• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thế đối đầu trực diện tại Syria: Sĩ diện nước lớn của Mỹ, Nga?

Thế giới 14/04/2018 08:14

(Tổ Quốc) - Những đe dọa rùm beng tấn công Syria có thể là “sấm to mưa nhỏ?”

Chỉ còn vài giờ là hết thời hạn 48 giờ mà Tổng thống Trump tuyên bố dành để cân nhắc biện pháp quân sự chống chính quyền của Tổng thống al-Assad, nhằm đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma thuộc Đông Ghouta của Syria. Ngày 11/4, Donald Trump cũng cảnh báo Nga nên "chuẩn bị sẵn sàng" cho một cuộc tấn công của Mỹ vào Syria, khuyến cáo Nga đưa nhân viên kỹ thuật của mình rời khỏi các khu vực nguy hiểm.

Mỹ đã điều tàu khu trục mang tên lửa Tomahawk USS Porter và USS Donald Cook tới ngoài khơi Syria.

 Tàusân bay Mỹ Harry Truman tiến vào Trung Đông.

Tại sao Mỹ đe dọa tấn công Syria?

Ngày 10/4, các lực lượng phiến quân do phương Tây chống lưng đã hạ vũ khí và rút khỏi thị trấn Douma, cứ điểm cuối cùng tại Đông Ghouta. Dự kiến, khoảng 8.000 tay súng cùng 40.000 thân nhân sẽ sơ tán khỏi khu vực này.

Cũng trong ngày 12/4, Bộ Quốc phòng Nga thông báo quân cảnh nước này đã bắt đầu tuần tra ở Douma. Bộ Quốc phòng Nga cho biết quốc kỳ của Chính phủ Syria đã tung bay tại thị trấn Douma, dấu hiệu chính quyền Assad đã giành quyền kiểm soát thị trấn này, cũng như toàn bộ Đông Ghouta. Đây là một thất bại lớn của phương Tây tại Syria.

Để gỡ thể diện nhằm theo đuổi mục tiêu rút ra hay ở lại Syria, nơi Mỹ cũng có 2.000 quân đóng Syria, chủ yếu là miền Bắc, Mỹ cần có một hành động mạnh.

Không quân Anh - Pháp phối hợp với  Mỹ trong chiến dịch Syria: Khoảng 20 mục tiêu đã được lựa chọn cho chiến dịch này.

Lực lượng của Anh đã ở tư thế sẵn sàng tham gia hoạt động quân sự của Mỹ. Tổng thống Pháp Macron cho biết Pháp sẽ phối hợp với Anh và Mỹ về vấn đề này. Tàu khu trục Aquitaine trang bị 16 tên lửa hành trình SCALP EG với tầm bắn lên tới 300 hải lý, được triển khai gần Syria. Không quân Pháp cũng có thể tiến hành một cuộc tấn công từ các căn cứ ở trên đất liền của Pháp bên kia Địa Trung Hải. Tuy nhiên, nếu Mỹ không vô hiệu hóa hệ thống phòng không của Syria, quân đội Pháp chắc chắn sẽ đối mặt với rủi ro lớn.

Nga sẽ đáp trả như thế nào?

Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga - Tướng Valery Gerasimov, tuyên bố rằng “nếu tính mạng của các quân nhân Nga bị đe dọa, Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga sẽ tấn công các hệ thống phóng và tên lửa”. 

Đại sứ Nga tại Lebanon Alexander Zasypkin trả lời phỏng vấn kênh truyền hình al-Manar: “Nếu Mỹ không kích,… các tên lửa của họ sẽ bị bắn hạ, và có lẽ cả nơi khai hỏa các quả tên lửa ấy cũng sẽ bị trả đũa”.

 S-400 được triển khai ở Syria sẵn sàng cho cuộc đối đầu giữa Nga với Mỹ và liên quân.

Chuyên gia quân sự Mikhail Khodarenok (Nga) nhấn mạnh: “Chúng ta không thể mạo hiểm để mất mặt”.

Nga có khoảng từ 10-15 tàu chiến và tàu hỗ trợ triển khai tại Địa Trung Hải. Trong lúc căng thẳng gia tăng, đội tàu chiến của Nga đã rời khỏi căn cứ của Nga ở cảng Tartus (Syria) và Nhật báo Kommersant cho biết các tàu này tập trận bắn đạn thật gần bờ biển Syria, một sự kiện nhằm phô trương sức mạnh. 

Nga hiện có vài chục máy bay chiến đấu ở căn cứ không quân Hemeimim ở Syria, cùng với một loạt hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-300, S-400 và hệ thống tên lửa Bastion bảo vệ bờ biển. Các tên lửa này có tầm bắn tới 450 kilomet. Các chiến đấu cơ của Syria đã được đưa đến căn cứ không quân của Nga. Trong trường hợp leo thang, Nga có thể sử dụng các căn cứ không quân của Iran để triển khai thêm máy bay chiến đấu tới Syria. 

Tên lửa đất đối không S-400 - hệ thống tên lửa cơ động được lắp trên xe tải, được triển khai để bảo vệ căn cứ không quân Hmeymim ở tỉnh Latakia của Syria và căn cứ hải quân Tartus. Được thiết kế để bắn hạ các máy bay quân sự, tên lửa và máy bay không người lái, hệ thống ra đa của S-400 có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách lên tới 600km. Loại vũ khí tối tân này chưa từng được thử nghiệm trong các cuộc xung đột thực sự.

Trung tướng nghỉ hưu Ben Hodges, từng là chỉ huy trưởng lực lượng quân đội Mỹ tại châu Âu, cho rằng Nga có đủ khả năng để chống lại các cuộc tấn công từ Mỹ. “Điểm mấu chốt của thành công này là gì? Chính là nhiều lớp phòng thủ. Đó không phải là một hệ thống bắn hạ được mọi thứ. Họ triển khai nhiều lớp tên lửa hoặc các hệ thống phòng không được tích hợp với nhau, hệ thống rađa giám sát được đồng bộ và nhận lệnh tập trung”.

Sấm to mưa nhỏ?

Mỹ chắc sẽ tránh mở rộng quy mô xung đột và tránh đánh vào các căn cứ có hiện diện người Nga. Moscow cũng đã cảnh báo Mỹ chớ đánh vào các cơ quan của chính phủ Syria, vì ở đó có người Nga làm việc. Các hành động như vậy có thể bị trả đũa nhằm vào các lực lượng Mỹ ở miền Bắc Syria.

Nhưng một khi đã tuyên bố rùm beng và đã bày binh bố trận, Mỹ có thể dùng tên lửa bắn vào một số địa điểm ít nhạy cảm, như trường hợp đã xẩy ra hồi tháng 4/2017.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis đã có những lời phát biểu dường như để dọn đường cho việc xuống thang. Có thể, cuộc tấn công phải đợi kết quả điều tra của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đối với cáo buộc đã có các vụ tấn công nghi sử dụng khí độc tại thị trấn Douma. Các chuyên gia tổ chức này đang trên đường tới Syria, bắt đầu làm việc vào ngày 14/4 tới để điều tra vụ việc.

Dù sao, đối với cả Mỹ và Nga, đây là sĩ diện nước lớn./.

 

Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ