• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thế giới tập trung hành động giải quyết ô nhiễm đại dương

Thế giới 28/02/2023 17:04

(Tổ Quốc) - Các vấn đề đại dương thế giới đang phải đối mặt, từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm, đến đánh bắt và khai thác quá mức, sẽ là trọng tâm của hội nghị toàn cầu Our Ocean tại Panama trong tuần này.

Theo hãng tin AFP, khoảng 600 nhà lãnh đạo từ các nước trên khắp thế giới, những người đứng đầu giới kinh doanh, nhóm bảo vệ môi trường và các học giả sẽ tập trung tại quốc gia Trung Mỹ này vào thứ Năm và thứ Sáu (ngày 2,3/3) để thảo luận về việc mở rộng các khu bảo tồn biển, đảm bảo một "nền kinh tế xanh" bền vững dựa vào đại dương và giảm thiểu các yếu tố đe dọa tới sự phát triển của đại dương - một nguồn tài nguyên vô giá nhưng đang đối mặt nhiều rủi ro.

Đại dương đối mặt nhiều nguy cơ

Bao phủ 3/4 diện tích Trái Đất, đại dương là nơi sinh sống của 80% sinh vật trên hành tinh và cung cấp chất dinh dưỡng cho hơn 3 tỷ người, đồng thời đóng vai trò là con đường quan trọng cho thương mại toàn cầu.

Thế giới tập trung hành động giải quyết ô nhiễm đại dương - Ảnh 1.

Đại dương đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ chính hành động của con người. Ảnh: AFP/Straits Times.

Trang web của Hội nghị quốc tế về Đại dương Our Ocean lần thứ tám cho biết: "Chúng ta không thể cứu các hệ sinh thái đại dương mà không hạn chế hoạt động của chính con người tại những địa điểm đó. Tài sản quan trọng này đang gặp nguy hiểm do sự nóng lên toàn cầu, các hoạt động không bền vững, đánh bắt cá bất hợp pháp, ô nhiễm và làm xói mòn môi trường sống ở biển".

Theo bà Courtney Farthing, Giám đốc chính sách của Global Fishing Watch, hội nghị tuần này tại Panama "là chìa khóa nhằm tập hợp ý chí chính trị để hành động vì đại dương". Global Fishing Watch, được ra mắt vào tháng 9 năm 2016, là một dự án cung cấp thông tin cho toàn thế giới về tác động từ hoạt động đánh bắt cá thương mại.

Bà Courtney Farthing thông tin với AFP: "Bằng cách tập hợp các lãnh đạo chính phủ, các nhà hoạt động và giới công nghiệp ngồi lại với nhau, chúng ta có thể nâng cao hiểu biết chung về các vấn đề mà đại dương đang phải đối mặt, đưa ra các sáng kiến và hướng tới có thể được áp dụng rộng rãi hơn".

Các nhà quan sát cho rằng cuộc họp lần này rất quan trọng vì đây là hội nghị duy nhất có sự quy tụ của đầy đủ các bên để giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến đại dương. Hội nghị này cũng là nơi các quốc gia, thông qua các bộ trưởng cấp cao tham dự, thể hiện ý chí chính trị và lập trường với vấn đề đại dương.

Hội nghị Our Ocean được khởi xướng vào năm 2016 theo sáng kiến của ông John Kerry, cựu ngoại trưởng Mỹ và hiện là Đặc phái viên Mỹ về khí hậu. Ông Kerry dự kiến sẽ tham dự hội nghị năm nay cùng nhà hải dương học Mỹ Sylvia Earle, người đã dẫn đầu hơn 100 chuyến thám hiểm đại dương trong sự nghiệp gần 60 năm và là người thành lập Mission Blue - tổ chức phi chính phủ hướng đến khám phá và bảo vệ đại dương.

Lo ngại về khai thác đại dương quá mức

Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về việc các công ty đa quốc gia đang để mắt tới các khoáng sản dưới đáy đại dương. Các loại khoáng sản quan trọng đang được quan tâm là Polymetallic nodules - hỗn hợp các kim loại nickel, cobalt, mangan và một số loại đất hiếm khác. Những loại khoáng sản này rất quan trọng trong sản xuất pin.

Các nhà môi trường đang bày tỏ lo ngại và cho rằng việc khai thác khoáng sản như vậy sẽ tàn phá hệ sinh thái biển sâu.

Ông Maximiliano Bello của Mission Blue giải thích: "Chưa thực sự có hoạt động khai thác lớn dưới đáy biển sâu nhưng ngày nay đang có những bước tiến đáng kể về công nghệ và máy móc để khai thác khoáng sản, chủ yếu là các loại khoáng sản quý hiếm".

Tại hội nghị lần này, các đại biểu sẽ không thông qua các thỏa thuận hoặc bỏ phiếu cho các đề xuất nào, mà thay vào đó là đưa ra các "cam kết" tự nguyện để bảo vệ đại dương. Ví dụ, nước chủ nhà Panama dự định công bố mở rộng khu vực đại dương được bảo vệ Banco Volcan – được họ triển khai từ năm 2015.

Nhưng các nhà hoạt động môi trường, chẳng hạn như ông Juan Manuel Posada của tổ chức phi chính phủ MarViva, muốn thấy các dự án như vậy được mở rộng hơn nữa, ra "các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia". Theo ông Juan, phần lớn hoạt động đánh bắt trái phép đang diễn ra trên các vùng biển ngoài khơi chưa có sự kiểm soát và do đó, cần có sự sát sao hơn.

Ông nói thêm: "Chúng tôi cũng muốn thấy tuyên bố của các quốc gia bảo vệ 30% diện tích biển trước khi thời hạn cuối xảy đến". Tại hội nghị COP15 về đa dạng sinh học ở Canada vào năm 2022, nhiều quốc gia đã đồng ý hướng đến mục tiêu bảo vệ 30% diện tích biển đến năm 2030.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ