• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thầy giáo phát hiện tiêu cực thi cử Trần Mạnh Tùng và 5 khát vọng trong năm 2019

Thời sự 08/02/2019 07:04

(Tổ Quốc) - Thầy giáo trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) Trần Mạnh Tùng là một trong những thầy giáo đã phát hiện ra tiêu cực thi tốt nghiệp THPT năm 2018. Nhân dịp năm mới 2019, thầy Trần Mạnh Tùng đã có những chia sẻ với điện tử Tổ Quốc về những khát vọng trong năm 2019 với ngành giáo dục.

Theo thầy Trần Mạnh Tùng, bức tranh đa sắc của giáo dục 2018 đã mang lại nhiều bài học thành công và thất bại. Ngành giáo dục đã có những quyết tâm rõ rệt để khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng dạy và học. 

Những quyết tâm ấy mang đến cho chúng ta nhiều khát vọng cho một năm khởi sắc của giáo dục nước nhà.

Dưới đây là 5 khát vọng mà thầy Trần Mạnh Tùng đưa ra cho năm 2019:

Khát vọng chấn chỉnh đạo đức nhà giáo

Một trong những đám mây mờ phủ bóng lên ngành giáo dục năm 2018 là các vụ việc giáo viên dùng bạo lực với học sinh, có ở tất cả các cấp độ từ mầm non đến THPT. Nhiều vụ việc gây nhức nhối trong ngành và gây phẫn nộ trong xã hội.

Thời gian qua, ngành giáo dục đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, các quy định đã tăng các hình thức xử phạt nhưng mới chỉ ở phần ngọn và chưa thực sự giải quyết được vấn đề.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Giáo dục một người thầy tốt, ta được cả một thế hệ".

Nhận thức được tính nghiêm trọng và cấp bách của vấn đề, Bộ GDĐT ban hành Chỉ thị 1737/CT-BGD-ĐT về nâng cao đạo đức nhà giáo, ban hành công văn gửi các sở giáo dục và đào tạo về việc đôn đốc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo.

Thầy giáo phát hiện tiêu cực thi cử Trần Mạnh Tùng và 5 khát vọng trong năm 2019 - Ảnh 1.

Thầy giáo nổi tiếng năm 2018 trong việc phát hiện tiêu cực thi tốt nghiệp THPT Trần Mạnh Tùng. Ảnh: Nam Nguyễn

Cuối năm 2018, Bộ GDĐT ban hành Thông tư 20 về chuẩn nghề nghiệp giáo viên, trong đó quy định rất rõ ràng, cụ thể về phẩm chất đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên. Hi vọng các nhà trường và các thầy cô giáo bám sát chuẩn này để tự chấm điểm nhằm hoàn thiện bản thân mình.

Bên cạnh đó, bộ cũng chủ trương giảm các đầu việc về hồ sơ sổ sách, rà soát các cuộc thi hình thức gây áp lực cho giáo viên.

Mỗi sự việc xảy ra trong ngành giáo dục đều nhận được sự giám sát, quan tâm, đánh giá rất kịp thời từ xã hội. Đây là áp lực nhưng cũng là động lực để bạo lực học đường sớm chấm dứt, tạo môi trường sư phạm lành mạnh, tích cực. 

"Các nhà trường cũng cần tăng cường các buổi sinh hoạt, thảo luận về đạo đức nhà giáo, phổ biến kiến thức, kĩ năng sư phạm nhằm phòng, tránh các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra"- Thầy Trần Mạnh Tùng nêu.

Khát vọng nâng cao vị thế ngành sư phạm

Năm 2019, Bộ GDĐT siết chặt đầu vào với khối ngành sư phạm, theo đó có quy định điểm sàn và giảm chỉ tiêu đào tạo. Bên cạnh đó, Bộ đang hướng đến chủ chương bỏ miễn học phí ngành sư phạm. Các quy định này nhằm tránh lãng phí và thu hút sinh viên giỏi.

Ngoài ra, việc nâng chuẩn đầu vào, giảm chỉ tiêu mà thí sinh vẫn đăng ký vào sư phạm thì các thí sinh đăng ký xét tuyển vào sư phạm năm nay có thể chất lượng hơn, thực sự yêu nghề, gắn bó với nghề hơn.

Ở tầm vĩ mô hơn, Bộ GDĐT đang quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm, đảm bảo việc đào tạo đúng chỉ tiêu, đúng chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tế, hướng tới việc tuyển dụng gắn với đào tạo.

Một trong những trở ngại của ngành sư phạm hiện nay là vấn đề đầu ra. Sau 4 năm học đại học, con đường đến với bục giảng của giáo sinh vô cùng gian truân, trắc trở. Những bất cập của khâu tuyển dụng còn dẫn đến thừa thiếu giáo viên cục bộ, phản ánh méo mó nhu cầu thực tế, khiến nhiều người e ngại với ngành sư phạm, khó tuyển được người có tài, có tâm thực sự. 

"Mong là trong thời gian tới, Bộ GDĐT phối hợp với Bộ Nội vụ và các cấp chính quyền địa phương thay đổi cách thức tuyển dụng theo hướng thực chất, khách quan hơn"- Thầy Trần Mạnh Tùng nói.

Hơn 700 năm trước, danh sư Chu Văn An từng nói: "Ta chưa từng thấy nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được". Hi vọng, cùng với việc phát triển kinh tế, nhà nước ta chú trọng hơn đến phát triển giáo dục vì đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển.

Khát vọng tăng lương cho giáo viên

Để nâng tầm chất lượng giáo dục cần cải thiện chất lượng giáo viên, cần sự toàn tâm toàn ý của các thầy cô giáo cho giáo dục. Để làm được việc đó, việc đầu tiên là cần tăng lương cho đội ngũ giáo viên.

Trong nửa nhiệm kì của mình, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhiều lần đề xuất tăng lương giáo viên, tương đương với lương của sĩ quan công an, quân đội. "Chúng tôi mong Bộ trưởng theo đuổi đến cùng để nguyện vọng chính đáng này thành hiện thực, đó sẽ là một trong những dấu ấn thành công trong nhiệm kì của Bộ trưởng"- Thầy Trần Mạnh Tùng chia sẻ.

Thực trạng đáng buồn với đội ngũ 1,2 triệu người đang đảm nhận sứ mệnh cao cả "trồng người", đó là nhiều thầy cô đang phải chật vật kiếm sống. Với mức lương khoảng 3,4 triệu đồng của một giáo viên mới ra trường, thật chua chát khi phải nhận định rằng, nó thấp hơn lương của một công nhân, một người giúp việc, thậm chí thấp hơn nhiều so với một bà bán trà đá vỉa hè.

Nghề giáo là một nghề đặc biệt. Người thầy chính là nhân tố quyết định tới sự thành bại của công cuộc chấn hưng giáo dục trọng đại, điều kiện tiên quyết cho sự thịnh vượng của đất nước. Để đội ngũ các thầy cô sự sự mạnh mẽ, cùng xắn tay lên thực hiện thành công cuộc cách mạng giáo dục lần này, chính phủ cần sớm biến ước mơ tăng lương thành hiện thực.

Khát vọng về một mùa thi 2019 thành công 

Những kết quả đạt được của kỳ thi THPT Quốc gia 2018 là quan trọng, cần được ghi nhận. Tuy nhiên, tiêu cực, sai phạm xảy ra ở một số địa phương Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình là cá biệt nhưng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến niềm tin xã hội, tổn thương đến đội ngũ nhà giáo và đối với những nhà quản lý giáo dục ở các địa phương, là sự cố gây chấn động trong hàng chục năm tổ chức thi và tuyển sinh. 

Ngay khi phát hiện dấu hiệu tiêu cực, Bộ GDĐT đã tích cực vào cuộc, phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, chấm thẩm định, đưa các tiêu cực ra ánh sáng và trả lại điểm thực chất cho thí sinh. 

Bên cạnh đó, bộ cũng ráo riết rà soát lại quy trình tổ chức thi và có những cải tiến rõ rệt nhằm khắc phục những bất cập của Kỳ thi năm 2018. Theo đó, bộ xác định rõ trách nhiệm của những người tham gia Kỳ thi, tiếp tục hoàn thiện ngân hàng câu hỏi, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm, tăng cường bảo mật, chú trọng công tác lựa chọn nhân sự, công tác thanh tra, giám sát tại các Hội đồng thi. 

Những tiêu cực thi cử năm 2018 chủ yếu xảy ra tại các địa phương nên năm 2019, Bộ GDĐT giao những công đoạn quan trọng cho các trường Đại học. 

"Theo quan điểm của tôi, Bộ cũng nên có các cơ chế giám sát chặt chẽ các khâu này, tránh tình trạng "đánh bùn sang ao". Những thay đổi tích cực nêu trên làm chúng ta có sơ sở để tin vào một mùa thi 2019 trung thực, khách quan và hiệu quả"- Thầy Trần Mạnh Tùng nói. 

Khát vọng về sự thành công của chương trình phổ thông mới 

Ngày 27/12, Bộ GDĐT công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, đáp ứng nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW, theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn. 

Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GDĐT đã hoàn thiện việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đồng thời tích cực chuẩn bị các điều kiện thực hiện. Xác định rõ yếu tố con người là quan trọng và quyết định, bộ đã ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông. 

"Tôi tin là, với sự nỗ lực của ngành giáo dục và sự đồng hành của toàn xã hội, các hạn chế, yếu kém của ngành sẽ dần được khắc phục, giáo dục năm 2019 sẽ khởi sắc, tạo tiền đề quan trọng để triển khai thành công chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngành giáo dục đang đứng trước cơ hội lịch sử để đổi mới căn bản và toàn diện, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và nâng cao chất lượng dạy và học. Một mùa xuân mới đang đến, mang đến mầm xanh, quả chín, mang đến niềm tin, hi vọng về một mùa xuân của giáo dục nước nhà"- Thầy Trần Mạnh Tùng chia sẻ.

 

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ