• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thu tác quyền của VCPMC: "Quá cao, không dựa trên thực tế tại VN"

16/02/2011 13:49

Năm 2010, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN thu hơn 32 tỉ đồng tác quyền âm nhạc, tăng 40% so với năm 2009. Theo kế hoạch, đích thu của năm 2011 sẽ là 45 tỉ. Tuy nhiên, đang có rất nhiều ý kiến cho rằng, việc thu tác quyền âm nhạc ở VN đang có nhiều bất cập, gây bức xúc cho không ít đơn vị và cá nhân sử dụng tác phẩm nhạc.

Năm 2010, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN thu hơn 32 tỉ đồng tác quyền âm nhạc, tăng 40% so với năm 2009. Theo kế hoạch, đích thu của năm 2011 sẽ là 45 tỉ. Tuy nhiên, đang có rất nhiều ý kiến cho rằng, việc thu tác quyền âm nhạc ở VN đang có nhiều bất cập, gây bức xúc cho không ít đơn vị và cá nhân sử dụng tác phẩm nhạc.

Cứ nói đến thu tác quyền âm nhạc hiện nay là tôi lại bức xúc”
Khi thực hiện làm băng đĩa, Công ty của tôi đều giao dịch trực tiếp với các tác giả để thỏa thuận và trả tiền tác quyền. Một mặt, hầu hết các tác giả là chỗ thân tình nên chỉ cần một cú điện thoại là giao dịch đã xong. Mặt khác, các tác giả cũng thích nhận tiền trực tiếp từ các đơn vị sử dụng nhạc.
Bởi lẽ, họ được nhận tiền nhanh, lại không bị trừ khấu hao qua Trung tâm. Còn với Trung tâm, mặc dù giá thu khá cao: 500.000 đ- 700.000 đ/ca khúc nhưng các tác giả chỉ nhận được khoảng 300.000- 500.000 đ, lại phải chờ đợi khá lâu, thậm chí Trung tâm trả bao nhiêu thì biết ngần đó, chứ ai còn đi tìm hiểu xem năm qua bài hát của mình được sử dụng bao nhiêu lần, hoặc có đúng là được sử dụng số lần như vậy không để làm phép tính nhân lên... Cá nhân tôi cho rằng, mức thu phía Trung tâm đặt ra hiện nay là quá cao, không dựa trên cơ sở thực tế của hoạt động biểu diễn tại VN.
Đơn cử như trong dịp Đại lễ vừa qua, công ty tôi tổ chức chương trình  Hà Nội đẹp mãi muôn đời, đưa 35 ca khúc lên sân khấu, mỗi ca sĩ biểu diễn 2-3 phút. Chương trình không có tài trợ, bán vé chỉ được 1/3 rạp, ca sĩ hưởng thù lao khiêm tốn, nếu “ép” chúng tôi trả 700.000 đ/ ca khúc theo ý Trung tâm chẳng phải là quá đáng sao? Đó là chưa kể, nếu không có ca sĩ hát, người phối khí và nhạc công biểu diễn thì tác phẩm sẽ chỉ nằm yên trên giấy, vậy tại sao chỉ thu tác quyền cho nhạc sĩ mà không chia số tiền đó cho những người liên quan như ca sĩ, nhạc công? Nghệ sĩ chúng tôi đều là những người trọng danh dự, nếu có quy định hợp lý, hợp tình, hợp với lẽ ứng xử và công bằng giữa những người làm nên tác phẩm âm nhạc,  mọi người sẽ thực hiện việc chi trả tác quyền nghiêm túc khi sử dụng tác phẩm âm nhạc. Còn như bây giờ, cứ nhắc đến việc này là tôi bức xúc. (NSND Thanh Hoa)
“Cần có sự thống nhất trên cơ sở tương ứng với thực tế biểu diễn"
Thời gian qua, Nhà hát thực hiện nghiêm túc việc trả tác quyền đối với những tác phẩm nhạc được sử dụng. Với các tác giả của Nhà hát, hoặc những tác giả Nhà hát trực tiếp đặt hàng viết, chúng tôi giao dịch và trả tác quyền trực tiếp. Còn lại, chúng tôi trả qua Trung tâm nhưng là trả “1 cục” vào cuối năm và không áp dụng cái giá 500.000 đồng/ ca khúc như ý của Trung tâm. Bởi lẽ,  hầu hết các chương trình của Nhà hát mang tính  phục vụ là chính. Trong các chương trình ấy, ca sĩ biểu diễn chỉ nhận thù lao 100.000 đồng, tại sao lại phải trả cho nhạc sĩ 500.000- 700.000 đồng? Và nếu có trả, thì cũng chẳng biết lấy đâu ra tiền để trả, vì chương trình không có tài trợ, bán vé cho thiếu nhi với giá thấp.
 
Thực tế cho thấy, ở VN hiện nay đang có nhiều đoàn nghệ thuật hoạt động dưới dạng sự nghiệp, vì thế không thể “áp” các chương trình phục vụ mục đích chính trị phải trả tác quyền theo giá cao như hiện nay. Trung tâm không thu được tiền theo quy định thì bức xúc nhưng các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật cũng bức xúc không kém. Thế nên, cần có quy định  thống nhất về việc chi trả tác quyền trên cơ sở  tương ứng  với thực tế biểu diễn hiện nay. Trong đó phải tôn trọng quy định của Luật hiện hành - tác quyền là giao dịch dân sự và trên cơ sở thỏa thuận.    (Ông Trương Nhuận, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ)
“Ngày càng nhiều tác giả đến thẳng đơn vị sử dụng nhạc đòi tác quyền”
Công ty chúng tôi thực hiện việc trả tác quyền sử dụng nhạc qua Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN. Giá khá cao: 500.000-700.000 đồng/ ca khúc. Tuy nhiên, thời gian gần đây có nhiều tác giả  đến thẳng Trung tâm vì thấy đĩa phát hành khá lâu mà tiền tác quyền thì chưa thấy. Với những người trẻ, chúng tôi chỉ họ sang Trung tâm để đòi. Còn với các tác giả lớn tuổi, chúng tôi phải làm cái việc “cực chẳng đã”- trả tiền tác quyền cho họ, rồi bảo họ viết biên nhận và công ty cử người sang Trung tâm đòi lại. Khá vất vả để có thể đòi lại số tiền đã vào “két” của Trung tâm. Đây là một việc khá nan giải trong khi ngày càng có nhiều tác giả đến thẳng đơn vị sử dụng tác phẩm đòi tác quyền. Có vẻ như họ không muốn tiền tác quyền của mình bị trừ  “khấu hao”... (Ông Phạm Đông Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty nghe nhìn Thăng Long)
“Đưa bao nhiêu thì biết, chứ có biết thực sự tác phẩm của mình được trả bao nhiêu”
Việc thu và chi trả tác quyền ở ta còn nhiều bất cập lắm. Vì ký ủy quyền với Trung tâm nên Trung tâm đưa bao nhiêu thì biết mình có ngần đấy chứ có khi nào kiểm tra để biết bài hát của mình được sử dụng bao nhiêu lần trong năm qua và được sử dụng ở những lĩnh vực nào. Điều đáng buồn nhất, là có một số ca sĩ họ hát bài của mình những khi gặp mình thì cứ như là “không quen biết”, vì họ cho rằng họ đã trả tác quyền qua Trung tâm rồi, muốn thì qua đó mà đòi.
Nói thật, với những người lạ thì chẳng nói làm gì, còn những người quen, cùng công tác trong một môi trường, nếu họ hỏi tôi một câu, tôi sẽ chỉ bảo tận tình cho họ nên thế nào để xử lý ca khúc tinh tế thêm, mà chẳng đòi hỏi họ phải trả tác quyền này nọ. Mặt khác, có phải cứ Trung tâm thu vài chục tỉ thì nhạc sĩ sẽ có vài trăm, vài chục triệu đâu. Đơn cử như tôi, trung bình 1 năm nhận được 3-5 triệu. So với thời gian trước chẳng có gì thì đột nhiên có thêm 3 triệu trong năm cũng là vui rồi. Nhưng ngẫm lại, cũng có chút băn khoăn... (Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc)
“Trong hợp đồng tổ chức biểu diễn luôn thể hiện việc trả tác quyền”
Các chương trình ca nhạc Công ty chúng tôi tổ chức biểu diễn đều khoán cho bầu sô. Trong hợp đồng ký với bầu sô, luôn có mục trả tác quyền cho các tác giả. Tuy nhiên, chúng tôi không giám sát và kiểm tra việc này nên cũng không biết các bầu sô có trả tác quyền cho tác giả hay không.
Tới đây, chúng tôi sẽ xiết lại việc này để tránh xảy ra kiện tụng trong những trường hợp tiền tác quyền thì đã đưa cho bầu sô nhưng bầu sô thì lại phớt lờ tác giả để “nẫng” cả. Có điều, muốn việc thực thi tác quyền trở thành tự nguyện và nề nếp, cần phải có quy định chung và mức giá phù hợp với điều kiện của VN. (Ông Nguyễn Văn Tiệp, đại diện Công ty Thái Dương Phong)
Theo VH

NỔI BẬT TRANG CHỦ