• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thơ Nguyễn Linh Khiếu và khát vọng phồn sinh

12/11/2014 15:12

Cả chương 9 của trường ca Phồn sinh chỉ duy nhất có một dấu chấm ở cuối chương, đủ biết nguồn mạch thơ phồn sinh trong ông dạt dào tuôn chảy đến nhường nào. Dù cho điều ấy là vô tình hay cố ý thì cũng đã ít nhiều tạo nên một dấu ấn riêng trong phong cách thơ của Nguyễn Linh Khiếu, mà không phải ai cũng có được.

 

(Toquoc)- Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, sinh năm 1959 tại Thái Bình. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Giải thưởng thơ báo Văn nghệ (1995) và Tạp chí Văn nghệ quân đội (2010). Các tập thơ đã xuất bản: Chùm thơ tiên cảm (1991), Mùa thiêng (1995), Hoa linh (2000), Dọc sông Hồng (in chung, 2002); và các tập thơ, tản văn chuẩn bị xuất bản: Sa hồng, Mùa yêu, Lá phong vàng, Hoa đào nở trước sânLễ hồi sinh và đặc biệt là đại trường ca Phồn sinh có độ dài hàng ngàn câu thơ, 130 ngàn chữ tương đương với khoảng trên 700 trang in khổ 15x23cm. Nguyễn Linh Khiếu là PGS.TS Triết học, sống và viết tại Hà Nội.

1.

Nguyễn Linh Khiếu xuất hiện cùng thời với các nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Chiến, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Bình Phương... Các tập Chùm thơ tiên cảm (1991), Mùa thiêng (1995) và Hoa linh (2000) đã minh chứng cho điều đó.

Cũng giống như các nhà thơ thuộc khuynh hướng này, người đọc trước hết cần phải có một cảm quan thẩm mỹ khác, không giống như khi đọc thơ truyền thống hay thơ cách tân trên cơ sở truyền thống khi tiếp cận trực tiếp với văn bản thơ.

Dẫu rằng thể loại hay khuynh hướng thơ nào cũng đều là nghệ thuật ngôn từ, nhưng với mỗi trào lưu, khuynh hướng và từng cá nhân nhà thơ đều có cách riêng của mình trong việc khám phá thế giới vô cùng tận và chuyển tải cách nhìn về nó bằng các hệ hình thẩm mỹ khác nhau, thông qua hệ thống hình tượng, ngôn ngữ, giọng điệu, cách tổ chức câu thơ, cách đặt tên từng bài, tập thơ với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh và độc đáo. Thậm chí cả cách ngắt câu, xuống dòng, dùng các dấu chấm (.), dấu phẩy (,), dấu chấm phẩy (;), dấu hỏi (?), dấu cảm (!), dấu ba chấm (...), việc sử dụng từ láy, từ ghép, từ điệp, cách phân chia khúc thức, trường đoạn, chương hồi... của Nguyễn Linh Khiếu cũng chẳng giống ai.

Tuy nhiên, ở Nguyễn Linh Khiếu có sự độc đáo riêng mà người khác không có. Quán xuyến hầu khắp các tập thơ của ông là một khát vọng phồn sinh róng riết và thâm hậu. Đến mức, dường như nhu cầu phồn sinh thường trực trong ông cũng sục sôi không kém nhu cầu tồn tại về khía cạnh bản thể. Trong tư cách là nhà thơ cách tân, với Nguyễn Linh Khiếu, tồn tại bản thể cũng đồng nghĩa với tồn tại phồn sinh. Sẽ chẳng bao giờ có tồn tại bản thể nếu như bản thể ấy không đích thực phồn sinh, tức là tồn tại trong tư cách vận động và phát triển, chứ không phải tồn tại trong tư thế đứng im, chết cứng.

Trong chương 127 và 128, của trường ca Phồn sinh, nhà thơ dùng khá nhiều tính từ biểu đạt sự sinh sôi, nảy nở, hiển lộ rõ sức phồn sinh của cỏ cây, đất trời, vạn vật và cả con người nữa, như: non nớt, lấm tấm, phơn phớt, tinh tơm, mảnh mai, mềm mỏng, mơn mởn, long lanh, bổi hổi bồi hồi, miên man, díu dan, mỏng mảnh, buâng khuâng, thập thò, hoang hoải, mỡ màu, chan chứa, nồng nàn, mộc mạc, nâu non, tràn trề, lênh láng, hân hoan, dào dạt, rì rào, li ti, tin hin, nương vương, dung dăng dung giẻ, thích thú, nắc nẻ, hít hà sừng sững, rung rinh, ngất ngây... 

Đặc biệt các tính từ láy đôi như: sột soạt, nây nẩy, nồng nàn, hổn hến, mỡ màng... rất giàu thanh âm và sắc màu phồn sinh, thật sự ám ảnh người đọc, đã được ông triệt để khai thác và dùng đi dùng lại nhiều lần ở hầu hết các bài thơ và trường ca, trong đó có đại trường ca Phồn sinh.

Thế giới tự nhiên, trong đó bao gồm cả con người trong suy tư nghệ thuật của Nguyễn Linh Khiếu, là một thế giới luôn chuyển động và phát triển không ngừng nghỉ. Nhưng mọi sự phồn sinh chỉ có thể diễn ra từ căn cốt của sự tồn tại bản thể phồn thực như ăn, uống, hít thở, cựa quậy và quan hệ tính giao, như là phương cách duy nhất để duy trì sự sống và phát triển giống nòi:

những sớm mai trên bờ bãi sông Hồng

chập chờn trong sương tiếng sột soạt ngô dậy thì thẹn thùng thay xiêm áo

nây nẩy những bắp non tươi ẩn hiện

mùa nước sinh đang hổn hển trở về. (Linh hương Hà Nội)

2.

Đông Đô- Thăng Long- Hà Nội ngàn năm văn hiến luôn là mảnh đất màu mỡ cho các sáng tạo văn chương- nghệ thuật từ bao đời nay. Hồ dễ đã từng có tới hàng ngàn bài thơ về Hà Nội. Nhưng nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu là một trong số những người hiếm hoi đã có hẳn một mảng thơ về Hà Nội khá bề thế. Ngoài các bài thơ lẻ và các trường đoạn, khúc thức, chương trong đại trường ca Phồn sinh, ông còn có hai trường ca dành riêng viết về Hà Nội là Lá non mùa Hà Nội và Linh hương Hà Nội. Ở đây, nhà thơ đã xuất thần vẽ nên một bức tranh khá đặc sắc về Hà Nội theo cách riêng của mình, khiến bất kỳ ai đọc lên cũng cảm thấy đích thị đấy là Hà Nội đầy đặn và hấp dẫn không thể nào trộn lẫn với bất cứ một địa danh nào khác.

Ấy là khi tiết Đông dần vợi đi nhường chỗ cho tiết Xuân đang lấp ló đâu đây trên những cành lộc biếc: ... mùa lá non bắt đầu khi những hạt mưa lập xuân chuyếnh choáng trên phố phường nghiêm trang cổ kính/ khi những ngọn xuân mơn mởn miên man ô cửa mỗi ngôi nhà/ khi những cánh đào Nhật Tân xốn xang long lanh ánh mắt/ thành phố bảng lãng sương mai dịu dàng hơi xuân yểu điệu bâng khuâng mùi hương da diết/ .../ thành phố lá non ngân nga chuông chùa Trấn Quốc/ mịt mờ âm dương phủ Tây Hồ linh sương lành lạnh/ văn bia tỏ mờ nguyên linh lay động/ những ban mai nắng sớm lảo đảo bút nghiên/ mỗi hoàng hôn dóng dả chuông chùa Hàm Long da diết/ réo rắt Đồng Xuân lanh chanh xẩm xờ phố thị/ bì bõm lặn lội Tễu hoan hỉ le te ao bèo rối nước/ tiếng ra đêm cửa ga ời ợi diệu vợi khê nồng/ trà nóng vỉa hè chén hoa hồng nồng nàn ngạt ngào hương hôi hổi/ thành phố uy nghi ngàn tuổi hồn nhiên tò he xanh đỏ tím vàng/ thành phố trẻ thơ non dại ngày lộc biếc lá non/ xao xuyến mặt hồ những vòm cây lòa xòa lung linh bóng nước/ lung linh bóng ta bóng nàng... (Lá non mùa Hà Nội)

Hà Nội trong ông là: 

thành phố bên sông gương mặt ai cũng lấp lánh sông Hồng

sa hồng dịu dàng

sa hồng tươi non

sa hồng mỡ màu

sa hồng rười rượi

em quý phái em đài các em xa hoa em yểu điệu em kiều diễm em lộng lẫy em khoan thai em nồng nàn em khoan dung em nhân hậu... (Lá non mùa Hà Nội)

và:

lá non là thông điệp phồn sinh trên đất đai màu mỡ mùa màng cấy cày vun trồng chăm bón gặt hái châu thổ lúa nước của chúng mình... (Lá non mùa Hà Nội)

Rõ ràng nếu không có một sự quan sát tinh tế, một sự cảm nhận sâu sắc và trên hết là một tình yêu Hà Nội từ thẳm sâu trong trái tim thi sĩ, thì sẽ chẳng bao giờ có thể vẽ nên được một Hà Nội tràn đầy phồn sinh đến như thế. Dù Hà Nội trong tâm khảm của Nguyễn Linh Khiếu vẫn là một thực thể hoàn toàn khác, khó có thể khỏa lấp được. Bởi, hằng đêm ông thường thức dậy lúc ba giờ sáng để kịp nhận ra chính mình, một thi sĩ nhà quê lên tỉnh:

trong ngôi nhà thân yêu chỉ một mình ta là người ngụ cư là người nợ nần máu huyết khăng khít với một vùng quê khác (Linh hương Hà Nội)

3.

Để có thể có được một thủ pháp nghệ thuật tương thích với khát vọng phồn sinh, Nguyễn Linh Khiếu đã sử dụng nhiều từ láy đôi, láy ba và có khi láy bốn, thậm chí có những đơn vị câu thơ của ông trừ hai từ mào đầu là Hà Nội còn lại là các từ láy đôi: Hà Nội ngõ ngách nhóc nhách thăm thẳm âm u (Linh hương Hà Nội)

Trong chương 127 của đại trường ca Phồn sinh gồm 62 đơn vị câu thơ, Nguyễn Linh Khiếu đã sử dụng tới 88 từ láy. Bình quân mỗi đơn vị câu thơ ông sử dụng tới trên 1,4 từ láy. Còn từ chương 1- 9, trường ca Linh hương Hà Nội gồm 192 đơn vị câu thơ, ông cũng đã sử dụng tới 193 từ láy, Tuy nhiên trong số các từ láy nói trên, có từ được lặp đi lặp lại nhiều lần, nhưng nhìn chung là các từ láy mới. Thậm chí có những đơn vị câu thơ một từ láy được lặp lại tới 4 lần: Hà Nội trà nóng nghi ngút vỉa hè nghi ngút ngõ nhỏ sườn đê nghi ngút cầu thang nghi ngút sân trường

Việc sử dụng nhiều từ láy trong một đơn vị câu thơ, bài thơ, trường ca hiển lộ sự chủ tâm của tác giả muốn nhấn mạnh một đặc tính nào đấy của cảnh vật, miền đất, con người... ngõ hầu gây ấn tượng cho người đọc. Tuy nhiên bản thân từ láy luôn là con dao hai lưỡi, nếu không được chọn lọc kỹ và đặt đúng vị trí đắc địa của nó, có khi lại phản tác dụng, làm phá vỡ cấu trúc đơn vị câu thơ, bài thơ hay trường ca, dễ gây cho người đọc sự nhàm chán, phản cảm không cần thiết, thậm chí có thể gây nên sự hiểu lầm rằng nhà thơ vì nghèo vốn từ vựng nên phải dùng nhiều từ láy đến như thế.

Thông thường, thơ truyền thống và kể cả thơ Mới rất ít khi sử dụng từ láy. Về khía cạnh từ loại, từ láy là tính từ hai, ba hay bốn âm tiết, mà giới nghiên cứu ngôn ngữ thường gọi là từ láy đôi, láy ba hay láy bốn, trong đấy có những âm tiết chỉ là hư từ, tức là không biểu đạt một nghĩa riêng biệt, độc lập, mà chỉ làm mềm hóa hay bổ sung nghĩa cho những từ đi cùng. Chẳng hạn như các từ láy: ngõ ngách thì từ ngõ có nghĩa độc lập, còn từ ngách là nghĩa thu hẹp của từ ngõ trong từ láy đôi này, mặc dù thực tế, từ ngách vẫn có nghĩa độc lập khi nó đứng riêng. Còn trong các trường hợp như thăm thẳm chỉ có từ thẳm là có nghĩa biểu hiện độ sâu của một hiện tượng tự nhiên, tình cảm nào đấy của con người, chẳng hạn như khi muốn chỉ một con vực rất sâu người ta thường nói vực sâu thăm thẳm, hay sắc của bầu trời rất xanh ta thường nói trời xanh thăm thẳm, tuy nhiên từ thăm ở đây chỉ là hư từ, không mang một ý nghĩa tự thân nào cả. 

Trở lại với thơ Nguyễn Linh Khiếu, hầu hết các từ láy của ông đều được chọn lọc kỹ, đặt đúng chỗ nên đã phát huy được tác dụng, gây ấn tượng cho người đọc.

mỗi sáng mai trên bờ bãi sông Hồng

chập chờn trong sương tiếng sột soạt ngô dậy thì thẹn thùng thay xiêm áo

nây nẩy những bắt non tươi ẩn hiện

mùa nước sinh đang hổn hển trở về. (Linh hương Hà Nội)

... phù sa non đầm đìa đam mê

lộng lẫy như đàn trâu cái vào mùa động đực (Phù sa sông Hồng)

 Ngoài việc sử dụng nhiều từ láy ra, Nguyễn Linh Khiếu là người chịu khó sử dụng điệp ngữ. Thực chất điệp ngữ không có nhiều ý nghĩa về mặt từ vựng, mà chỉ có ý nghĩa về khía cạnh tu từ. Việc lặp đi lặp lại một cụm từ nào đấy cho thấy sự dan díu, ám ảnh không thể vượt thoát khỏi một vùng đất, một hiện tượng nào đấy của tự nhiên, xã hội và của con người của chủ thể sáng tạo trong những giây phút mặc khải:

nghi ngút sông Hồng cồn cào màu mỡ sinh sôi

nghi ngút hồ Gươm linh thiêng gươm báu

nghi ngút Tây Hồ thanh thoát sâm cầm

nghi ngút Bảy Mẫu xôn xao rực rỡ hồn cây

nghi ngút Trúc Bạch bóng Cẩu Nhi khói hương vương vấn

nghi ngút sông Tô ca dao tục ngữ

nghi ngút sông Sét bầy rô đồng vinh danh

nghi ngút sông Nhuệ đền đài thờ cúng

nghi ngút vô vàn những sông ngòi hồ ao to nhỏ như những nồi rượu hôi hổi

nghi ngút vô vàn những hổ hển phả lên khung trời thành phố một làn sương

cao thượng tinh khiết huyền ảo một làn sương nồng nàn màu nhiệm... (Linh hương Hà Nội)

Đặc biệt, ở chương 9 của trường ca Linh hương Hà Nội chỉ có 23 đơn vị câu thơ mà tác giả đã sử dụng tới 23 điệp ngữ, chỉ trừ câu mở đầu:

dọc triền đê cỏ ướt ta và nàng như hai chú nghé con trong suốt cao quý linh thiêng lặng lẽ ngắm nhìn Hà Nội bồng bềnh đắm đuối trong sương

Hà Nội phố

Hà Nội hồ

Hà Nội hoa

Hà Nội thiếu nữ

Hà Nội đài các và dân dã

Hà Nội trần tục và thánh thần

...

Hà Nội chợ chen chúc đứng ngồi bán mua mặc cả

hàng rong lam lũ gành gồng khuya khoắt sớm hôm

Hà Nội phố cổ chất chồng hàng hóa con người đứng ngồi nghẹt thở

Hà Nội chung cư văn minh lịch sự cơi nới tít mù

Hà Nội làng phố phường ngoắt ngéo

Hà Nội ngõ nghách nhóc nhách thăm thẳm âm u

...

Hà Nội trà nóng nghi ngút vỉa hè nghi ngút ngõ nhỏ sườn đê nghi ngút cầu thang nghi ngút sân trường

Hà Nội bánh cốm mứt sen kẹo lạc kẹo vừng thơm lừng quán nước

Hà Nội sủi cảo văn thắn gà tần sằng sặc thuốc bắc

Hà Nội bún riêu bún ốc tí tô rau diếp hăng nồng

Hà Nội nức nở phở gà phở bò bún vịt bún ngan

Hà Nội hăng vôi bánh khúc xanh những cánh đồng hương nếp

Hà Nội bánh cuốn Thanh Trì cà cuống chấp chới bay rợp tâm can

Hà Nội cốm Vòng hơi thu se sẽ

Hà Nội ngô nướng buổi tối đầu đông và nàng dọc phố Bạch Mai nóng bỏng

Hà Nội những tối nàng đi học muộn ta đứng chờ dưới cây muỗn già cây muỗn hàng trăm tuổi vẫn lộng lẫy ngạt ngào hào hoa đài các hương sắc kinh đô

Hà Nội mắt em nhìn ta ngày ấy ba mươi năm vẫn thăm thẳm bùa mê.

Với thủ pháp nghệ thuật sử dụng hai điệp ngữ nghi ngút và Hà Nội, Nguyễn Linh Khiếu đã vẽ ra trước mắt người đọc một bức tranh vừa cụ thể đến từng chi tiết, vừa có sức khái quát cao về một Hà Nội xưa và nay. Dù chưa phải là tất cả, nhưng với những ai đã từng sống ở Hà Nội và thậm chí chưa một lần đặt chân lên mảnh đất này cũng đủ để hình dung ra một Hà Nội thực thể và phồn sinh biết nhường nào.

Cả chương 9 của trường ca này chỉ duy nhất có một dấu chấm ở cuối chương, đủ biết nguồn mạch thơ phồn sinh trong ông dạt dào tuôn chảy đến nhường nào. Dù cho điều ấy là vô tình hay cố ý thì cũng đã ít nhiều tạo nên một dấu ấn riêng trong phong cách thơ của Nguyễn Linh Khiếu, mà không phải ai cũng có được./.

Đỗ Ngọc Yên

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ