• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thể thao Việt Nam: Sự chuẩn bị kĩ càng cho các mục tiêu lớn trong 2 năm tiếp theo

Thể thao 26/01/2020 10:18

(Tổ Quốc) - The ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1, sẽ có hơn 2.000 VĐV được triệu tập nhằm chuẩn bị cho các mục tiêu lớn tới đây của thể thao Việt Nam.

- Thưa ông, trong năm 2020, Thể thao Việt Nam sẽ tiến tới mục tiêu lớn là Đại hội Olympic Tokyo 2020. Xin ông chia sẻ về thực trạng và thách thức hiện nay đối với thể thao Việt Nam?

Ông Hoàng Quốc Vinh: Đấu trường Olympic luôn là đấu trường cạnh tranh khốc liệt nhất với nhiều cường quốc thể thao như Đức, Pháp, Anh, Nga, Hungary hay Mỹ, Brazil, Cuba, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Họ luôn nằm trong top các quốc gia dẫn đầu về số huy chương. Điều này đồng nghĩa rằng rất nhiều rất nhiều VĐV, đương kim vô địch Olympic sẽ tham dự có thể kể đến như Lindan (Cầu lông), Rostami (Cử tạ), Adrian, Held, Phelps Dressel (Bơi)…

(Bài Tết) Thể thao Việt Nam: Sự chuẩn bị kĩ càng cho các mục tiêu lớn trong 2 năm tiếp theo - Ảnh 1.

Ông Hoàng Quốc Vinh - Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1

Theo trang Latimes.com, road to Tokyo mới đây cho biết, Nhật Bản đã đầu tư 25 tỷ USD để xây mới sân vận động Olympic. Với sự đầu tư về cơ sở vật chất cũng như chuẩn bị lực lượng vận động viên như vậy cho thấy nước chủ nhà Nhật Bản đang thể hiện quyết tâm cao và thế mạnh của họ mà các cường quốc phải tính toán, điều chỉnh để cạnh tranh huy chương.

Bên cạnh đó, IOC Ủy ban Olympic quốc tế và Ban tổ chức đưa thêm một số môn có nội dung nam nữ hỗn hợp như bắn súng đôi nam nữ, Bắn cung, Điền kinh, Kiếm đồng đội nam nữ… để tăng cường số lượng tham gia của các VĐV nữ trong các kỳ đại hội. Đây cũng là nội dung mới mà tất cả các quốc gia đều tập trung và kỳ vọng.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 4 suất chính thức gồm Nguyễn Huy Hoàng (Bơi), Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ (Bắn cung) và Lê Thanh Tùng (TDTT).

- Vậy trong năm 2020, Thể thao Việt Nam sẽ có sự chuẩn bị như thế nào?

Ông Hoàng Quốc Vinh: Vào đầu năm tới, 2 Vụ thể thao thành tích cao sẽ tiếp tục chuẩn bị triển khai một số giải pháp gồm chuẩn bị về nguồn lực các nhóm môn có khả năng tham dự vòng loại với hai nhóm chính là nhóm trọng điểm (Điền kinh, Bắn súng, Thể dục, Bơi, Cử tạ, Đấu kiếm, Đua thuyền, Cầu lông…) và các nhóm võ (Karate, Taekwondo, Judo, Boxing…).

(Bài Tết) Thể thao Việt Nam: Sự chuẩn bị kĩ càng cho các mục tiêu lớn trong 2 năm tiếp theo - Ảnh 2.

Trong năm 2020, Thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục chuẩn bị các nguồn lực VĐV cho mục tiêu lớn

Bên cạnh đó, đội ngũ HLV, bác sĩ, y tế hỗ trợ phục vụ các VĐV có khả năng tham dự vòng loại nêu trên cùng các địa điểm tập huấn tại các nước có điều kiện và trình độ tốt như Nhật Bản, Hungary, Hàn Quốc… cũng được lên kế hoạch chi tiết.

- Không chỉ Olympic Tokyo 2020, Thể thao Việt Nam cũng sẽ hướng đến một mục tiêu xa hơn là SEA Games 31, kỳ Đại hội mà Việt Nam sẽ là nước chủ nhà. Xin ông cung cấp thêm một số thông tin về kế hoạch chuẩn bị?

Ông Hoàng Quốc Vinh: Đối với mục tiêu xa hơn là SEA Games 31 tại Việt Nam, thông qua việc xác định các môn, nội dung thi mà khả năng Việt Nam có thế mạnh ở các môn thuộc nhóm 1,2 và 3 theo điều lệ SEA Games. Dự kiến Việt Nam sẽ tổ chức từ 36 đến 40 môn, trên cơ sở các nội dung tham dự đại hội có thể giành huy chương rà soát tuyển chọn VĐV tổ chức tập huấn các VĐV xuất sắc, HLV giỏi có kinh nghiệm và thuê chuyên gia nước ngoài có trình độ chuyên môn cao. Thành lập Hội đồng tuyển chọn. kiểm tra, đánh giá công tác huấn luyện các đội tuyển theo từng thời kỳ, giai đoạn tập huấn.

(Bài Tết) Thể thao Việt Nam: Sự chuẩn bị kĩ càng cho các mục tiêu lớn trong 2 năm tiếp theo - Ảnh 3.

Sẽ có hơn 2.000 VĐV được triệu tập trong năm tới đây

Theo kế hoạch, 2 Vụ sẽ triệu tập tập huấn khoảng 2962 VĐV, 531 HLV và 38 chuyên gia ở các đội tuyển trẻ và ĐTQG tại 5 điểm tập huấn gồm Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội; Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia TP. HCM; Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng; Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ và Đại học TDTT Bắc Ninh.

Việc tập huấn nước ngoài đã được 2 Vụ và các Bộ môn xây dựng, căn cứ vào các kế hoạch và được Tổng cục TDTT chỉ đạo tập trung tập huấn tại các nước có nền thể thao phát triển, có truyền thống và đảm bảo tốt các điều kiện cho các đội tuyển tập luyện, nâng cao thành tích.

Trong kế hoạch chuẩn bị cho SEA Games 31 tới đây, 2 Vụ cũng đã có những tính toán ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong huấn luyện và đào tạo nhằm nâng cao thành tích VĐV. Đầu tiên là trong lĩnh vực thành tích cao. Trên thế giới hiện nay có rát nhiều khoa học công nghệ thể thao. Trước mắt sẽ tập trung vào giải pháp công nghệ thông tin trong tuyển chọn và quản lý VĐV thành tích cao như phần mềm quản lý các cơ sở dữ liệu về VĐV như chiều cao, cân nặng, nhóm máu, quá trình tập luyện, lịch sử chấn thương… để giúp BHL nắm bắt tra cứu và có những điều chỉnh kịp thời.

Tiếp tới là khởi động lại và ứng dụng khoa học chuẩn đoán tuổi xương (tuổi sinh học) của VĐV, qua đó đánh giá được thời điểm dậy thi, chiều cao, cân nặng của VĐV thông qua độ phát triển của xương bàn tay. Tuy nhiên, công nghệ này cần có kinh phí để thực hiện việc chụp, chiếu và chuyên gia rất giỏi trong lĩnh vực chuẩn đoán qua xương bàn tay. Trước mắt, chúng ta có thể phối hợp với viện khoa học TDTT áp dụng cho các VĐV trẻ ở các môn cần về thể hình cao to.

Giải pháp cuối cùng là nâng cao hiệu quả về dinh dưỡng. Hiện nay, tại các Trung tâm, số lượng VĐV tập trung dài hạn là rất lớn. Ví như Trung tâm 1 có khoảng 1.000 người, một ngày sẽ có 3.000 suất ăn (Bữa sáng, bữa trưa và bữa chiều) và 90.000 suất ăn trong một tháng. Con số là rất lớn và để giải quyết vấn đề về việc số lượng, đồ ăn cho từng VĐV của các môn, khẩu phần, hàm lượng… sẽ cần phải phối hợp với các liên đoàn, hiệp hội, viện dinh dưỡng và các trung tâm để tìm các chuyên gia giỏi nhằm tăng cường về dinh dưỡng, nâng cao khả năng hấp thụ và chuyển hóa về năng lượng cho VĐV một cách hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Đăng Huy

NỔI BẬT TRANG CHỦ