gỡ Tổng thống Trump - một nguyên tắc từ lâu đã củng cố mối quan hệ sẽ được đặt ra: sự ủng hộ đối với tăng trưởng của một nước Ấn Độ mạnh mẽ trong lợi ích quốc gia của Mỹ.

Thông qua cuộc hội đàm, ông Trump sẽ "thực sự mở rộng nền tảng cơ sở tri thức của mình về Ấn Độ và hiểu được tầm quan trọng của mối quan hệ với Ấn Độ", một quan chức cao cấp của Nhà Trắng cho biết. Chính quyền của Tổng thống Trump, quan chức trên nói, sẽ "trải thảm đỏ" cho ông Modi và thiết lập bầu không khí tích cực cho cuộc gặp.

 Chính quyền của Tổng thống Trump sẽ "trải thảm đỏ" cho ông Modi và thiết lập bầu không khí tích cực cho cuộc gặp. (Nguồn: Getty)

Lo ngại một số khác biệt

Tuy nhiên, những khác biệt về nhập cư, thương mại và khí hậu - những vấn đề được đưa ra trong chính sách “ưu tiên nước Mỹ” của ông Trump - có nguy cơ làm căng thẳng mối quan hệ vốn đã dễ bị tổn thương.

Kể từ những năm cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Bill Clinton, các nhà lãnh đạo Mỹ dường như chưa quá tập trung vào việc phát triển mối quan hệ với Ấn Độ. Tổng thống George W. Bush đã phá vỡ điều này bằng cách khai thông thỏa thuận hạt nhân 2008 với New Delhi. Sau đó, cựu Tổng thống Barack Obama cũng gọi mối quan hệ Hoa Kỳ - Ấn Độ là "một trong những quan hệ đối tác định hình thế kỷ 21". Hợp tác chiến lược và quốc phòng giữa hai bên cũng đã được thúc đẩy dưới thời ông Obama - được thúc đẩy do một Trung Quốc ngày càng tăng cường sự hiện diện.

Ông Trump, trong một cuộc điện thoại sau khi nhậm chức với ông Modi vào tháng 1, đã gọi Ấn Độ là "người bạn thật sự", Nhà Trắng cho biết vào thời điểm đó. Ông Trump cho biết Ấn Độ là một đối tác quan trọng đối với sự ổn định ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương -  đang được định hình lại bằng sự gia tăng hiện diện Trung Quốc, và đối với sự tăng trưởng kinh tế, quan chức chức Nhà Trắng nói.

Các quan chức Ấn Độ cho biết cuộc họp này sẽ là cơ hội để các nhà lãnh đạo hiểu rõ hơn về nhau trong khi cả hai đều hứa hẹn về các chương trình kinh tế bắt nguồn từ việc gia tăng sản xuất ở nước họ.

Harsh Pant, một chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu Người giám sát tại New Delhi cho biết: "Rất nhiều thứ phụ thuộc vào cách họ thực hiện cuộc gặp. "Nếu họ không [tăng cường sự chia sẻ], những yếu tố đe dọa đã bị đẩy ra ngoài trong những năm gần đây cũng có thể dễ dàng hồi sinh và áp đảo mối quan hệ này".

Trước đó, từ khi còn tranh cử Tổng thống, ông Trump đã phản đối chương trình cấp thị thực cho lao động có tay nghề - được áp dụng đối với hàng trăm ngàn người Ấn Độ làm việc tại Mỹ. Khi nhậm chức, ông Trump cũn đã yêu cầu kiểm tra vấn đề này, và nói rằng điều gọi là thị thực H-1B chỉ nên được cấp cho "ứng viên có tay nghề cao và được trả lương cao nhất" để tránh làm ảnh hưởng tới đông đảo công nhân Mỹ.

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tháng 3 nói rằng thị thực H-1B giúp nền kinh tế Mỹ cạnh tranh hơn và Ấn Độ cũng đã truyền đạt quan điểm của mình về vấn đề này tới chính quyền của Tổng thống Trump.

Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời một quan chức Nhà Trắng nói rằng không có kế hoạch thảo luận về vấn đề visa trong chuyến thăm của ông Modi, tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu có thể phát sinh. Ông Modi ủng hộ thỏa thuận khí hậu Paris trong khi Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận  này. Đầu tháng này, ông Trump cũng nói rằng Ấn Độ  tham gia vào thỏa thuận này để nhận hàng tỉ USD từ các nước phát triển, một điều mà New Delhi bác bỏ.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer ngày 21/6 cho biết các quan chức Mỹ đang làm việc với các đối tác Ấn Độ để giải quyết những lo ngại của Mỹ về các tiêu chuẩn sở hữu trí tuệ của Ấn Độ và các rào cản đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ông Robert Lighthizer đã nói với Ủy ban Tài chính của Thượng viện: "Chúng tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ kết thúc vấn đề với những điều khoản có lợi."

Tập trung vào an ninh và quốc phòng

Các cuộc hội đàm ngày 26/6 tập trung đặc biệt vào sự hợp tác về an ninh và quốc phòng khu vực, các quan chức Ấn Độ nói. Đây là động lực cho sự tăng cường quan hệ song phương dưới thời ông Obama khi New Delhi nổi lên như một nhà mua vũ khí hàng đầu của Mỹ trong khi Trung Quốc đang thay đổi sự cân bằng quyền lực ở châu Á. Mặc dù Ấn Độ vẫn phản đối liên minh an ninh chính thức với Mỹ, ông Modi, người đã xây dựng mối quan hệ cá nhân với ông Obama, đã thân thiện hơn với Washington so với nhiều người tiền nhiệm.

Các quan chức chính quyền Trump cho biết họ ủng hộ mối quan hệ đối tác đang gia tăng này. Một quan chức Nhà Trắng nói: "Mỹ quan tâm đến sự chuyển tiếp tiến bộ trong việc cung cấp các thiết bị công nghệ cao, loại công nghệ mà Mỹ cung cấp cho các đồng minh và đối tác gần gũi nhất của nước này."

Mỹ đang xây dựng kế hoạch cho phép Ấn Độ mua máy bay không người lái không vũ trang MQ-9 trong chuyến thăm này, những nguồn tin thân cận cho biết. Ấn Độ có nhu cầu đối với vũ khí  này – được Công ty hàng không vũ trụ hàng đầu General Atomics chế tạo cho Hải quân Hoa Kỳ.

Trong số nhiều đề nghị được đưa ra thảo luận là đề xuất của Lockheed Martin trong việc chuyển giao tuyến sản xuất máy bay F-16 cho Ấn Độ theo chương trình "Make in India" của ông Modi nếu tập đoàn này giành được hợp đồng cung cấp máy bay chiến đấu cho không quân Ấn Độ.

Sau khi chuyển giao tuyến sản xuất F-16 thì Lockheed chuyển sang xây dựng các máy bay F-35 tiên tiến hơn. Một quan chức của Lockheed cho biết tập đoàn này đã thông báo cho chính quyền về các đề xuất của họ.  Hiện tại máy bay của Mỹ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ công ty quốc phòng Thụy Điển Saab AB.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác về các dự án năng lượng ở Ấn Độ dự kiến cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự.

Chuyến thăm của ông Modi đến Mỹ diễn ra trong bối cảnh đang có nhiều lo ngại về việc Mỹ có thể giảm vai trò lãnh đạo toàn cầu, mở ra không gian cho Trung Quốc.  Ấn Độ cũng sẽ tìm cách thu hút sự ủng hộ của ông Trump trong chiến dịch quốc tế nhằm gây áp lực lên Pakistan ngừng sử dụng điều New Delhi gọi là cho phép những kẻ khủng bố sử dụng đất của họ để tấn công Ấn Độ. Pakistan bác bỏ cáo buộc này.

"Đang có những câu hỏi lớn về tầm nhìn chiến lược của ông Trump đối với châu Á", ông Pant nói. "Tương lai của mối quan hệ Mỹ-Ấn phần nào dựa trên câu trả lời cho điều trên."

(Theo WSJ) 

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ