• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay lọc công nghệ?

Kinh tế 05/12/2023 17:06

(Tổ Quốc) - Đây là nội dung được nhiều đại biểu tập trung thảo luận tại Hội thảo “Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải” do Báo Thanh Niên tổ chức sáng (5.12) nhằm đảm bảo hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế gắn với bền vững về môi trường.

Hội thảo có sự tham gia của ông Đỗ Văn Sử - Phó cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT); ông Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên; ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng ban Ban quản lý các KCN-KCX TP.HCM cùng nhiều đại biểu là đại diện các cơ quan ban, ngành, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thu hút đầu tư xanh: Lọc nghành hay lọc công nghệ? - Ảnh 1.

Hội thảo đã kết nối, tạo điều kiện để cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo địa phương, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp (DN) cùng trao đổi về định hướng cho hành trình tăng trưởng xanh.

"Lọc ngành" rào cản trong thu hút đầu tư

Theo Tổng biên tập Báo Thanh niên Nguyễn Ngọc Toàn, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn... là vấn đề được quan tâm nhiều nhất hiện nay. Đặc biệt, trong bức tranh tổng thể toàn cầu hướng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính; tiếp tục thúc đẩy việc giảm mạnh phát thải khí nhà kính và đưa phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ, thông qua xây dựng các tiêu chuẩn, biện pháp giảm phát thải mang tính khả thi.

Tuy nhiên, từ thực tiễn do áp lực về chuyển đổi xanh trong khi thiếu dữ liệu cần thiết để đánh giá các yếu tố liên quan giữa kinh tế và môi trường khiến nhiều địa phương trong thu hút đầu tư lại nghiêng về "lọc ngành" thay vì xem xét các tiêu chí phát thải có đáp ứng yêu cầu hay không. Điều này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp, khu công nghiệp trong thu hút nhà đầu tư.

Thu hút đầu tư xanh: Lọc nghành hay lọc công nghệ? - Ảnh 2.

Tổng biên tập Báo Thanh Niên - Nguyễn Ngọc Toàn phát biểu dẫn đề hội thảo.

"Việc chọn lát cắt "lọc ngành hay giảm phát thải" xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài gặp khó khăn khi làm thủ tục đầu tư vào Việt Nam do lãnh đạo một số địa phương có tâm lý nghe thấy ngành nào 'có vẻ ô nhiễm' là không mặn mà, thậm chí gạt luôn đi", ông Nguyễn Ngọc Toàn chia sẻ.

Vậy phải ứng xử với các dự án trong các ngành này thế nào? Liệu có tiếp tục thu hút đầu tư vào công nghiệp bán dẫn nữa hay không? Bởi theo nghiên cứu, hầu hết các ngành chủ lực của chúng ta như dệt may, nông nghiệp, vận chuyển, sản xuất và xây dựng... đều là những ngành công nghiệp gây ô nhiễm hàng đầu. Nếu chúng ta vẫn phải mặc quần áo hàng ngày, thay quần áo thường xuyên... thì việc từ chối dệt may, nhuộm vì ô nhiễm liệu có đúng không? - Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Toàn đặt vấn đề.

Cùng quan điểm, Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi - chủ đầu tư Khu công nghiệp (KCN) chuyên sâu Phú Mỹ 3 cho rằng, các cơ quan quản lý phải định nghĩa lại phát triển xanh. Không thể chỉ nghe thấy doanh nghiệp sản xuất vật liệu cơ bản, hóa chất cơ bản là "auto" xếp vào ngành ô nhiễm. Muốn đăng ký đầu tư họ sẽ phải trình xin chủ trương, chứng minh rất nhiều yếu tố. Chính những rào cản như vậy vô hình trung làm giảm cạnh tranh trong thu hút đầu tư vốn đầu tư nước ngoài.

Thu hút đầu tư xanh: Lọc nghành hay lọc công nghệ? - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ chia sẻ tại hội thảo.

Chuyển đổi công nghệ cao để tiến tới tăng trưởng xanh

Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi nhìn nhận, khi đã xác định tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thì tất cả các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới đều hướng tới đáp ứng 17 tiêu chí mà Liên Hiệp Quốc đã đưa ra. Trong đó, phải đáp ứng các yếu tố: kiểm soát, giảm thải khí thải; sản xuất không gây ô nhiễm môi trường; tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; có trách nhiệm với xã hội, với người lao động và quản trị minh bạch...

Ngay từ đầu, nếu đặt mục tiêu tiếp cận các tiêu chí trên thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ đầu tư công nghệ máy móc hiện đại để kiểm soát khí thải. Đơn cử, nếu sử dụng than làm nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thì phát thải khí CO2 sẽ ở mức lớn nhất, trong khi sử dụng khí thì lượng CO2 phát thải giảm còn khoảng 50 - 60%. Công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường về nước thải, khí thải cũng phải đạt tiêu chuẩn A. Lúc đó, ngành nào không còn quan trọng.

Dẫn chứng vấn đề trên, bà Nhi cho biết có rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới sản xuất pin cho ô tô điện - phương tiện giao thông xanh phải dùng nguyên liệu đầu vào từ quặng. Tuy nhiên, họ đã bỏ ra số tiền rất lớn để đầu tư công nghệ cao với quy trình chặt chẽ, không hề có phát thải.

Bên cạnh đó, những ngành vật liệu cơ bản, hóa chất cơ bản là ngành xương sống của công nghiệp, thượng nguồn các chuỗi cung ứng. Nếu đứt gãy thì hạ nguồn cũng sẽ không sản xuất được. Phải làm chủ được ngành thượng nguồn thì mới giảm được tỷ lệ nội địa hóa, tăng năng lực sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh, mới ra được giá thành cạnh tranh, từ đó mới thu hút đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi nhận định: Câu chuyện kiểm soát phát triển xanh phải là sự phối hợp của 3 đơn vị: Nhà quản lý, các nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN và nhà đầu tư sản xuất trong KCN. Từ lợi thế địa phương, cơ quan quản lý xác định phát triển ngành nghề gì, kêu gọi ngành nghề gì từ đó đặt ra mục tiêu giảm phát thải. Nhà đầu tư phát triển KCN là cánh tay nối dài của nhà nước, đưa những quy chế để yêu cầu các nhà đầu tư vào sản xuất trong KCN tuân thủ, cùng thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.

"Dù được thành lập từ cách đây 10 năm nhưng KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã luôn chú trọng đầu tư công nghệ để đáp ứng hết tất cả tiêu chí khu đô thị sinh thái, khu công nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn... Chúng tôi không sử dụng than làm nguyên liệu đốt, tăng mức tiêu chuẩn xử lý nước thải ở hạ nguồn từ B lên A... xác định muốn thu hút nhà đầu tư quy mô vốn lớn thì hạ tầng cũng phải đạt chuẩn quốc tế. Thế nhưng, để làm được như vậy thì suất đầu tư rất lớn, cộng với lãi suất cao, nếu không thu hút được đầu tư sẽ rất khó khăn. Đây là thách thức trong phát triển xanh mà các doanh nghiệp rất cần cơ quan quản lý cùng chia sẻ" - Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi nêu ý kiến.

Thu hút đầu tư xanh: Lọc nghành hay lọc công nghệ? - Ảnh 4.

Các đại biểu, chuyên gia phát biểu tại Hội thảo.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý các KCX và KCN TP.HCM (Hepza) TP.HCM cũng cho biết, những năm gần đây nhiều nhà đầu tư muốn đặt trụ sở tại TP.HCM nhưng vấn đề khó khăn của thành phố là quỹ đất công nghiệp và phần đất còn lại khá hạn hẹp để kêu gọi nhà đầu tư lớn.

Chính vì quỹ đất còn ít, ông Hưng nhận định, vấn đề của đầu tư xanh không phải lọc ngành mà là lọc công nghệ, giảm phát thải, tăng hiệu quả đầu tư thì mới phù hợp với xu thế đầu tư. "Không nên đặt vấn đề chọn ngành gì, ngành thâm dụng lao động hay ô nhiễm môi trường. Vì công nghệ và thị trường sẽ điều tiết và điều chỉnh từng lĩnh vực mà nhà đầu tư muốn vào", ông Hưng nhấn mạnh.

Từ những góc nhìn trên, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam đang chuyển dịch mạnh mẽ, thay đổi tư duy, cấu trúc phát triển, thay đổi cơ cấu ngành: từ ngành phát thải cao chuyển sang phát thải thấp, từ công nghệ cũ chuyển sang công nghệ cao, thậm chí không có phát thải.

Tuy nhiên, ông Thiên cũng nêu một số thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi xanh, gồm: Chuyển từ công nghệ thấp sang công nghệ cao thì phải định hướng chọn công nghệ cao, do các tập đoàn hàng đầu dẫn dắt; vấn đề về vốn và cuối cùng là thách thức từ nội tại.

Dẫn chứng bài học thành công của Bình Dương, ông Thiên lưu ý quá trình chuyển đổi công nghiệp hóa phải triển khai theo nghĩa đặt kinh tế xanh như mục tiêu. Lọc ngành, phải hiểu theo nghĩa rộng, không phải bỏ ngay lập tức mà phải có lộ trình, tính toán xem bỏ cái gì trong ngành đó, thu hẹp như thế nào... Chính sách cấu trúc ngành phải tạo ra được hệ thống, có lộ trình để giảm dần những cú sốc cho doanh nghiệp, nền kinh tế, cũng như đảm bảo việc làm của người lao động.

Thu hút đầu tư xanh: Lọc nghành hay lọc công nghệ? - Ảnh 5.

Ông Đỗ Văn Sử - Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ tại hội thảo.

Tại hội thảo, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Văn Sử thông tin, cập nhật đến tối 4/12, có 22 nước tham gia COP28 đã nhất trí tăng sản lượng điện hạt nhân lên gấp 3 lần cho đến năm 2050. Tiếp theo, 50 công ty dầu mỏ lớn nhất, đại diện cho 40% sản lượng toàn cầu cam kết đạt mức phát thải ròng khí metan gần bằng 0 và chấm dứt hoạt động xử lý khí thải bằng cách đốt bỏ vào năm 2030.

Ông Sử cho biết thêm, trong kế hoạch quốc gia về hành động hướng tới tăng trưởng xanh mà Chính phủ đã công bố đã đưa ra 4 nhóm mục tiêu: Thứ 1 giảm phát thải của toàn bộ nền kinh tế; thứ 2 là xanh hóa các ngành; thứ 3 hướng tới xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; cuối cùng là xanh hóa quá trình chuyển đổi.

Tránh "lọc ngành, xanh hóa lập tức" trong tăng trưởng xanh

Ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, chúng ta phải tránh bẫy lọc ngành, mà thay vào đó hãy chú trọng công nghệ vì hệ thống kinh tế là một chuỗi giá trị mà chúng ta đang khuyến khích phát triển hệ sinh thái, công nghiệp hỗ trợ, đồng thời phải tránh bẫy xanh hóa ngay lập tức, có lộ trình phù hợp để phát triển kinh tế xanh là bài toán của Việt Nam.

Ông Vũ Tiến Lộc đề xuất, Việt Nam cần phải quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ để có chính sách phù hợp, hỗ trợ về nhận thức, quản trị để thực hiện chuyển đổi xanh. Quá trình phát triển kinh tế xanh, giảm phát thải của Việt Nam sẽ không thể thành công nếu không thúc đẩy được các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia mạnh mẽ.


Nhật Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ