(Tổ Quốc) -Gần hai tiếng đồng hồ, Tewfic El-Sawy – một người New York đứng dưới những bóng cây tại một địa điểm ven Hồ Tây, Hà Nội để say sưa nói về Hầu đồng, Đạo Mẫu và về cuốn sách ảnh ảnh mà ông mới xuất bản tại Mỹ.
Từ một nhân viên ngân hàng tới nhiếp ảnh gia du lịch
15 năm trước đây, từ một nhân viên ngân hàng tại New York, Mỹ với 12-14 giờ đồng hồ làm việc một ngày, Tewfic El-Sawy không có nhiều thời gian dành cho thú vui của mình là đi du lịch và chụp ảnh.
Sau đó, Tewfic El-Sawy đã bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh chuyên nghiệp vào năm 2000 và từ bỏ công việc tại ngành ngân hàng, từ bỏ công việc tính toán tiền nong, con số… để theo đuổi đam mê cho các hoạt động sáng tạo, nghệ thuật, âm nhạc…
Tewfic El-Sawy tham gia một lễ hầu đồng tại Đền Ghềnh, Hà Nội. |
Được sinh ra tại Hy Lạp có mẹ là người Pháp, Tewfic El-Sawy giải thích rằng tên mình được đặt theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ với hy vọng may mắn và thành công. Và khi từ bỏ ngành ngân hàng, Tewfic đã dành thời gian đi tới nhiều vùng đất khác nhau ở các châu lục nhằm lưu lại những truyền thống văn hóa có thể có nguy cơ mai một.
Năm 2014, Tewfic đi du lịch tới đỉnh Fanxipan, Lào Cai, Việt Nam. Khi đến một ngôi làng nhỏ, chợt nghe thấy nhiều giai điệu âm nhạc rộn ràng được phát ra từ một lễ hội khiến Tewfic tò mò, hứng thú và vào sâu trong làng tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra ở đây.
“Khi ấy, tôi chỉ nghe thấy có hai từ mà mọi người nói nhiều là hầu đồng và Đạo Mẫu. Từ lúc đó, hai từ ấy luôn trong tâm trí tôi mặc dù tôi không hiểu gì về nó” – Tewfic nhớ lại.
Nhiếp ảnh gia say sưa với việc ghi lại hình ảnh một buổi hầu đồng. |
Hai ngày sau đó với bản tính tò mò, Tewfic quyết tâm tới chợ Bắc Hà, Lào Cai để tìm hiểu hai từ đang ám ảnh tâm trí mình. Xung quanh ngôi đền là nhiều phụ nữ xinh đẹp trong các trang phục đầy màu sắc và họ cũng tiếp tục nói về từ hầu đồng, Đạo Mẫu. Lần này, Tewfic còn may mắn nhận được vài ngàn đồng tiền Việt Nam mà ông không thể từ chối.
“Đó là đồng tiền lộc đầu tiên – một phần của nghi lễ hầu đồng mà tôi nhận được” – Tewfic mỉm cười nhớ lại.
Nhiều độc giả là người nước ngoài tại Việt Nam chăm chú xem cuốn sách ảnh về hầu đồng. |
Sau đó, khi về tới khách sạn, ngay lập tức, Tewfic đã tìm kiếm thông tin về các từ khóa này trên internet. Chủ đề hầu đồng đã được rất nhiều các nhiếp ảnh gia tài năng của Việt Nam chụp nhưng chưa có một nhiếp ảnh gia người nước ngoài nào chụp. Thế là Tewfic thổi bùng mong mỏi rằng, mình là người nước ngoài đầu tiên ghi lại các hình ảnh về truyền thống văn hóa này của Việt Nam để giới thiệu với phương Tây. Cũng để nói với họ rằng, đây là một truyền thống, tín ngưỡng hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt Nam.
“Tôi phải nói thêm là, nhiều người Việt Nam còn khó hiểu về hầu đồng chứ đừng nói tới người nước ngoài. Tôi không phải học giả hay chuyên gia về vấn đề này nhưng tôi đã tìm hiểu thông tin với các chuyên gia về văn hóa hầu đồng ở Việt Nam” – Tewfic chia sẻ.
Tewfic El-Sawy say sưa nói về hầu đồng trong buổi nói chuyện về cuốn sách ảnh tại Hà Nội sáng 5/11. Sẽ còn 2 buổi nói chuyện về chủ đề này vào ngày 11,12/11. |
Những người tham gia hầu đồng rất vui vẻ
Cuốn sách ảnh “Hầu Đồng: The Spirit Mediums of Viet Nam” của Tewfic được xuất bản sau 2 năm nghiên cứu, thu thập tài liệu về hầu đồng và Đạo Mẫu tại Việt Nam.
Đạo Mẫu là truyền thống tôn giáo pha trộn các yếu tố thờ nữ thần truyền thống và tín ngưỡng bản địa khác, với các yếu tố Đạo giáo và Phật giáo. Trong Đạo Mẫu, vũ trụ được chia thành bốn cõi; trời (tượng trưng bởi màu đỏ), đất (màu vàng), nước (màu trắng) và núi rừng (xanh lá cây). Mỗi cõi chi phối bởi một nữ thần Mẹ và hầu đồng là một trong những nghi lễ chính của Đạo Mẫu, minh họa cho sự thờ phụng nữ thần Mẹ ở Việt Nam.
Một độc giả khác cũng rất say mê với tín ngưỡng hầu đồng của Việt Nam. |
Và những gì xảy ra với người tham dự nghi lễ hầu đồng thực sự khiến nhiếp ảnh gia đến từ Mỹ choáng váng. Bởi đối với những tín ngưỡng văn hóa khác, các khán giả thường tỏ ra rất nghiêm trọng. Còn ở hầu đồng thì hầu hết khán giả đều rất vui vẻ.
Khi tham dự một buổi hầu đồng, Tewfic cho rằng không hẳn là mình đã nhập tâm được nhưng ông có thể hòa mình vào âm nhạc. “Đến khi người ta nhảy, tôi phải kiềm chế không nhảy theo mà chỉ vỗ tay. Nhưng tôi nghĩ chính là âm nhạc kéo tôi vào và khiến tôi cảm thấy hân hoan. Tôi không phải là người Việt Nam, nhưng lại cảm thấy như thể mình là người Việt Nam khi tham dự các nghi lễ đó” – Tewfic cho biết.
Tewfic El-Sawy cho rằng, khi tham gia vào các giá hầu, ông nghĩ, ông cũng là người Việt Nam. |
Trong con mắt của nhiếp ảnh gia này, hầu đồng như một loại hình nhạc kịch tín ngưỡng, bởi hầu đồng kết hợp âm nhạc, vũ đạo, các bài hát bí ẩn, trang phục, màu sắc, yếu tố tâm linh… đến với các đền thờ. Và chính điều đó đã khiến hầu đồng thực sự khác biệt với tất cả các nền văn hóa khác trên thế giới.
“Đó là một tín ngưỡng rất vui và hân hoan. Nó cũng hướng đến hiện tại, chứ không phải là tương lai sau này. Điều này khiến tôi bị hấp dẫn. Tôi chỉ mong người phương Tây biết đến phong tục này và hy vọng nó có thể giúp Việt Nam được UNESCO ghi nhận hầu đồng là di sản văn hóa thế giới” – Tewfic chia sẻ.
Nhiếp ảnh gia đến từ Mỹ này hy vọng, hầu đồng sẽ được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể vào cuối năm nay. |
Để chụp được những bức ảnh này, với Tewfic điều khó nhất là ông chỉ có thể chụp ảnh các nghi lễ từ cánh gà và thường bị những người trợ giúp cho các giá hầu che khuất tầm nhìn khiến không thể chụp được cô đồng.
Thêm nữa, vì không nói được tiếng Việt nên không hiểu hết được ý nghĩa của tất cả những gì đang diễn ra nhưng đến lần thứ 13, 14 tham dự nghi lễ hầu đồng thì Tewfic cho rằng, mình đã có thể bắt đầu hiểu được ý nghĩ của chúng. Được biết, Tewfic đã tới khoảng 30-35 nghi lễ hầu đồng tại các tỉnh miền Bắc Việt Nam.
Khép lại dự án ảnh “khó nhằn”, Tewfic chia sẻ, nếu có bất kể một nghi lễ nào thú vị như hầu đồng, có thể, ông lại tiếp tục thực hiện các dự án ảnh…/.
Song Đào, ảnh: Nam Nguyễn