• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tham vọng đế chế Ottoman: Thổ Nhĩ Kỳ đang tự mình xây vành đai bất ổn định

Thế giới 07/10/2020 20:29

(Tổ Quốc) - Tổng thống Erdogan đặt mục tiêu đưa Azerbaijan trở thành con ngựa thành Troy thúc đẩy tham vọng Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.

Trong tình huống như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang trở lại mạnh mẽ hơn. Tham vọng khôi phục đế chế Ottoman của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan có thể sẽ khiến Địa Trung Hải rơi vào bất ổn và mối quan hệ trở nên khó khăn hơn.

Tham vọng đế chế Ottoman: Thổ Nhĩ Kỳ đang tự mình xây vành đai bất ổn định - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AT

Tờ Asia Times đã đưa ra một số tín hiệu cho thấy mối đe dọa ngày càng gia tăng từ ảnh hưởng mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông.

Liên minh châu Âu (EU) liên tục đe dọa sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này tiếp tục lập trường hiếu chiến đối với Cyprus và quốc gia thành viên NATO là Hy Lạp.

Ai Cập và Saudi Arabia đi đầu trong lập trường tạo nên mối liên kết giữa các quốc gia Ả rập đối phó với ảnh hưởng của Ankara bằng cách tẩy chay các sản phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ vì sự can thiệp của nước này ở Syria, Iraq và Libya.

Trong khi đó, thế giới hiện vẫn còn sốc trước quyết định gây tranh cãi lớn của Thổ Nhĩ Kỳ về đưa Hagia Sophia từ bảo tàng ở Instabul trở thành nhà thờ hồi giáo.

Pháp và Nga đã từng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đưa lính đánh thuê từ Syria đến Azerbaijan nhằm đối phó với người Armenia. Thổ Nhĩ Kỳ đã hậu thuẫn lực lượng đối lập trong nội chiến Syria một thời gian dài. Danh sách này vẫn tiếp tục tăng lên cho thấy Ankara đã đi từ chính sách "không hề có vấn đề gì với láng giềng" để trở thành vấn đề lớn nhất đối với họ.

Kể từ khi lên nắm chính quyền vào năm 2002, Tổng thống Erdogan đã liên tục thể hiện quyền lực gia tăng ảnh hưởng vị thế của Ankara. Tôn chỉ đế chế Ottoman từ lâu đã trở thành phương thức hoạt động của giới tinh hoa cầm quyền của Ankara. Azerbaijan được xem là cái cớ để tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của Ankara ở vùng Caucasus ngay cả khi điều đó có thể khiến Baku bắt đầu một cuộc chiến tranh khu vực và bị đồn đoán là quốc gia chứa chấp khủng bố.

Bởi không bị trừng phạt vì sử dụng các chiến binh thánh chiến trong xung đột Trung Đông nên Tổng thống Erdogan có thể tiếp tục muốn thực hiện chiến thuật tương tự ở nam Caucasus, đưa Azerbaijan trở thành con ngựa thành Troy nhằm thực hiện khát vọng khu vực. Bên cạnh mối hận thù kéo dài hàng thế kỷ chống lại người Armenia, chính quyền Ankara trên thực tế đang muốn thông qua Azerbaijan để theo đuổi sự bành trướng của tham vọng đế chế Ottoman.

Chính quyền Tổng thống Azerbaijan – ông Ilham Aliyev sau hàng thập kỷ tấn công quân sự thất bại vào Armenia và Artsakh (tên gọi khác là Nagorno-Karabakh) đang hoan nghênh sự tham gia của Ankara trực tiếp trong cuộc chiến.

Trước sự ủng hộ của Tổng thống Erdogan và sự hiện diện của lính đánh thuê thánh chiến, Azerbaijan đang thực hiện các cuộc pháo kích dữ dội vào thủ phủ của Artsakh – Stepanakert bằng việc sử dụng bom chùm bị cấm và là hành động tội ác của chiến tranh tàn khốc theo quy ước quốc tế.

Mỹ không thể giữ im lặng và có các lựa chọn để buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải chấp thuận nếu muốn vẫn là đồng minh của Washington.

Chỉ trong một thời gian ngắn, các công cụ kinh tế đã khiến cho đồng tiền quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ chạm mức thấp nhất so với với đôla Mỹ, đẩy lạm phát lên tới 24,5%. Diễn biến như vậy đang chứng minh về các ảnh hưởng mà Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt khi có sự can thiệp của Washington. Ngược lại, nếu Ankara muốn xoa dịu hoặc chỉ mở rộng thêm vành đai thì cũng sẽ khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ tự gây ra bất ổn cho chính mình.

Theo AsiaTimes, Washington nên ban hành ngay các lệnh trừng phạt có mục tiêu và lệnh cấm vận kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan. Tất cả sự hỗ trợ quân sự và buôn bán vũ khí nên dừng lại. Tiền đóng thuế của Mỹ không nên chỉ dùng tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Kinh doanh như thường lệ sẽ chỉ khiến cho xung đột khu vực mới tiếp tục xảy ra và khiến cho Mỹ cũng như đồng minh của họ phải trả cái giá đắt hơn.

Cho đến hiện tại, Tổng thống Erdogan có thể đang có nhiều điều để lo lắng. Các quốc gia láng giềng Ả rập hiện đang tẩy chay hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ trong khi liên minh châu Âu đang muốn trừng phạt vì các động thái gần đây của nước này. Chưa hết, ứng viên Đảng Dân chủ chạy đua vào Nhà Trắng năm nay – ông Joe Biden cũng từng tuyên bố muốn hạ bệ ông Erdogan nếu trúng cử.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ từng tuyên bố có thể sẽ khiến kẻ thù phải trả giá đắt nếu tiếp tục truy đuổi mình. Điều đó có lẽ giải thích cho sự hậu thuẫn cho Thổ Nhĩ Kỳ đối với cuộc tấn công của Azerbaijan vào khu vực Nagorno-Karabakh. Diễn biến đang leo thang và trở thành cuộc tấn công toàn diện vào cuối tháng 9.

Thổ Nhĩ Kỳ được cho là tuyển mộ 1000 lính đánh thuê Syria cho mặt trận Nagorno-Karabakh. Động thái này nhắc nhở rằng Tổng thống Erdogan có khả năng để khuấy động các rắc rối ở những nơi khác trong khu vực, bao gồm cả vùng Caucasus chiếm đa số người Hồi giáo của Nga.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ