• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tháng 5 về với Đường Xoài hoa trắng

Văn hoá 15/05/2018 16:10

(Tổ Quốc) - 48 năm đã qua, kể từ ngày Bác về với thế giới Người hiền, nhưng mỗi người khách khi vào thăm Nhà sàn tại Hà Nội đều như thấy lại hình bóng Bác Hồ - lãnh tụ vĩ đại, nhà văn hoá lớn vẫn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Tấm gương về Con Người giản dị mà vĩ đại

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết, tháng 10 năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta thắng lợi hoàn toàn, hòa bình lập lại ở miền Bắc, thủ đô Hà Nội được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Cuối tháng 12 năm đó, Người chuyển về ở và làm việc tại khu vực Phủ Chủ tịch.

Nhà sàn Bác Hồ- biểu trưng cho cuộc sống giản dị của một CON NGƯỜI vĩ đại

Sau 4 năm Người sống và làm việc tại ngôi nhà của người phục vụ điện cho Phủ Toàn quyền Đông Dương, nhiều lần Trung ương Đảng đề nghị làm cho Bác ngôi nhà mới để Bác ở và làm việc được tốt hơn nhưng Bác đều từ chối, vì miền Bắc vừa được giải phóng còn gặp rất nhiều khó khăn khôi phục kinh tế, còn miền Nam đang tập trung đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đầu năm 1958 Bác tiếp đoàn cán bộ tỉnh Cao - Bắc - Lạng và được biết những ngôi nhà Bác ở và làm việc trước đây ở trên đó, bây giờ không còn nữa, do vật liệu được làm bằng tranh tre, nứa, lá đã bị mưa nắng, gió bão làm hư hỏng hết. Tháng 3 năm 1958, Bác có chuyến đi thăm huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, thấy đời sống nhân dân đã được nâng lên, đồng bào đã có thêm nhiều nếp nhà mới, Bác rất vui và nói với đồng chí Vũ Kỳ là thư ký cùng đồng chí Kháng là bảo vệ cho Bác rằng, nhiều lần Trung ương Đảng đề nghị làm cho Bác nhà mới, theo Bác nên làm một ngôi nhà nhỏ ở bên kia bờ ao cá theo kiểu của đồng bào Việt Bắc.

Bác cho mời kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh đến và nói rõ ý định làm nhà sàn để cho kiến trúc sư thể hiện trong bản vẽ thiết kế. Bác nói: nhà làm nhỏ, chỉ vừa đủ cho 1 người ở, gỗ làm nhà làm bằng gỗ thường, tầng dưới để thoáng, tầng trên có 2 phòng nhỏ, cầu thang làm rộng để hai người cùng lên một lúc, hành lang làm rộng để có thể ngồi đọc sách và tiện cho sinh hoạt. Sau hơn 1 tháng ngôi nhà được hoàn thành, ngày 17/5/1958, Bác Hồ chính thức chuyển về ở và làm việc tại Nhà sàn. Tuy đơn sơ, giản dị, nhưng ngôi nhà sàn đã trở thành một biểu tượng của phong cách và đạo đức Hồ Chí Minh - người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hoá kiệt xuất.

Nhà sàn Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc trong 11 năm cuối đời từ tháng 5/1958 đến tháng 8/1969, nhà sàn được xây dựng và khánh thành đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 68 của Người (1958). Việc xây dựng nhà sàn cho Bác ở và làm việc là thể hiện tình cảm và tấm lòng của Đảng và nhân dân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là nguyện vọng của Người sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc, Bác về ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch, Thủ đô Hà Nội tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Những hình ảnh, tư liệu về Bác là di sản quý của dân tộc

Ngôi nhà sàn của Bác Hồ trong khu Phủ Chủ tịch được xây dựng trên khu đất phía sau toà nhà Phủ Chủ tịch, bên cạnh ao cá, giữa một khu vườn cây xanh mát. Nhà sàn Bác Hồ được xây dựng bằng gỗ thuộc nhóm 4, loại gỗ thông dụng trong xây dựng, lợp mái ngói, xung quanh được treo mành và quanh nhà sàn có trồng nhiều loại cây hoa, cây cảnh, cây ăn quả và cây bóng mát như: Vú sữa, dừa, cam, bưởi, mộc, nhài, dạ hương và hàng dâm bụt chạy quanh trước nhà, quanh ao cá, gợi nhớ khung cảnh làng Sen quê Bác và của làng quê Việt Nam. Không gian trước nhà sàn được mở ra với một hồ nước mát rộng 3.320m2, đó chính là ao cá Bác Hồ với đủ loại: Chép, trắm, trôi, mè, rô phi… Sinh thời, sau giờ làm việc hàng ngày Bác Hồ thường chăm sóc cây trên vườn, cá trong ao. Hài hòa với khung cảnh thiên nhiên, khác biệt với các công trình kiến trúc đồ sộ, bề thế như Phủ Chủ tịch và các ngôi nhà xây dựng bằng những nguyên liệu bền vững như sắt, thép, xi măng... trong khu vực, ngôi nhà sàn của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch trở nên hết sức gần gũi và quen thuộc với mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là với đồng bào vùng núi phía Bắc.

Một đời thanh bạch

Theo nghiên cứu của Ths Phan Thị Hoài, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết, là Chủ tịch nước nhưng trong nếp sinh hoạt thường ngày Người gần gũi, đồng cam cộng khổ với nhân dân. Khi kinh tế khó khăn, đời sống nhân dân còn khổ, người dân ăn cơm độn ngô, khoai, sắn, Bác bảo cán bộ, nhân dân ăn độn bao nhiêu phần trăm, độn cho Bác từng ấy, giống như cán bộ, nhân dân. Khi mùa hè đến, mồ hôi thấm áo, Người nghĩ đến những chiến sĩ phòng không trên trận địa nóng bỏng. Khi đi công tác nước ngoài, được biết có loại cây xanh quanh năm không rụng lá, Bác nghĩ tới người lao công đêm đêm vất vả quét lá nên tìm cách đưa loại cây ấy về nước trồng ở bên cạnh nhà sàn với ý định cho ngành Lâm nghiệp nhân ra trồng ở các đô thị để bớt nặng nhọc cho người công nhân quét đường.

Nhiều hội thảo khoa học được tổ chức nhằm gìn giữ, phát huy các di tích tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh 

Trong cuộc sống hàng ngày, Bác tự chuẩn bị chăn màn khi đi ngủ, sắp xếp gọn gàng sau khi thức dậy. Sau khi xong bữa, Người luôn tự tay thu dọn bát đũa gọn gàng để bớt phần việc cho các đồng chí phục vụ.

Từ năm 1967, Bác già và yếu đi nhiều nhưng hằng ngày Bác vẫn từ Nhà sàn đi bộ về Nhà 54 để dùng cơm. Có nhiều hôm trời mưa rất to, nước trong vườn chưa kịp rút, ngã ba Đường Xoài ngập gần hết lối đi. Gần đến giờ ăn mà trời vẫn mưa tầm tã, anh em phục vụ áy náy, xin phép được mang cơm sang Nhà sàn cho Bác dùng nhưng Bác không đồng ý vì không muốn nhiều người phải vất vả vì bữa cơm của Bác. Và đúng giờ, Bác vẫn sắn quần quá đầu gối, cầm ô lội nước sang Nhà 54 để dùng cơm.

Có một câu chuyện mà nhiều người dân khi đến thăm Bác đã rơi nước mắt khi nghe các hướng dẫn viên kể. Câu chuyện được ghi lại từ đồng chí Vũ Kỳ- Thư ký của Bác. Ở phòng ngủ tầng 2 Nhà sàn, còn có một chiếc đài bán dẫn. Nó như vật tri kỷ của Bác. Mỗi buổi chiều sau giờ làm việc, Bác có thói quen mở đài rất to. Một lần đồng chí Vũ Kỳ có nán lại sau giờ làm việc, thấy Bác mở đài to trong lúc Bác vẫn ngồi làm việc bình thường. Sợ tiếng đài ảnh hưởng đến công việc của Bác, đồng chí lặng lẽ lại gần tắt đài đi. Ngay lập ức, Bác ngừng tay làm việc, quay sang nhìn đồng chí Vũ Kỳ trầm ngâm nói: “Chú bật đài lên đi. Sau giờ làm việc chú trở về nhà có vợ, có con. Dù con có khóc, vợ nói dỗi có khi nặng lời thì đó cũng là âm thanh của một gia đình. Còn Bác ở đây chỉ có một mình, chú bật đài lên cho có tiếng người”.

Giữa những ngày Tháng 5 lịch sử, đi giữa không gian thanh tĩnh của Khu di tích, ngẫm câu chuyện về Bác, thấy kính trọng biết bao Nhân cách của Người. Đơn sơ và giản dị, ngôi Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Phủ Chủ tịch đã trở thành biểu tượng của phong cách và đạo đức Hồ Chí Minh- một lãnh tụ suốt đời vì dân vì nước, nơi biểu trưng cho cuộc đời của một CON NGƯỜI “cao mà không xa, mới mà không lạ, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu”./.

 

Hoàng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ