(Tổ Quốc) - Thầy Park đang thể hiện sự mong muốn bóng đá Việt Nam có thêm cơ chế tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ ra sân. Nhưng bản thân ông đã từng đặt niềm tin vào các cầu thủ trẻ?
1. Mới tuần trước, làng bóng Việt xôn cùng với tin đồn HLV Park Hang-seo trực tiếp nói chuyện với tiền đạo Anh Đức trên sân Bình Dương để... mời "lão tướng" đã 35 tuổi này trở lại đội tuyển quốc gia. Sự tình chính xác thế nào, có lẽ chỉ có ông Park, Anh Đức và... trợ lý ngôn ngữ của thầy Park biết được. Tuy nhiên, không ít người tin vào tin đồn đó.
Là bởi, trừ trường hợp của Văn Quyết ra, suốt gần 3 năm gắn bó với bóng đá Việt Nam, thầy Park cực kỳ trung thành với việc ưu tiên lựa chọn những cầu thủ mà mình vốn đã rất quen thuộc, thay vì tạo cơ hội cho những cầu thủ "lạ mặt", đến mức độ trước mỗi giải đấu, mỗi trận đấu của đội tuyển Việt Nam, người hâm mộ hầu như thuộc lòng đội hình mà nhà cầm quân người Hàn Quốc này bố trí cho đội tuyển Việt Nam hay U22, U23 Việt Nam.
Trước tiên, phải công nhận rằng điều đó chứng tỏ thầy Park cực kỳ tài năng và "nhiều bài". Có như thế ông mới có thể đưa bóng đá Việt Nam đạt hết thành công này đến thành công khác, và vẫn đang cực kỳ thành công. Có tài năng và "nhiều bài", thì nhà cầm quân người Hàn Quốc mới có thể không bị "bắt bài", dẫu để cho đối phương dễ dàng "bắt vị" đội hình ra sân của mình.
Của đáng tội, những nhân tố từng làm nên thành công cùng thầy Park cũng hay chả kém. Họ là lứa U19 lẫy lừng của bầu Đức, với những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Tuấn Anh... cùng lứa U19 thành công nhất của bóng đá Việt Nam từ trước đến nay với những Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng... World Cup U20 là minh chứng rõ ràng nhất cho tài năng của lứa cầu thủ đang là nòng cốt ĐTQG của ông Park.
Bên cạnh đó, thầy Park cũng có được sự phục vụ hết mình của những cầu thủ dày dạn kinh nghiệm và cực kỳ xuất sắc như Trọng Hoàng hay Hùng Dũng, Quế Ngọc Hải, Anh Đức, Văn Quyết. Nhìn vào những nhân tố ấy, không khó để khẳng định HLV Park Hang-seo dù tài năng, nhưng cũng khó may mắn khi sở hữu "thế hệ vàng" của bóng đá Việt Nam, thế hệ thậm chí còn xuất sắc hơn cả thế hệ đàn anh 10 năm về trước.
2. Một trong những thành công lẫy lừng nhất mà HLV Park Hang-seo "dành tặng" cho người hâm mộ Việt Nam là chiếc HCV môn bóng đá nam SEA Games sau rất nhiều thập kỷ chờ mong. Nhưng ở kỳ SEA Games ấy, nên nhớ rằng U22 Thái Lan không dùng bất cứ cầu thủ trên 22 tuổi nào, trong khi đó thầy Park sử dụng cả hai suất "quá tuổi" là Hùng Dũng và Trọng Hoàng, và hai cầu thủ này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong thành công của ông.
Dẫu đã quá quen thuộc với chức vô địch SEA Games, song không thể nói rằng người Thái không có khát vọng cạnh tranh với thầy trò HLV Park Hang-seo ở giải đấu này. Sở dĩ họ "chấp người", là bởi họ ưu tiên cho các cầu thủ trẻ cọ sát ở giải đấu thực tế là dành cho các cầu thủ trẻ.
Dĩ nhiên danh hiệu là quan trọng, và không ai có thể phàn nàn khi thầy Park sẵn sàng làm mọi thứ để có được danh hiệu mà bóng đá Việt Nam đã "hiếm muộn" từ rất nhiều năm nay. Thế nhưng nếu danh hiệu đã quan trọng đến thế, thì hà cớ gì thầy Park lại "lên án" các CLB V.League hay Hạng Nhất Việt Nam, khi họ ưu tiên cho những cầu thủ kinh nghiệm, cũng như ngoại binh để có được thành tích?
Lứa U19 xuất thần của bầu Đức với những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... là sản phẩm của một quá trình tuyển chọn đầu vào khắt khe, cùng môi trường đào tạo chuyên nghiệp nhất Việt Nam suốt gần 10 năm. Nhưng không phải cứ tuyển chọn tốt, đào tạo hay là tạo nên những bản sao hoàn hảo của họ. Nhìn HAGL mà xem, sau lứa U19 đình đám hồi 2014, suốt 6 năm qua, họ chưa hề trình làng thêm tài năng nào khả dĩ.
Thậm chí, lứa cầu thủ tài năng ấy khi được đôn lên đá V.League cũng cực kỳ chật vật trong suốt 6 mùa bóng qua. Cứ mỗi mùa giải V.League trôi qua, họ lại khiến người hâm mộ đội bóng phố Núi "thở phào nhẹ nhõm" khi... trụ hạng thành công.
Quả bóng Vàng Việt Nam 2019 - Hùng Dũng, từng tâm sự: "Lứa tôi 60 đứa, chỉ 4 người lên được chuyên nghiệp". Hai mươi ba tuổi, Hùng Dũng mới được khoác áo CLB Hà Nội "chạm ngõ" V.League. Hai mươi sáu tuổi, Hùng Dũng trở thành cầu thủ xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam, với danh hiệu cá nhân cao quý nhất dành cho một cầu thủ Việt Nam.
Bảo vệ thành công chức vô địch SEA Games là nhiệm vụ nặng nề, cũng như đầy vinh dự của thầy Park. Song có lẽ đã đến lúc ông, và cả những người hâm mộ bóng đá Việt Nam nhớ rằng đấu trường ấy là nơi mà các cầu thủ trẻ được cọ sát để trưởng thành, bên cạnh việc ganh đua thành tích của "người lớn", để có được thành tích bằng mọi giá.
Bóng đá Việt Nam đã có được chức vô địch SEA Games sau nhiều năm mong mỏi. Đã đến lúc trả nó lại với đúng ý nghĩa của mình. Còn thầy Park, thay vì cứ mãi kêu ca, nên tự hỏi rằng bản thân mình đã làm gì, và sẽ phải làm gì để những cầu thủ trẻ, những "nhân tố mới" có được cơ hội mà họ xứng đáng được hưởng, thay vì chỉ mãi là "bình vôi" cho "thế hệ vàng".