• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ trưởng 25 cơ quan, đơn vị ký cam kết trách nhiệm với Bộ trưởng Bộ VHTTDL

Thực hiện: Xuân Trường | 29/03/2024

(Tổ Quốc) - Thực hiện kế hoạch công tác, sáng 29/3, Bộ VHTTDL tổ chức Lễ ký cam kết trách nhiệm với Bộ trưởng của Thủ trưởng 25 đơn vị thuộc Bộ trong năm 2024. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì Lễ ký.

Dự Lễ ký có các Thứ trưởng Tạ Quang Đông; Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy; Thứ trưởng Hồ An Phong cũng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL.

Về khách mời tham dự hội nghị có ông Nguyễn Đức Tài, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng; ông Tạ Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ V, Ban Tổ chức Trung ương; ông Vũ Việt Phương, Phó Vụ trưởng Vụ V, Ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Văn Trung, Kiểm tra viên chính, Vụ địa bàn II, Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Thủ trưởng 25 cơ quan, đơn vị ký cam kết trách nhiệm với Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì Lễ ký cam kết trách nhiệm của Thủ trưởng 25 cơ quan, đơn vị với Bộ trưởng Bộ VHTTDL

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Đức Trung, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ VHTTDL cho biết, triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch trong giai đoạn hiện nay, Ban Cán sự đảng Bộ VHTTDL đã ban hành Nghị quyết số 09- NQ/BCSĐ ngày 21/6/2021 (Nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ đầu tiên của Ban Cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về "Tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức, viên chức Bộ VHTTDL đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới".

Một trong những nội dung, nhiệm vụ được xác định là trọng tâm của Nghị quyết số 09-NQ/BCSĐ là đổi mới phương thức lãnh đạo của Bộ, đề cao trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Thủ trưởng 25 cơ quan, đơn vị ký cam kết trách nhiệm với Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Ảnh 2.

Lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; Cục Thể dục thể thao; Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Cục Nghệ thuật biểu diễn; Cục Di sản văn hoá; Cục Văn hóa cơ sở ký cam kết với Bộ trưởng.

Năm 2024, Bộ VHTTDL triển khai việc ký cam kết trách nhiệm của 20 thủ trưởng cơ quan hành chính và 5 thủ trưởng đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước với Bộ trưởng. Đồng thời, đây là năm thứ hai, Bộ VHTTDL triển khai việc ký cam kết trách nhiệm của tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ với Lãnh đạo Bộ.

Tại buổi lễ, 20 thủ trưởng cơ quan hành chính và 5 thủ trưởng đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước đã lần lượt ký cam trách nhiệm với Bộ trưởng Bộ VHTTDL.

Thủ trưởng 25 cơ quan, đơn vị ký cam kết trách nhiệm với Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Ảnh 3.

Lãnh đạo Cục Điện ảnh; Cục Hợp tác quốc tế; Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Cục Bản quyền tác giả; Vụ Gia đình; Vụ Pháp chế ký cam kết với Bộ trưởng.

Phát biểu tại Lễ ký cam kết, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc ký cam kết trách nhiệm được Bộ VHTTDL áp dụng nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng đó là đánh giá cán bộ thông qua việc nhận xét dựa trên sản phẩm công việc đo đếm được, lượng hóa được. Việc ký cam kết để các đơn vị thực hiện trách nhiệm của mình, đề cao vai trò gương mẫu, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng dù các nhiệm vụ đã được phân công, lượng hóa cụ thể trong cam kết nhưng do đặc thù các đơn vị cần sự phối hợp trong công việc nên khi thực hiện phải biết phát huy sức mạnh tổng hợp.

Thủ trưởng 25 cơ quan, đơn vị ký cam kết trách nhiệm với Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Ảnh 4.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại lễ ký kết.

Chia sẻ thêm về nhiệm vụ của các đơn vị tại lễ ký kết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, chủ trương của Bộ ở nhiệm kỳ này là chuyển mạnh tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hoá. Chủ trương này đã được thực hiện nhất quán từ đầu nhiệm kỳ đến nay và trong năm 2024, chúng ta xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, coi thể chế là nguồn lực.

Từ nhận thức đó, Bộ trưởng yêu cầu phải rà soát để trình Quốc hội, cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện một số luật liên quan đến lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch. Đồng thời, ban hành các nghị định, thông tư thuộc thẩm quyền để tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý.

Thủ trưởng 25 cơ quan, đơn vị ký cam kết trách nhiệm với Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Ảnh 5.

Lãnh đạo Văn Phòng Bộ; Thanh tra Bộ; Vụ Thư viện; Vụ Văn hóa dân tộc; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Đào tạo ký cam kết với Bộ trưởng.

Khái quát mội số nhóm nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị, Bộ trưởng yêu cầu:

Thứ nhất, trình Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), coi đây là bước kiến tạo, biến di tích, di sản của cha ông và thiên nhiên trở thành tài sản và nguồn lực phát triển. Đồng thời phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm của chính quyền cấp ủy địa phương và người dân nơi có di tích, di sản với tư cách là chủ thể quản lý.

Thứ hai, tập trung rà soát, bổ sung trình Quốc hội sửa đổi Luật Quảng cáo để khắc phục những bất cập, hạn chế trong luật này. Nhất là trong bối cảnh phát triển của không gian mạng ngày nay, đang có rất nhiều nội dung liên quan đến thuần phong mỹ tục, lợi dụng không gian mạng để làm tổn hại văn hoá.

Thứ ba, phải trình Quốc hội ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá, con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035. Đây có thể coi là dấu ấn của nhiệm kỳ, là bước kiến tạo cho thế hệ tương lai.

Thủ trưởng 25 cơ quan, đơn vị ký cam kết trách nhiệm với Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Ảnh 6.

Lãnh đạo Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam; Báo Văn hoá; Trường Cán bộ quản lý văn hoá, thể thao và du lịch; Tạp chí Văn hóa nghệ thuật; Trung tâm Công nghệ thông tin; Vụ Tổ chức cán bộ ký cam kết với Bộ trưởng.

Thứ tư, phải chủ động rà soát lại Luật Du lịch, Luật Thể dục thể thao, tương ứng là các nghị định có liên quan đến công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này. Kiên quyết khắc phục khoảng trống về mặt pháp lý, bổ sung kịp thời những vấn đề còn thiếu.

Nhấn mạnh đấy là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra trong công tác hoàn thiện thể chế, Bộ trưởng yêu cầu những việc thuộc thẩm quyền của Bộ phải được ưu tiên và hàng tháng, lãnh đạo Bộ sẽ tổ chức phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật để đôn đốc tiến độ xây dựng nghị định, thông tư, đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định không hợp lý hoặc đã lỗi thời.

"Trong tháng tư này, phiên chuyên đề của chúng ta sẽ là tháo gỡ những vấn đề pháp lý trong lĩnh vực thể thao", Bộ trưởng nói và cho biết Bộ VHTTDL cũng phải tham gia đóng góp có trách nhiệm với các bộ ngành khác về các luật khác mà có liên quan đến văn hoá, thể thao, du lịch.

Thứ năm, phải thực hiện bằng được các chỉ tiêu về du lịch mà Chính phủ đã giao. Trong đó, ngành du lịch phải đón 18 triệu lượt khách quốc tế, duy trì trên 100 triệu lượt khách nội địa trong năm 2024.

Về thể thao, phải bám sát quan điểm thể thao cho mọi người, coi đó là nền tảng, đồng thời tập trung cho thể thao thành tích cao; Xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 70 của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới; Trình Chính phủ ban hành Chiến lược về thể thao và chuyển hướng mạnh hơn sang quản lý nhà nước về thể thao.

Lĩnh vực văn hóa cần tiếp tục thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, gắn với đó phải xây dựng các cơ sở pháp lý để khi Quốc hội ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa thì chúng ta cũng hoàn thiện thể chế.

Thủ trưởng 25 cơ quan, đơn vị ký cam kết trách nhiệm với Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Ảnh 7.

Các đại biểu dự Lễ ký cam kết.

Bộ trưởng cũng yêu cầu trong năm nay phải có hướng dẫn về việc thực hành hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam để các cấp thực hiện.

Bên cạnh đó, phải tổ chức một số sự kiện nghệ thuật tầm quốc gia và khu vực. Các đơn vị nghệ thuật của Bộ phải chủ động đổi mới nội dung, phương thức cách làm và phải từng bước phát huy được vai trò dẫn dắt, vai trò chủ đạo, tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực này.

Thứ sáu, phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ. Trong công tác tuyển chọn cán bộ phải có sự phát hiện, tìm kiếm và phải công bằng, công minh, công khai, chính xác.

Khái quát 6 nhóm nhiệm vụ trong tổng số 97 nhiệm vụ được ký kết, Bộ trưởng một lần nữa đề nghị các đơn thực hiện tốt các nhiệm vụ đã cam kết, triển khai với tinh thần quyết liệt để về đích.

NỔI BẬT TRANG CHỦ