• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thanh tra Bộ VHTTDL: Cần điều tra vì sao các địa phương “ào ào” xin cấp phép chọi trâu

Văn hoá 03/02/2018 19:55

(Tổ Quốc) - Tránh sự nở rộ các hội chọi trâu và những hình ảnh phản cảm từ lễ hội này, năm nay, Bộ VHTTDL yêu cầu các địa phương kiên quyết không cấp phép tổ chức chọi trâu.

Trong hai năm qua, Bộ VHTTDL yêu cầu các địa phương không cấp phép tổ chức lễ hội, hội chọi trâu không phải là lễ hội truyền thống nhằm hạn chế những phản cảm từ những hoạt động mang danh lễ hội chọi trâu. Tuy nhiên, vì sao các doanh nghiệp ở nhiều địa phương đua nhau xin phép tổ chức chọi trâu? Câu chuyện lợi nhuận đang chi phối hoạt động lễ hội văn hóa này đòi hỏi các địa phương phải quyết liệt vào cuộc để không tái diễn những hình ảnh phản cảm trong mùa lễ hội 2018.

Trong những năm gần đây, Bộ VHTTDL đã có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương không cấp tổ chức các lễ hội có nội dung kích động bạo lực, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân ái của dân tộc, không cấp phép tổ chức lễ hội, hội chọi trâu không phải là lễ hội truyền thống. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn báo cáo về việc xin phép tổ chức lễ hội chọi trâu đến nỗi, Thứ trưởng Bộ VHTTDL phải khẳng định, nếu trong hai năm 2016, 2017, Bộ không quyết liệt với tình trạng “núp bóng” lễ hội chọi trâu thì năm nay, tỉnh nào cũng có lễ hội chọi trâu.

Bộ VHTTDL yêu cầu các địa phương, với các hội chọi trâu không phải là lễ hội truyền thống của địa phương thì không được phép tổ chức (ảnh Thế Công)

Lễ hội chọi trâu để lại quá nhiều hệ lụy. Ở các địa phương tổ chức lễ hội chọi trâu đều xuất hiện việc bán vé vào lễ hội, bày bán thịt trâu tràn lan ở nhiều nơi rất phản cảm. Tại sới chọi, thậm chí tận dụng địa điểm nhà trường, thư viện, trụ sở xã… đều có thể “họp chợ”. Năm 2017, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cũng xảy ra sự cố trâu số 18 húc chết chủ. Sau sự việc đó, Bộ VHTTDL đã yêu cầu Sở VHTT Hải Phòng nghiên cứu, hỗ trợ UBND quận Đồ Sơn hoàn thành đề án điều chỉnh phương thức tổ chức lễ hội chọi trâu.

Tuy nhiên, trước mùa lễ hội 2018, cho dù, Bộ VHTTDL không khuyến khích tổ chức các lễ hội chọi trâu không có giá trị di sản văn hóa, nhưng ở nhiều địa phương, các cơ quan quản lý vẫn chưa kiên quyết thực hiện cũng như không có cách vận động để nhân dân thực hiện theo.

Cụ thể như ở Tuyên Quang, theo ông Nguyễn Vũ Phan – Quyền Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Cơ quan quản lý của tỉnh không thể yêu cầu bà con Chiêm Hóa (Tuyên Quang) dừng Lễ hội chọi trâu. Người dân hỏi Sở, trâu Tuyên Quang khác gì trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) mà bắt chúng tôi dừng? Lãnh đạo Sở không trả lời được”.

“Đã đến lúc Cục Văn hóa cơ sở phải làm cuộc điều tra tại sao doanh nghiệp ào ào xin cấp phép lễ hội chọi trâu? Rõ ràng, các doanh nghiệp nhảy vào tổ chức hội chọi trâu là vì lợi nhuận. Các địa phương nếu không quản lý hiệu quả thì những câu chuyện nhếch nhác, phản cảm của hội chọi trâu sẽ không kiểm soát được” – Phó Chánh thanh tra Bộ VHTTDL Phạm Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định: “Lễ hội chọi trâu nở rộ ở nhiều địa phương là vấn đề “nóng” trong mấy năm qua và Bộ VHTTDL đã yêu cầu các địa phương vận động nhân dân không tổ chức và Bộ cũng có quan điểm rõ ràng là không tổ chức chọi trâu ở các địa phương, trừ Đồ Sơn- lễ hội đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng cho rằng, các địa phương cần vào cuộc sâu sát, quyết liệt hơn để vận động các doanh nghiệp không tổ chức chọi trâu. Ngoài những hình ảnh phản cảm về giết mổ, bán thịt… thì việc bán vé thu tiền vào xem chọi trâu cũng đang vi phạm Thông tư. “Chúng ta đang nhìn vào lợi ích kinh tế mà không nhìn vào mặt trái mà hội chọi trâu mang lại. Bởi vậy, cần quyết liệt và thống nhất trong quản lý hoạt động này”- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định.

Một điểm sáng trong việc hạn chế lễ hội chọi trâu là Yên Bái. Từng là một trong những địa phương tổ chức nhiều lễ hội chọi trâu nhất, trong năm qua, Yên Bái đã vận động nhân dân không thực hiện chọi trâu. Bà Lê Thị Thanh Bình- Giám đốc Sở VHTTDL Yên Bái cho biết: “Năm 2016 trở về trước, Yên Báo có từ 7-8 lễ hội chọi trâu chứ không chỉ một nơi như Lục Yên năm 2017. Đó là nhờ có văn bản yêu cầu của Bộ VHTTDL về việc không tổ chức các lễ hội bạo lực, các lễ hội chọi trâu không có trong truyền thống nên chúng tôi đã vận động bà con nhân dân và các cá nhân, tổ chức. Lúc đầu họ cũng không đồng tình, nhưng chúng tôi có hướng chuyển các hoạt động khác hợp lý, tạo được không khí vui tươi đầu năm cho nhân dân nên bà con các điểm tổ chức chọi trâu đều đồng tình. Năm 2018, Yên Bái cam kết không tổ chức chọi trâu”.

Còn với Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Bộ VHTTDl yêu cầu, năm nay, lễ hội bỏ vòng đấu loại để trở về với mô hình nguyên gốc, chỉ còn trận chung kết. Đi kèm với đó, Ban tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2018 phải nâng cao công tác an ninh, đảm bảo an toàn.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy yêu cầu Sở VHTT Hải Phòng trong tháng 3/2018 hoàn thành và báo cáo Bộ VHTTDL đề án điều chỉnh lễ hội chọi trâu. “Lễ hội chọi trâu truyền thống phải có giá trị tốt dẹp mới được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc điều chỉnh hình thức, quy mô tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn phải bám sát giá trị tốt đẹp của lễ hội theo hồ sơ đã được công nhận. Tổ chức các hoạt động của lễ hội làm sao phải nâng giá trị của lễ hội chọi trâu, không đặt nặng vấn đề chọi trâu. Bên cạnh đó, phải kiểm soát chặt chẽ việc mổ, bán thịt trâu chọi không để tái diễn hình ảnh phản cảm”- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh./.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ