Thành cổ Bắc Ninh - công trình kiến trúc nghệ thuật quân sự tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh, được xây dựng từ năm 1805 thời vua Gia Long triều Nguyễn, trên địa phận các làng Đỗ Xá, (huyện Võ Giàng), Hòa Đình (Tiên Du) và làng Yên Xá (Yên Phong). Hiện nay, trước sự xâm lấn của con người đã làm cho di tích đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Thành cổ Bắc Ninh - công trình kiến trúc nghệ thuật quân sự tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh, được xây dựng từ năm 1805 thời vua Gia Long triều Nguyễn, trên địa phận các làng Đỗ Xá, (huyện Võ Giàng), Hòa Đình (Tiên Du) và làng Yên Xá (Yên Phong). Hiện nay, trước sự xâm lấn của con người đã làm cho di tích đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Thành Bắc Ninh là ngôi Thành cổ đầu tiên của Việt
Sau Cách mạng Tháng 8.1945, Thành Bắc Ninh nhiều lần được Hồ Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm, nói chuyện với cán bộ nhân dân thành phố Bắc Ninh. Năm 1980, Thành cổ được UBND tỉnh Hà Bắc xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu theo quy định số 144/QĐ-UB ngày 15.3.1980. Ngày 24.10.1981, UBND tỉnh Hà Bắc có quy định số 574/QĐ-UB về việc bảo vệ di tích Thành cổ Bắc Ninh. Theo đó, khu vực nội thành và dãy hào bao quanh phía ngoài là bất khả xâm phạm. Tường thành và hồ thành không được tùy tiện san lấp, đào bới làm tổn hại đến di tích. (Điều 2, 3 quy định số 574 nêu trên). UBND tỉnh Hà Bắc giao việc bảo vệ Thành cổ Bắc Ninh cho UBND thị xã Bắc Ninh (nay là thành phố Bắc Ninh) đảm nhận.
Tuy nhiên cho đến nay, ngôi Thành này chưa hề được tu bổ, tôn tạo; đặc biệt là sự xâm lấn của con người đã làm cho di tích ngày càng bị xuống cấp nghiêm trọng. Dấu tích còn lại của Thành cổ Bắc Ninh là ba cổng thành, một phần bờ thành và dãy hào sâu, 2 khẩu súng thần công, trong đó nổi bật là cổng Tiền với đài Gác vọng, cột cờ cao gần 20 mét. Đầu tháng 1.2003, UBND thành phố Bắc Ninh và Sở Văn hóa Thông tin tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học “Thành cổ Bắc Ninh - giá trị lịch sử văn hóa” nhằm tìm ra những giải pháp bảo tồn Thành cổ. Hội thảo đã khẳng định: Thành cổ Bắc Ninh là một di tích lịch sử đặc biệt có giá trị nhiều mặt - một di sản văn hóa quý báu của nhân dân thành phố Bắc Ninh - cần được bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị!. Ngày 29.3.2005, HĐND thành phố Bắc Ninh đã có Nghị quyết số 23/NQ-HĐND về việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử Thành cổ Bắc Ninh. Đề nghị Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh tạo điều kiện để cơ quan chuyên môn tiến thành nghiên cứu, lập hồ sơ pháp lý trình Nhà nước xếp hạng Thành cổ Bắc Ninh là Di tích cấp Quốc gia.
Song trên thực tế Thành cổ Bắc Ninh thuộc quyền quản lý của Học viện Chính trị Quân sự cơ sở 2. Việc bảo vệ, gìn giữ di tích hầu như chưa được đơn vị chủ quản quan tâm đúng mức. Ngày 7.4.2005, Bộ Quốc phòng có quyết định di dời Học viện Chính trị Quân sự cơ sở 2 từ Bắc Ninh về Hà Tây, giao lại di tích Thành cổ cho địa phương quản lý. Ngày 4.6.2005, tại Học viện đã diễn ra cuộc họp giữa lãnh đạo đơn vị với UBND tỉnh, thành phố Bắc Ninh và các bên liên quan, công bố quyết định bàn giao di tích Thành cổ. Tuy nhiên mọi việc hiện vẫn dậm chân tại chỗ. Tháng 3.2006, Học viện Chính trị Quân sự cho phá bờ thành xây dựng khu chăn nuôi và nhà vệ sinh khiến cho nước hồ bao quanh Thành cổ vốn đã ô nhiễm nay càng thêm trầm trọng hơn. Ông Nguyễn Minh Phúc - Phó chủ tịch UBND phường Vệ An - bày tỏ sự lo ngại: “Khi mà các cơ quan chức năng còn thơ ơ, hờ hững với di tích, không hiểu Thành cổ sẽ còn bị xâm hại đến đâu?”.
Được biết trong định hướng phát triển du lịch, Thành cổ Bắc Ninh sẽ trở thành điểm tham quan du lịch giàu tiềm năng, nơi sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân địa phương. Do vậy việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị Thành cổ là vấn đề cần thiết và cấp bách. Thế nhưng trước những gì mà người ta đang “đối xử” với di tích, những ai yêu mến, trân trọng và gắn bó với Thành cổ Bắc Ninh chỉ còn biết buông tiếng thở dài, buồn thay cho di tích! Thành cổ Bắc Ninh - viên ngọc quý cha ông để lại, song đáng tiếc là người đời sau chưa biết trân trọng gìn giữ, để rồi “ngọc quý” đang bị bào mòn theo tháng năm.
Theo DL