• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tháng 7 đạt kỷ lục nóng nhất trong 120.000 năm qua

Thế giới 28/07/2023 20:07

(Tổ Quốc) - Các nghiên cứu cho thấy trái đất đang trải qua tháng 7/2023 nóng nhất trong hàng trăm nghìn năm qua.

Theo CNN, khi ba lục địa gần đây ghi nhận nhiệt độ ở mức cao ngất ngưởng và đại dương nóng lên đến mức chưa từng thấy thì các nhà khoa học cho biết tháng 7/2023 có thể là tháng nóng nhất được ghi nhận trên hành tinh cho đến nay và có thể là tháng nóng "chưa từng thấy" trong hàng trăm nghìn năm qua.

Tháng 7 đạt kỷ lục nóng nhất trong 120.000 năm qua - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNN

Nhiệt độ tăng cao ngất ngưởng

Mới đây, các nhà khoa học đến từ Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện nghiên cứu liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Theo nghiên cứu, nhiệt độ trong tháng 7 đã quá khắc nghiệt đến mức hầu như chắc chắn tháng này đã phá vỡ kỷ lục với biên độ đáng kể. Thế giới vừa trải qua ba tuần nóng nhất từng được ghi nhận – và gần như chắc chắn là trong hơn một trăm nghìn năm qua.

Thông thường, những kỷ lục này sẽ có chênh lệch trong các năm nhưng nhiệt độ trong 23 ngày đầu tiên của tháng 7 năm nay trung bình ghi nhận cao ngất ngưởng.

Dữ liệu được sử dụng để theo dõi các bản thống kê có từ năm 1940, nhưng nhiều nhà khoa học - bao gồm cả những nhà khoa học đến từ Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus - nói rằng gần như chắc chắn nhiệt độ tháng 7/2023 là nóng nhất trong 120.000 năm qua.

"Tháng 7/2023 ghi nhận nhiệt độ nóng nhất trong lịch sử loài người. Tất cả tạo nên một mùa hè nóng nực ở Bắc bán cầu - có khả năng là một mùa hè chưa từng có", ông Samantha Burgess, Phó giám đốc Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus nhấn mạnh.

Trong khi đó, Carlo Buontempo, Giám đốc của Copernicus cho biết khả năng chắc chắn thế giới sẽ trải qua một mùa hè phá kỷ lục mặc dù ông cảnh báo vẫn còn quá sớm để khẳng định điều đó một cách tự tin.

Rất nhiều người dân trên khắp thế giới đã chứng kiến nắng nóng khắc nghiệt khi nhiệt độ thậm chí tăng lên đến 50 độ C ở các vùng miền của Mỹ. Nhiều người tử vong liên quan đến nắng nóng kéo dài, thậm chí là bị bỏng đe dọa đến tính mạng khi mặt đất nóng như thiêu như đốt.

Ở Địa Trung Hải, hơn 40 người đã thiệt mạng khi cháy rừng hoành hành khắp khu vực vì nhiệt độ tăng cao. Trong khi đó, ở châu Á, những đợt nắng nóng gay gắt kéo dài đang cướp đi sinh mạng và đe dọa an ninh lương thực.

Thách thức bởi biến đổi khí hậu

Ông Samantha Burgess cho biết biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nắng nóng bất thường này.

"Nhiệt độ không khí toàn cầu tỷ lệ thuận với nồng độ khí nhà kính trong khí quyển", ông Burgess gợi ý.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy biến đổi khí hậu đóng một vai trò "hoàn toàn áp đảo" trong các đợt nắng nóng ở Mỹ, Trung Quốc và Nam Âu vào mùa hè này. Sự xuất hiện của El Niño - hiện tượng biến động khí hậu tự nhiên - cũng đã đẩy nhiệt độ cao hơn nữa.

Tháng 7/2023 sẽ là tháng nóng nhất xuất hiện trong bối cảnh hàng loạt kỷ lục đáng báo động đã bị phá vỡ – rồi lại bị phá vỡ – vào mùa hè này.

Theo Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus, tháng 6 cũng ghi nhận nóng nhất bởi một "biên độ đáng kể".

Sau đó vào tháng 7/2023, thế giới trải qua những ngày nóng nhất được ghi nhận. Vào ngày 6/7, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng lên 17,08 độ C (62,74 độ F), đánh bại kỷ lục nhiệt độ trước đó là 16,8 độ C (62,24 độ F) được thiết lập vào tháng 8/2016. Kể từ ngày 3/7/2023, mỗi ngày đều nóng hơn so với kỷ lục vào năm 2016.

"Hầu như tháng nào trong năm nay cũng nằm trong top tháng nóng nhất được ghi nhận và nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài sang mùa thu và mùa đông thì năm 2023 có thể sẽ là một trong những năm nóng nhất từng được thống kê", ông Burgess nói.

Nhiệt đại dương cũng cao ở mức kỷ lục. Vào giữa tháng 5, nhiệt độ bề mặt đại dương toàn cầu đạt đến "mức chưa từng có" trong năm.

"Những gì chúng ta đang thấy bây giờ đều là chưa từng thấy trước đây", ông Burgess nói.

Trong khi đó, bà Kim Cobb, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Brown, người không tham gia vào báo cáo, đã gọi kỷ lục nhiệt độ mới vào tháng 7 là "đáng kinh ngạc" nhưng cảnh báo rằng nó sẽ bị phá vỡ một lần nữa.

Và ông Petteri Taalas, Tổng thư ký của WMO cho biết nhiệt độ cao kỷ lục vào tháng 7 cho thấy thực tế khắc nghiệt của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đã gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến hàng triệu người dân trên thế giới trong tháng này và hình thái thời tiết này sẽ tăng mạnh trong tương lai.

"Nhu cầu giảm phát thải khí nhà kính đang cấp bách hơn bao giờ hết. Hành động khí hậu không còn là một điều xa xỉ mà là một điều bắt buộc", ông Petteri Taalas nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ