• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Không có “giấy phép con” trong xuất khẩu lao động

Kinh tế 30/05/2017 08:11

(Tổ Quốc) -Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ - TB -- XH) Doãn Mậu Diệp khẳng định như vậy khi trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc xoay quanh câu chuyện xuất khẩu lao động thời gian gần đây.

Để làm rõ những thông tin báo chí đăng tải gần đây về việc Bộ LĐ - TB - XH gây khó dễ cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động, Báo Điện tử Tổ Quốc đã có buổi trao đổi với Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp. Ông khẳng định, Bộ luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Cùng với đó, chế độ bảo vệ cho người lao động đang ngày một tốt hơn. 

-Xin ông cho biết về tình hình xuất khẩu lao động hiện nay?

Thứ trưởng Bộ LĐ - TB - XH Doãn Mậu Diệp khẳng định Bộ luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Nhìn chung, tình hình hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam thời gian qua diễn ra theo chiều hướng tốt.

Số lượng lao động được đưa ra nước ngoài làm việc ngày càng nhiều. Năm 2016, cả nước đã có trên 126.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài. Trong đó, số lượng người đi lao động tại các thị trường tốt như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... ngày càng tăng lên.

Chẳng hạn, với thị trường Đài Loan, số lượng vẫn duy trì từ 60.000 -70.000 lao động được đưa đi mỗi năm. Với thị trường Nhật Bản – thị trường có mức lương tốt – thì số lượng lao động sang làm việc ngày càng tăng lên...Nếu như trước đây, số người đi lao động tại Nhật Bản chỉ vài trăm, vài nghìn người thì năm 2016 là trên 39.000 lao động. Việt Nam hiện là nước được Nhật Bản tiếp nhận nhiều lao động nhất.

Cùng với đó, các quy định của luật pháp về xuất khẩu lao động ngày được hoàn thiện, rõ ràng. Chế độ bảo vệ cho người lao động cũng được quy định tốt hơn.

Hiện số lượng doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang nhiều lên. Nhiều doanh nghiệp đầu tư rất bài bản trong việc đào tạo cho người lao động về ngôn ngữ, nắm rõ luật pháp chính sách, phong tục tập quán của đất nước mà người lao động đến làm việc để họ dễ dàng hoà nhập vào đời sống mới. Một số doanh nghiệp còn cử cán bộ sang các nước mà họ đưa lao động đi nhằm hỗ trợ công tác quản lý, hỗ trợ lao động trong những trường hợp cần thiết.

Cùng với đó, việc báo cáo về số lượng lao động đưa đi với cơ quan quản lý nhà nước, với cơ quan đại diện Viêt Nam ở nước ngoài, các đại sứ quán, các lãnh sự quán... của các doanh nghiệp cũng nghiêm túc hơn. Điều này rất quan trọng, bởi trong trường hợp xảy ra bất kỳ sự cố nào thì cơ quan đại diện Viêt Nam ở nước ngoài... cũng cần được biết tổng số lao động là bao nhiêu, địa chỉ cụ thể của người lao động để có phương án xử lý trong trường hợp khẩn cấp

Về cơ bản, công tác xuất khẩu lao động ngày càng đi vào nề nếp, bài bản hơn. Lao động Việt Nam cũng được người sử dụng lao động các nước đánh giá tốt hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những mặt chưa ổn như: nhiều doanh nghiệp chưa đào tạo lao động bài bản, chi phí đối với người lao động vẫn còn cao, tình trạng lạm thu của các doanh nghiệp vẫn còn tồn tại. Quyền lợi của người lao động cũng bị một số ít doanh nghiệp “hy sinh” trong khi thương thảo hợp đồng với các đối tác nước ngoài.

Ví như, về nguyên tắc lao động của Việt Nam đi lao động ở Nhật Bản được hỗ trợ một lượt vé máy bay nhưng nhiều doanh nghiệp không nhận khoản hỗ trợ này với mục đích “giành giật” hợp đồng về cho mình.

Hay theo quy định của Nhật Bản, doanh nghiệp Nhật Bản có sử dụng lao động Việt Nam phải trả phí quản lý cho doanh nghiệp đưa lao động đi (khoảng 50 USD – 70 USD)/tháng/lao động. Mỗi năm doanh nghiệp sử dụng lao động Việt Nam tại Nhật Bản sẽ trả cho doanh nghiệp Việt Nam khoảng 700 USD – 800 USD nhưng phía doanh nghiệp Việt Nam lại không nhận...Điều này đồng nghĩa với việc lao động Việt Nam sẽ bị các doanh nghiệp Việt Nam thu khoản phí này.

Đáng nói là không chỉ doanh nghiệp Việt Nam hy sinh quyền lợi của người lao động mà ngay cả nơi tiếp nhận người lao động cũng lợi dụng cạnh tranh không lành mạnh của phía Việt Nam để cắt giảm chi phí. Ví như, một doanh nghiệp Nhật Bản chỉ tiếp nhận 18 lao động Việt Nam trong một năm nhưng họ hợp tác với 11 doanh nghiệp Việt Nam. Khi sang Việt Nam họ đi hết 11 doanh nghiệp để xem điều kiện hợp đồng của doanh nghiệp nào thấp nhất, hy sinh quyền lợi của người lao động nhiều nhất thì họ sẽ hợp tác.

Về việc này, Cục quản lý lao động ngoài nước (Cục QLLĐNN) cũng đã trao đổi với tổ chức Jitco – Tổ chức Hợp tác đào tạo quốc tế Nhật Bản để có biện pháp nhắm ngăn ngừa, hạn chế tình trạng này.

-Người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc đều mong muốn có được mức thu nhập tốt, bởi phần lớn họ đều là những người hoàn cảnh, phía sau họ là cả gia đình... Tuy nhiên, tình trạng lạm thu từ phía doanh nghiệp đã khiến thu nhập của họ bị giảm đi nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân khiến xảy ra tình trạng lao động bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp để làm công việc mới tốt hơn. Ông có thể chia sẻ về vấn đề này? 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Trên thực tế vẫn có trường hợp bỏ hợp đồng, trốn ra ngoài, cư trú và làm việc bất hợp pháp tại các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... Việc số lượng lao động bỏ trốn ra ngoài ngày càng nhiều sẽ là những cản trở trong việc đàm phán với các thị trường khác. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần yêu cầu Bộ LĐ – TB – XH phải chấn chỉnh việc này.

Mức lương trung bình của một lao động Việt Nam làm trong lĩnh vực xây dựng tại thị trường Nhật hiện khoảng 150.000 Yên (tương đương hơn 1.000 USD), thường thì mỗi lao động hàng tháng phải trích ra khoảng 25.000 Yên chi phí cho tiền nhà, điện, nước....Dù vậy, một số người vẫn bỏ trốn ra ngoài làm việc để tìm kiếm mức lương cao hơn.

Hiện thị trường Hàn Quốc là nơi có số lao động Việt Nam bỏ trốn nhiều nhất.

Nói chung, lao động Việt Nam sang thị trường Nhật Bản được đảm bảo vì mức lương khá cao, họ tuân thủ các quy định của nhà nước. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có tình trạng người lao động phải chịu mức phí quá cao, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh đã khiến quyền lợi của người lao động bị cắt giảm... Điều này dẫn đến áp lực tài chính của người lao động quá nặng nề, buộc họ phải bỏ hợp đồng và cư trú bất hợp pháp để tìm các ngành nghề khác.

Phía Nhật Bản cũng đã cảnh báo, nếu tỷ lệ bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp quá 5% thì phải xem xét để dừng tiếp nhận lao động từ phía Việt Nam.

-Bên cạnh đó, được biết vẫn có tình trạng doanh nghiệp “đem con bỏ chợ”. Xin ông chia sẻ về vấn đề này?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Những ngành nghề được phép đi xuất khẩu lao động không có những lĩnh vực như: vui chơi giải trí, mát xa...

Việc đưa lao động đi nước ngoài làm việc là rất tốt, nhưng nếu xảy ra trường hợp đáng tiếc như nhân phẩm, tính mạng bị đe doạ thì không một quốc gia nào mong muốn cả và đều phải có giải pháp chấn chỉnh.

Ngay cả trong luật cũng đã quy định các điều kiện mà các doanh nghiệp được cấp phép. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp muốn đưa lao động đi thì phải đăng ký hợp đồng với Cục QLLĐNN. Sau đó, Cục phải thẩm định hợp đồng đó và doanh nghiệp chỉ được đưa doanh nghiệp đi lao động ở nước ngoài khi đảm bảo về ngành nghề, tiền lương và các chế độ phúc lợi khác...

Ngoài ra, quy định cũng nêu rõ doanh nghiệp khi triển khai các hợp đồng thì phải có tổ chức bộ máy đào tạo về ngôn ngữ, kỹ năng công việc, hiểu biết về luật pháp... để người lao động nhận thức rõ về hành vi bỏ hợp đồng để đi làm những việc mà luật pháp cấm.

Đối với các doanh nghiệp đưa lao động ra nước ngoài rồi bỏ bê, để người lao động làm những việc bất hợp pháp thì sẽ tuỳ thuộc vào hành vi để xử lý.  Họ có thể bị xử phạt hành chính, tạm dừng không cho đăng ký hợp đồng hoặc thậm chí có thể bị thanh tra, kiểm tra và nếu điều kiện không đảm bảo thì có thể thu hồi giấy phép.

Về phía Bộ, chúng tôi nhận được rất ít báo cáo từ ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài, hoặc từ các sứ quán Việt Nam ở các nước về việc doanh nghiệp không hỗ trợ người lao động, bỏ rơi người lao động. Thị trường có người lao động “ý kiến” chủ yếu là các nước vùng Trung Đông.

Tại Ả rập Xê út, cũng có trường hợp người lao động hết hợp đồng nhưng chủ lao động nợ lương, không làm thủ tục để người lao động hồi hương.

Hiện Bộ đang yêu cầu đánh giá lại toàn bộ hoạt động tại thị trường này xem những doanh nghiệp nào hoạt động tốt và có thể tiếp tục, còn các doanh nghiệp có nhiều sai phạm, bỏ rơi nhiều người lao động thì cho dừng.

Ngoài ra, Bộ LĐ –TB - XH cũng thành lập các Ban quản lý lao động thuộc Đại sứ quán Việt Nam ở một số quốc gia có nhiều lao động Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Ả rập – Xê út...nhằm hỗ trợ cho họ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Mai Tiến Dũng vừa qua làm việc tại Bộ LĐ – TB – XH cũng yêu cầu các doanh nghiệp khi đưa lao động sang nước ngoài làm việc đều phải có văn phòng bên đó để hỗ trợ lao động. Điều này hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, luật pháp của một số nước chưa chính thức hóa việc cho phép đại diện doanh nghiệp được hiện diện tại các nước này, chẳng hạn như ở Ả rập Xê út; trong trường hợp đó, doanh nghiệp phải cử cán bộ sang dưới hình thức xuất khẩu lao động, làm các công việc như lái xe, hợp đồng giúp việc các cơ quan, để có thể hỗ trợ được người lao đồng.

-Gần đây, một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã rất bức xúc cho rằng, Bộ LĐ – TB – XH, mà cụ thể là Cục QLLĐNN không tạo điều kiện cho họ trong quá trình hoạt động bằng việc đưa ra những “giấy phép con”. Ông chia sẻ như thế nào về vấn đề này?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Chỉ một trường hợp là thị trường Nhật Bản vì liên quan đến Công văn 4732/LĐTBXH-QLLĐNN do Bộ ký ban hành ngày 18/11/2015.

Như bạn đã biết, tình trạng lao động Việt Nam chịu chi phí cao, đào tạo ngôn ngữ, hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán và luật pháp không đầy đủ, tỷ lệ bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp xảy ra tại Nhật Bản ngày càng tăng đã khiến phía bạn yêu cầu phải loại bỏ các doanh nghiệp xấu và đề xuất sẽ dừng tiếp nhận lao động Việt Nam nếu tỷ lệ bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp cao quá 5%.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã yêu cầu phải chấn chỉnh tình trạng bỏ trốn, cứ trú bất hợp pháp tại thị trường Nhật Bản. Luật về cơ bản đã có, nhưng chưa đủ để lành mạnh hoá thị trường, để chấn chỉnh sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Vì thế, ngày 27/10/2015, Bộ đã giao cho Cục QLLĐNN họp với Ban Nhật Bản thuộc Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam đề xuất các giải pháp, sau đó ngày 28/10/2015 đã mời tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu lao động sang Nhật Bản cùng tham gia Hội nghị để bàn, thảo luận giải pháp chấn chỉnh, làm lành mạnh, trong sạch thị trường xuất khẩu lao động sang Nhật.

Về cơ bản các doanh nghiệp đồng thuận với các giải pháp thảo luận tại Hội nghị, thậm chí còn đưa ra giải pháp quyết liệt hơn như: dự kiến nếu doanh nghiệp nào vượt quá 8% lao động bỏ trốn sẽ không được phép tham gia xuất khẩu lao động tại Nhật.

Nhưng sau đó, các doanh nghiệp đều thống nhất đề nghị nếu doanh nghiệp nào có số lao động sang Nhật bỏ trốn vượt quá 5% sẽ phải dừng hoạt động tại thị trường này; và chỉ tiếp tục nếu giảm được tỷ lệ này xuống dưới 5%.

Đây là các giải pháp được thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và có sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động nhằm làm lành mạnh thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản và quan trọng là để giữ thị trường này.

Sau đó, trên cơ sở đồng thuận của cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, Bộ LĐTBXH có văn bản số 4732/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 18/11/2015 về các giải pháp chấn chỉnh tình hình đưa lao động sang Nhật Bản. Sau 4 tháng thực hiện, ngày 26/3/2016, Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cùng Bộ LĐTBXH họp, tổng kết và thống nhất đánh giá các tồn tại trước đây về cơ bản đã được xử lý. Tuy nhiên, Hiệp hội cũng kiến nghị có một số điều chỉnh cần thiết và ngày 6/4/2016, Bộ đã có văn bản số 1123/LĐTBXH-QLLĐNN thay thế văn bản số 4732/LĐTBXH-QLLĐNN. Các giải pháp này được sự thống nhất của cơ quan JITCO là đầu mối của phía Nhật Bản thực hiện Chương trình này thông qua biên bản ký ngày 12/4/2016 giữa Cục trưởng Cục Quản lý lao động Ngoài nước và Phó Chủ tịch JITO.

Hiện có khoảng 200 doanh nghiệp xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, nhưng tiếng kêu than về Bộ chỉ xuất hiện từ một vài doanh nghiệp vi phạm và bị xử lý. Thậm chí cộng đồng doanh nghiệp còn cho rằng, “nếu Bộ và các cơ quan quản lý nhà nước không làm như vậy thì sẽ hỏng hết thị trường”. Tôi cho rằng, có những quy định dù không thuộc quy định của pháp luật nhưng trước sức ép của thị trường, nhu cầu của người lao động và sự đồng thuận của các cơ quan quản lý nhà nước, của doanh nghiệp thì vẫn phải đề ra quy tắc như vậy.

Ví dụ, cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan đầu mối phía Nhật Bản thống nhất nếu doanh nghiệp nào giảm số lao động bỏ trốn xuống mức dưới 5% thì sẽ lại tiếp tục tham gia. Vì thế, nếu doanh nghiệp nào đó nói rằng Bộ có những quy định trái pháp luật là không đúng.

Bên cạnh đó, có những quy định của Luật buộc doanh nghiệp không thể không thực hiện. Một trong những quy định đó là việc đăng ký hợp đồng. Ngoài ra, với từng thị trường họ đều có quy định riêng mà doanh nghiệp thoả mãn được những điều kiện này thì mới được đưa lao động sang. Cần phải nói rõ rằng đây là quy định từ phía bạn.

Chẳng hạn, đối với thị trường Nhật. Họ có tổ chức Jitco và tổ chức này quy định nếu doanh nghiệp Việt Nam có hợp đồng với Nhật thì doanh nghiệp Việt Nam phải có giấy giới thiệu rằng doanh nghiệp này đang hoạt động hợp pháp. Nếu có được giấy giới thiệu này thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ được Jitco chính thức chấp nhận triển khai hợp đồng.

Vì thế, nếu doanh nghiệp xem đây là “giấy phép con” do Cục QLLĐNN đưa ra là hoàn toàn không phải.

-Xin cảm ơn ông!

 Hà Giang

 

 

                                                     

NỔI BẬT TRANG CHỦ