Thông tin về việc sẽ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia với vai trò “hai trong một”, kết quả vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa để làm cơ sở xét tuyển vào đại học, cao đẳng đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, nhất là các học sinh, phụ huynh.
Thông tin về việc sẽ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia với vai trò “hai trong một”, kết quả vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa để làm cơ sở xét tuyển vào đại học, cao đẳng đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, nhất là các học sinh, phụ huynh.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bên lề cuộc họp báo sáng ngày 8/8, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bùi Văn Ga xung quanh vấn đề này.
Chỉ dùng bài thi tổng hợp
-Thưa Thứ trưởng, theo phương án 2 và 3 về cách thức tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, Bộ có dự kiến sử dụng bài thi tổng hợp nhiều môn. Thí sinh vẫn chưa hiểu rõ về bài thi tổng hợp, nhất là sự khác biệt của bài thi này với bài thi tích hợp?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Hiện có nhiều người nhầm lẫn là Bộ sẽ dùng bài thi tích hợp, khiến học sinh hoang mang. Tôi xin xác nhận chỉ là bài thi tổng hợp.
Bài thi tổng hợp là ghép các môn lại trong một bài thi. Trước đây, thay vì thi mỗi môn một buổi thi riêng thì bây giờ thi thành một buổi, thay vì thi ba tiếng một môn thì giờ thi mỗi môn một tiếng. Mục đích của việc tổ chức bài thi tổng hợp nhằm giảm bớt áp lực, căng thẳng cho học sinh.
Với bài thi tổng hợp, không yêu cầu học sinh và giáo viên phải thay đổi cách dạy, cách học hiện nay. Vì vậy, các em hãy yên tâm học tập như bình thường.
Bài thi tích hợp là tổng hợp kiến thức liên môn trong một đề thi. Chúng ta chưa áp dụng cách thi này. Việc triển khai bài thi tích hợp chỉ thực hiện khi nào Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình, sách giáo khoa mới có dạy và học theo chương trình tích hợp.
- Như vậy, kỳ thi sẽ có thay đổi khi Bộ triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, Thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Bộ đang xây dựng phương án thi ổn định lâu dài. Thời gian, phương thức, tính chất của kỳ thi là ổn định, chỉ thay đổi về mặt nội dung. Chẳng hạn, các môn học thay đổi thì môn thi thay đổi, triển khai dạy tích hợp thì sẽ thi tích hợp, không thi tổng hợp…
Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Công bố tiêu chí xét tuyển trước 6 tháng
- Bỏ “ba chung”cũng đồng nghĩa với việc tiêu chí tuyển sinh của các trường sẽ thay đổi, không còn ổn định theo khối thi như hơn chục năm qua. Điều thí sinh quan tâm nhất là các trường sẽ tuyển như thế nào để chủ động ôn tập. Bộ có quy định thời điểm công bố phương án tuyển sinh của các trường?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Kỳ thi tuyển sinh năm 2014 đã có 62 trường công bố phương án tuyển sinh riêng. Bộ đã yêu cầu các trường còn lại nhanh chóng xây dựng phương án tuyển sinh riêng và gửi về Bộ trước ngày 30/9.
Bộ cũng quy định các trường phải công bố phương án tuyển trước 6 tháng để thí sinh biết và chủ động trong việc định hướng ôn tập.
- Theo dự kiến, Bộ sẽ đảo ngược quy trình hiện nay, thay vì thí sinh phải đăng ký chọn trường trước khi thi thì tới đây, các em sẽ thi trước, biết kết quả thi rồi mới đăng ký chọn trường. Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về điều này?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga:Thay đổi này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Trước đây, các em phải đăng ký trường trước khi thi sẽ có nhiều rủi ro, nhiều em điểm cao vẫn trượt đại học.
Sắp tới, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp, các trường đại học, cao đẳng sẽ phải công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển để thí sinh có cơ sở cân nhắc, chọn trường phù hợp với năng lực, điểm thi của mình trước khi nộp hồ sơ.
- Khi không còn “ba chung”để xác định điểm sàn là ngưỡng tối thiểu xét tuyển, Bộ sẽ có quy định thế nào để đảm bảo chất lượng đầu vào, liệu có một ngưỡng từ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Không thể cứ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông là có thể vào học đại học, chắc chắn vẫn phải có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Trong đề án tuyển sinh riêng, các trường sẽ phải nêu rõ tiêu chí về ngưỡng này, chẳng hạn quy định 6 điểm cho bậc đại học, cao đẳng 5,5 điểm…
Đảm bảo kỳ thi nghiêm túc
- Điểm số của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhiều năm qua không tạo được niềm tin trong xã hội. Nhiều trường đại học cũng tỏ ra lo ngại khi áp dụng điểm số này để xét tuyển. Thứ trưởng có thể cho biết Bộ có giải pháp gì để đảm bảo kết quả thi là đáng tin cậy?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Kỳ thi này có ý nghĩa rất lớn vì nó không chỉ để công nhận tốt nghiệp mà còn là dữ liệu cho các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh. Một trong các yếu tốt quan trọng nhất là đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng để các trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả xét tuyển. Đây cũng là điều các trường đại học, cao đẳng nói riêng và dư luận xã hội nói chung quan tâm nhất. Nếu chúng ta không làm thành công, các trường lại phải tổ chức thi riêng sẽ rất tốn kém.
Hiện Bộ có đề ra các giải pháp như tổ chức thi theo cụm thi ở tỉnh, chấm thi theo cụm vùng liên tỉnh, mời các giáo viên đại học cùng coi thi, chấm thi… Nói chung, những kinh nghiệm đã thực hiện tốt trong kỳ thi ba chung sẽ áp dụng với kỳ thi tốt nghiệp quốc gia sắp tới.
Chúng tôi cũng sẽ lấy thêm ý kiến các trường đại học và lắng nghe ý kiến đóng góp của dư luận đề có thể tổ chức kỳ thi đảm bảo nghiêm túc, trung thực.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.
Phạm Mai
(Nguồn: Vietnam+)