• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thỏa thuận giữa Oracle với TikTok: Tiếp cận mới của Trung Quốc giữa nghi ngờ từ Mỹ

Thế giới 18/09/2020 16:28

(Tổ Quốc) - ByteDance – công ty sở hữu ứng dụng chia sẻ video TikTok bày tỏ tự tin thành công trong thỏa thuận với Oracle.

Theo tờ Bloomberg, Oracle đã chính thức trở thành nhà cung cấp công nghệ cho ứng dụng chia sẻ video Tik Tok. Trong thỏa thuận, Oracle sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng đám mây để Tik Tok sử dụng cho việc tổ chức và lưu trữ dữ liệu ở Mỹ.

Thỏa thuận giữa Oracle với TikTok: Tiếp cận mới của Trung Quốc giữa nghi ngờ từ Mỹ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Bloomberg

ByteDance đã đạt được thỏa thuận với Oracle nhưng sau đó đã phải thực hiện các sửa đổi do Bộ Tài chính Mỹ yêu cầu nhằm giải quyết các lo ngại về an ninh quốc gia của Mỹ, tờ Bloomberg đưa tin hôm thứ Năm.

Theo tờ báo, Oracle tiếp quản dịch vụ lưu trữ của TikTok tại Mỹ nhưng chỉ có thể giải quyết một phần nhỏ của vấn đề. Cho dù Trung Quốc sẽ không thể trực tiếp lấy dữ liệu người dùng nhưng trước đó, các hoạt động của TikTok tại Mỹ cũng được lưu trữ trong các trung tâm dữ liệu đặt tại nước này.

Tổng thống Donald Trump trong thời gian dài từng tuyên bố sẽ ban hành lệnh cấm sử dụng ứng dụng chia sẻ video vì lý do an ninh quốc gia và khẳng định không hề muốn công ty mẹ của Trung Quốc là ByteDance nắm quyền kiểm soát đa số.

Hiện vẫn chưa rõ ràng liệu ông chủ của ByteDance - Zhang Yiming có thể từ bỏ một phần quyền sở hữu ứng dụng từng là đối thủ cạnh tranh với Google và Facebook hay không. Tuy nhiên, lập trường của chính phủ Trung Quốc đã cho phép ByteDance có quyền đưa ra các lựa chọn miễn là vẫn tiếp tục duy trì chặt chẽ về công nghệ dịch vụ.

Theo đề xuất hiện có, Oracle có quyền xem xét phần mềm hoặc mã nguồn bên dưới ứng dụng TikTok nhưng ByteDance vẫn duy trì quyền sở hữu. Bộ phận công nghệ có thể tiếp tục duy trì ngay cả khi các nhà đầu tư Mỹ chấm dứt quyền kiểm soát vốn chủ sở hữu của TikTok.

Trong thỏa thuận, cả Oracle và ByteDance đều chấp thuận điều kiện của Bộ Tài chính Mỹ, trong đó vai trò mới của TikTok phải bao gồm thành phần ban giám đốc là công dân Mỹ và thành lập một ủy ban an ninh quốc gia.

"Các giám đốc điều hành của ByteDance cũng đã tham gia thảo luận với người đồng sáng lập Instagram Kevin Systrom về vai trò tiềm năng trong tổ chức mới. Điều đó cho thấy các thảo luận đã có tiến triển", một nguồn tin liên quan đến cuộc thảo luận này cho biết.

Các đại diện của ByteDance từ chối đưa ra bình luận.

Trong một tuyên bố mới nhất với truyền thông Trung Quốc, ByteDance nói rằng thỏa thuận cuối cùng vẫn cần phải có sự chấp thuận của các cơ quan quản lý Trung Quốc và Mỹ.

TikTok liên tục được biết đến là mục tiêu hàng đầu của Mỹ nhằm gây áp lực với Trung Quốc trong thời gian qua. Hiện tại, Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden vẫn tiếp tục trong cuộc chạy đua vận động tranh cử nhằm có được lá phiếu của đại cử tri và vấn đề về TikTok liên tục được các đại cử tri quan tâm trong các bài diễn thuyết của hai ứng viên nặng ký. Cả hai ứng viên chạy đua chiếc ghế Tổng thống Mỹ đều bày tỏ lập trường cứng rắn với Bắc Kinh – được xem là điểm thu hút đại cử tri tại các bang. Mặc dù thực tế rằng các nhà đầu tư Mỹ nắm giữ khoảng 40% vốn chủ sở hữu của ByteDance nhưng phần còn lại thuộc sở hữu của ông Zhang Yiming-nhà sáng lập kiêm CEO ByteDance – công ty sở hữu ứng dụng chia sẻ video TikTok, các nhân viên của ByteDance và một số các nhà đầu tư ngoài Mỹ như SoftBank Group, một nguồn tin quen thuộc cho biết.

Ở khía cạnh khác, có nhiều tín hiệu cho thấy Bắc Kinh đang hậu thuẫn cho nhiều công ty internet lớn trên thế giới. Gần đây, ByteDance cũng đã mua lại một công ty có giấy phép thanh toán kỹ thuật số quốc gia – lĩnh vực cạnh tranh mà Bắc Kinh luôn muốn kiểm soát chặt chẽ.

Bất chấp các điều khoản sửa đổi của thỏa thuận giữa TikTok với Oracle, các quan chức chính quyền Tổng thống Trump vẫn tỏ cảnh giác với đề xuất này và mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc mang lại cho công ty. Nếu Tổng thống Trump lên tiếng thì ByteDance và Oracle có thể phải điều chỉnh thỏa thuận.

Trong đề xuất mở đầu đối với chính quyền Tổng thống Trump, ByteDance và Oracle đã vạch ra các kế hoạch thành lập một công ty độc lập cho TikTok. Oracle và các nhà đầu tư Mỹ khác, bao gồm Sequoia Capital, General Atlantic và Coatue Management sẽ là cổ đông thiểu số trong lĩnh vực kinh doanh mới. Công ty mới sẽ được thành lập ở Mỹ và sau đó thuê 25.000 nhân lực Mỹ làm ở các vị trí việc làm từ kiểm duyệt nội dung và kỹ thuật cho đến sản phẩm và tiếp thị. Tuy nhiên, quan trọng hơn, ByteDance sẽ không bán hay chuyển nhượng công nghệ độc quyền của công ty cho Oracle. Một công ty mới thành lập sẽ không thể tạo lại các thuật toán mà ByteDance đã xây dựng trong nhiều năm qua.

Thay thế vào đó, gã khổng lồ phần mềm Mỹ sẽ có thể kiểm tra tất cả các mã nguồn và đảm bảo không hề có bất kỳ cửa sau nào cho phép ByteDance thu thập dữ liệu về người dùng thông qua ứng dụng chia sẻ video, nguồn tin quen thuộc về vấn đề này cho biết.

Cũng theo nguồn tin, nhà sản xuất phần mềm lớn thứ hai thế giới có thể tiến hành xem xét mã khi cập nhật vào nhằm đảm bảo ByteDance không tạo ra các điểm truy cập mới vào dữ liệu. Việc Oracle sẽ không được động vào mã nguồn và thuật toán của TikTok sẽ khó có thể ngăn chặn ByteDance nếu họ có ý định đưa vào những tính năng theo dõi người dùng khác nếu muốn. Rõ ràng, Oracle cũng không thể kiểm duyệt nội dung của TikTok.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ