• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thơ Haiku - loài hoa mới lạ được ươm trồng

25/03/2008 11:08

Từ sau cuộc thi thơ Haiku do lãnh sự quán Nhật Bản cùng báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức, phong trào làm thơ Haiku mới bắt đầu phát triển ở Việt Nam. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với GS Lưu Đức Trung - nguyên cán bộ giảng dạy văn học nước ngoài, Trường ĐHSP Hà Nội, hiện đang là Chủ nhiệm CLB Thơ Haiku TP.HCM.

Từ sau cuộc thi thơ Haiku do lãnh sự quán Nhật Bản cùng báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức, phong trào làm thơ Haiku mới bắt đầu phát triển ở Việt Nam. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với GS Lưu Đức Trung - nguyên cán bộ giảng dạy văn học nước ngoài, Trường ĐHSP Hà Nội, hiện đang là Chủ nhiệm CLB Thơ Haiku TP.HCM.

Và sự phát triển ấy trên thực tế diễn ra như thế nào, thưa ông?

Cuộc thi thơ đó như một động lực thúc đẩy phong trào làm thơ Haiku ở Việt Nam phát triển. Câu lạc bộ thơ Haiku TP.HCM được thành lập trước đó vài ba tháng, chỉ có bảy tám người, nhưng sau cuộc thi số thành viên xin gia nhập đã lên đến hàng chục. Trước đây nhiều người lặng lẽ âm thầm làm thơ theo hiểu biết của mình, nhưng giờ đây họ đã có nơi giao lưu, trao đổi, học hỏi lẫn nhau để sáng tác. Họ cùng nhau góp sức truyền bá một thể thơ khá độc đáo của Nhật Bản, mong muốn nó được thông dụng như thể thơ Đường luật, tứ tuyệt Trung Quốc vậy. Tôi được biết hiện nay đã có một số tập thơ Haiku đã xuất bản Tuyển tập thơ Haiku của 21 thành viên.

Tôi kể vài nét như vậy để nói rằng Haiku - một loài hoa mới lạ đã được ươm trồng từ lâu ở Việt Nam nay đang trên đà phát triển, nó đã tô điểm cho vườn hoa thơ ca Việt Nam thêm hương sắc.

Trong chữ Nhật, một bài thơ Haiku rất ít số lượng âm tiết - thể hiện độ nén ngôn ngữ và chiều sâu nghệ thuật - khi dịch sang tiếng nước ngoài liệu có giảm đi vẻ đẹp của thơ Haiku nguyên gốc?

Thơ Haiku cực ngắn chỉ có 17 âm tiết, vẫn sắp xếp ba dòng ngắn. Khi dịch ra tiếng Việt hay tiếng nước nào khác, người ta vẫn tuân thủ cách xắp sếp đó, nhưng thường không được quá 17 từ, càng kiệm lời, hàm súc, cô đọng, càng tốt. Tuy ba câu ngắn ngủi nhưng cần có chất thơ, hồn thơ. Đó là vẻ đẹp của thơ Haiku.

Chúng ta đã có thơ Thiền Việt Nam, thêm việc lĩnh hội rộng và sâu thơ Đường Trung Quốc. Hai dòng thơ này chưa đủ những yếu tố trên hay sao mà cần thêm thơ Haiku của Nhật?

Mỗi loại thơ có đặc trưng riêng của nó, thơ Haiku gặp thơ tứ tuyệt, Đường luật ở các yếu tố trên, nhưng thơ Haiku khác ở điểm cực ngắn, thơ không tuân thủ theo âm luật, chủ yếu gợi cảm, không tả... Thơ Haiku làm ra không phải ngâm nga mà để suy ngẫm. Đó là một vài nét khác biệt với thơ tứ tuyệt. Tuy chúng ta đã có thơ Thiền Việt Nam, đã có thơ Đường luật, tứ tuyệt mang chất Thiền, nhưng mỗi loại thơ của mỗi dân tộc mang bản chất Thiền khác nhau, cho nên tiếp nhận thơ Haiku âu cũng là một cơ hội hiểu sâu thêm tâm hồn người Nhật và bản sắc văn hóa Nhật; cho nên theo tôi vẫn cần thiết.

Xin cảm ơn ông!

(Thể thao và Văn hoá)

NỔI BẬT TRANG CHỦ