(Toquoc)-Dù kiến trúc bằng đá khối nhưng thành Nhà Hồ vẫn đối mặt với nỗi lo bị sụt lún, bào mòn.
(Toquoc)- Dù kiến trúc bằng đá khối nhưng trước sự phong hóa của thiên thiên, Thành Nhà Hồ vẫn đối mặt với nỗi lo bị sụt lún bởi nước mưa và lũ lụt. Bài toán bảo tồn đang là thách thức đặt ra đối với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và quản lý di sản.
Nỗi lo sụt lún, bào mòn Thành nhà Hồ!
Sau tròn một tháng Thành Nhà Hồ được công nhận là Di sản thế giới (27/6/2011), chúng tôi đã có dịp về với di sản bằng đá độc đáo bậc nhất khu vực này. Điều chúng tôi cảm nhận được rằng, dẫu việc bảo tồn không cấp bách như các di sản thế giới khác của nước ta, song việc bảo tồn Thành Nhà Hồ cũng đang đặt ra một bài toán cho các nhà khoa học, nghiên cứu và quản lý di sản.
Thành nhà Hồ được xây dựng trên bình đồ kiến trúc gần vuông, hai mặt Nam- Bắc dài hơn 900m, Đông- Tây dài hơn 700m, tường thành cao trung bình từ 7- 8m, bên trong ốp đất, bên ngoài có hào sâu rộng từ 20- 40m, có hệ thống 4 cửa ở các mặt thành xây cuốn vòm, trong đó cổng phía Nam là cổng lớn nhất với chiều rộng tới 38m, cao 10m cùng 3 mái vòm lớn.
Sẽ đưa thành Nhà Hồ thành Công viên khảo cổ
Nét độc đáo có một không hai của Thành nhà Hồ chính là bởi thành được xây cất từ những khối đá tảng cực lớn, gọt đẽo vuông vức rồi ghép lại với nhau một cách tự nhiên. Ở nhiều đoạn tường thành hiện vẫn có thể thấy những khối đá tảng rất lớn, dài khoảng 7m với khối lượng khoảng 20- 25 tấn mỗi khối.
Thành nhà Hồ trở thành một công trình mang giá trị nổi bật toàn cầu với kiến trúc kiểu kinh thành phương Đông, vừa là trung tâm quyền lực, vừa là một pháo đài quân sự, thể hiện sự gắn kết tài tình giữa công trình kiến trúc với cảnh quan văn hoá và thiên nhiên. Nhờ kỹ thuật xây dựng độc đáo, sử dụng các vật liệu bền vững, đặc biệt là các khối đá lớn, trải qua thời gian hơn 600 năm với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, đến nay Thành vẫn còn khá nguyên vẹn.
Tuy nhiên, bài toán bảo tồn và phát huy giá trị di sản ra sao cũng đang đặt ra với các nhà nghiên cứu. Tiến sỹ Đỗ Quang Trọng- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Thành Nhà Hồ chia sẻ: “Lũ lụt là nỗi lo lớn nhất đối với di sản thế giới Thành Nhà Hồ. Nền đất yếu, những bức tường đá có thể bị sụt lún, bị mất đi. Bên cạnh đó, mặt phẳng phía trên thành, đối mặt với mưa, nắng, cũng sẽ bị bào mòn rất lớn. Có thể hình dung, mặt phẳng trên thành như mặt sân bóng, mưa xuống, ngấm vào các điểm kết nối của các tảng đá thì đá cũng sẽ bị ảnh hưởng đến kết cấu cũng như tường thành”.
Dẫu là đá, cũng không thể không lo đến bài toán bảo tồn và phát huy giá trị. Các phương án bảo tồn bức thành đá có một không hai trên thế giới đang được nghiên cứu.
Không phục hồi nguyên trạng
Hiện yêu cầu đặt ra là phải khảo sát để bảo tồn di sản thế giới Thành nhà Hồ và tăng cường tìm hiểu, nghiên cứu những tư liệu khoa học về di sản chứ không phục hồi nguyên trạng.
Chiến lược bảo tồn hợp lý có thể góp phần gìn giữ Thành Nhà Hồ trường tồn đến hàng ngàn năm sau
Theo ông Trọng, hướng bảo tồn và phát huy giá trị của Thành Nhà Hồ là sẽ đưa thành trở thành công viên khảo cổ chứ không phục hồi lại những đoạn thành như nguyên trạng. Trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển, chúng ta hoàn toàn có thể dùng máy khoan, cắt cho đá vuông vắn và chồng lên để làm những bức tường thành cao hơn, song đó không phải là hướng bảo tồn di sản này. “Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã nhất trí không nên phục dựng lại những cung điện, thái miếu như thường làm với các di sản thế giới, mà đi theo hướng khác, đưa di sản thành công viên khảo cổ học. Trồng cây xanh, dựng mô hình chứ không phục dựng. Nếu phục dựng lại cả kinh thành ở đây thì vừa tốn kém vừa không có đủ cơ sở dữ liệu, sẽ không chân thực với lịch sử”- Ông Trọng khẳng định.
Ông Nguyễn Hữu Nhẫn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa cho biết: “Sau khi Thành Nhà Hồ được công nhận là Di sản thế giới, Trung tâm bảo tồn di tích thành Nhà Hồ đã thực hiện việc không cho xe cơ giới đi qua thành, di chuyển 40 hộ dân sống sát vùng lõi di tích, chuyển bãi rác của các khu dân cư ra khỏi vùng di tích, trồng cây xanh tạo cảnh quan cho di sản, nghiên cứ chiến lược phòng ngừa thảm họa, đặc biệt là “thảm họa” nước đối với thành. Trong thời gian tới, có nhiều việc phải làm nhằm thực hiện cam kết của chúng ta với UNESCO, trong đó, đặc biệt là việc xây dựng và thực hiện kế hoạch tổng thể để khảo cổ toàn bộ di sản”.
Bên cạnh những hành động bảo vệ di sản trước mắt, về lâu dài, để tìm ra cách bảo tồn chính xác, thì việc nghiên cứu, tìm tư liệu khoa học là điều cần thiết nhất, góp phần giúp bảo tồn di sản một cách bền vững.
Ông Trọng cho biết: “Khoan nghĩ đến việc phục hồi, mà hãy tìm xem người xưa đã làm thế nào để có được di sản này. Rồi từ việc có căn cứ khoa học, sẽ tính xem trong thời gian bao nhiêu năm nữa thì lún bao nhiêu, từ đó có giải pháp nào để chống việc sụt, lún đó”.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, các tư liệu mới nhất về thành Nhà Hồ sẽ được công bố trong tháng 8 tới. Hy vọng, cùng với các tài liệu khoa học về việc xây dựng thành, khi ngành văn hóa Thanh Hóa đưa ra chiến lược khảo cổ, di sản thành Nhà Hồ sẽ được bảo tồn bền vững và ttrường tồn đến ngàn năm sau.
Trong các chương trình hành động nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam với UNESCO, UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan liên quan đang tiến hành các hoạt động như: Chuẩn bị lễ đón nhận Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ (dự kiến ngày 15/4/2012), đúng dịp kỷ niệm 615 năm thành lập Tây Đô; tổ chức hội thảo quốc tế 40 năm Việt Nam tham gia công ước di sản thế giới. |
Bài&ảnh: Hồng Hà