• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thứ trưởng Lê Quang Tùng: “Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam kỳ vọng sẽ tạo ra một làn gió mới cho ngành Du lịch”

Du lịch 09/12/2019 20:59

(Tổ Quốc) - Chiều 9/12, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng Báo điện tử VnExpress tổ chức phiên toàn thể Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam lần thứ 2.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng: “Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam kỳ vọng sẽ tạo ra một làn gió mới cho ngành Du lịch” - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng phát biểu tại diễn đàn.

Phát biểu tại diễn đàn này, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng cho biết, để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017, Quốc hội đã ban hành Luật Du lịch 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Với sự quan tâm, định hướng, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước về việc ưu tiên phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các thành phố trực thuộc trung ương, các doanh nghiệp cộng đồng, ngành Du lịch đã có bước phát triển vượt bậc.

Nâng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 67/136 năm 2017 và năm 2019 xếp hạng 63/140 nền kinh tế. Trong đó, các nhóm chỉ số tăng hạng nhieuf nhất: Mức độ mở cửa quốc tế (+15); Sức cạnh tranh về giá (+13); Hạ tầng hàng không (+11) so với năm 2017.

Năm 2019, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới xếp hạng 6 trong 10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới; được bình chọn là Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á; Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á; thành phố Hội An được bình chọn là Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á và nhiều giải thưởng danh giá khác tại Lễ trao thưởng Du lịch thế giới năm 2019.

Tháng 11/2019, Việt Nam đón 1,81 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39% so với cùng kỳ 2018. Đây là lượng khách cao kỷ lục của một tháng, gấp 1,5 lần lượng khách tháng 1/2017, gấp 2 lần so với lượng khách tháng 11/2016. 11 tháng đầu năm 2019, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt xấp xỉ 16,3 triệu lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ, trong khi đó theo Tổ chức Du lịch thế giới lượng khách quốc tế đến châu Á tăng khoảng 5%. Dự kiến cả năm 2019 du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 720.000 tỷ dồn, hoàn thành mục tiêu Chính phủ đặt ra từ đầu năm.

Theo Thứ trường Lê Quang Tùng, ngành du lịch Việt Nam bên cạnh những tín hiệu tích cực thì vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức để phát triển bền vững và trước mắt còn nhiều việc phải tập trung thực hiện để đến năm 2021, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam ở nhóm 50 thế giới.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng: “Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam kỳ vọng sẽ tạo ra một làn gió mới cho ngành Du lịch” - Ảnh 2.

Các lãnh đạo chứng kiến lễ ký kết giữa Phú Long và MJ Group.

Chính vì vậy, Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam chính là sự kiện gặp gỡ, đối thoại công tư quy mô quốc gia nhằm đưa ra sáng kiến, giải pháp khác phục những tồn tại, hạn chế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Năm 2019, Diễn đàn lựa chọn 2 chủ đề thảo luận đó là: Giải pháp để tạo dựng một Việt Nam tươi đẹp yêu chuộng hòa bình - văn hóa đặc sắc trong lòng du khách – người dân thân thiện mến khách nhằm cải thiện thứ hạng của du lịch Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu, thực hiện tốt Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu  phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển cả về lượng và về chất, tập trung khai thác các thị trường khách chỉ tiêu cao, lưu trú dài ngày; Nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chuyên nghiệp công tác xúc tiến quảng bá du lịch; thu hút mạnh mẽ khu vực tư nhân tham gia các hoạt động quảng bá,. Phấn đấu cùng với khu vực tư nhân thành lập văn phòng xúc tiến du lịch ở các thị trường trọng điểm.

Chủ đề thứ 2 đó là tập trung xây dựng mối quan hệ hữu cơ và gắn bó chặt chẽ giữa ngành hàng không và du lịch, bao gồm các giải pháp tháo gỡ nút thắt về hạ tầng hàng không, nâng cao năng lực đón tiếp, chất lượng dịch vụ hàng không tại các sân bay để tạo thuận lợi nhất cho khách du lịch. Đây là chuyên đề đặc biệt của năm 2019, cần được tập trung nghiên cứu, thảo luận đưa ra giải pháp đảm bảo tính bền vững cùng sức hút của du lịch Việt Nam.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu phát triển ngành Du lịch đến năm 2025 với tổng thu dự kiến là 45 tỷ USD, đóng góp trên 10% GDP cả nước, đảm bảo phát triển bền vững, cần phải gia tăng mạnh mẽ về chất lượng thì mới có khả năng tạo bứt phá cho ngành Du lịch, mới có thể tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đón được cơ hội để nâng du lịch Việt Nam lên một tầm cao mới hay lãng phí những tiềm năng, thụt lùi, phá hủy môi trường và văn hóa điều đó phụ thuộc rất nhiều vào những chiến lược, giải pháp, hướng đi, cách làm và sáng kiến mà ngành Du lịch sẽ áp dụng cả trong ngắn hạn và cho một giai đoạn phát triển dài tới đây.

"Bộ VHTTDL kỳ vọng các sáng kiến, đóng góp của các chuyên gia các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp trong và ngoài nước qua các bài tham luận tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam sẽ tạo ra một làn gió mới cho ngành du lịch, tìm ra những hướng đi cách làm hiệu quả, thiết thực để tạo sự phát triển bứt phá, bền vững, góp phần nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam" – Thứ trưởng Lê Quang Tùng bày tỏ mong muốn.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng: “Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam kỳ vọng sẽ tạo ra một làn gió mới cho ngành Du lịch” - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia và còn có ảnh hưởng lớn tới các ngành có mối quan hệ chặt chẽ với du lịch như hàng không, bất động sản, thương mại - dịch vụ.

Năm 2019, du lịch chứng kiến nhiều bước tăng trưởng ấn tượng, bên cạnh đó cũng bộc lộ nhiều áp lực, thách thức với Chính phủ, các Bộ ngành cùng các doanh nghiệp vì sự tăng trưởng nóng lại chưa đi kèm với các yếu tố bền vững và hiệu quả.

"Bài toán nâng cao năng suất lao động, ứng dụng các nền tảng công nghệ, liên kết và hợp tác theo chuỗi, tăng cường trách nhiệm xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường là những vấn đề rất nóng trong nhiều ngành nhưng với du lịch - dịch vụ và hàng không càng quan trọng hơn", bộ trưởng cho biết.

Theo ông, Diễn đàn lần này là dịp để các bên thảo luận, nhận diện các rào cản, thách thức và chỉ ra giải pháp, từ đó, thúc đẩy để hiện thực hóa những giải pháp đó. Bộ trưởng cũng đề nghị, ban tổ chức Diễn đàn hình thành báo cáo kiến nghị giải pháp về những nội dung bàn thảo gửi Lãnh đạo Chính phủ cùng các Bộ ngành. Mặt khác, phải tính tới việc lựa chọn một số vấn đề ưu tiên, trên cơ sở hợp tác chặt chẽ con người, nguồn lực công - tư để triển khai thực tế. 

"Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Khoa học Đầu tư sẽ hết sức ủng hộ, đồng hành nếu chúng ta tư duy và tiếp cận mọi việc theo cách này", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Được biết, tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam dã diễn ra Lễ ký kết các biên bản ghi nhớ, hợp tác thỏa thuận giữa các bên để phát triển sản phẩm, dịch vụ, cải tạo hạ tầng, quảng bá điểm đến. Đáng chú ý đó là hợp tác giữa Tổng cục Du lịch với Hội đồng Tư vấn du lịch về thành lập, vận hành hai văn phòng quảng bá du lịch Việt Nam tại Anh và Austrailia.

Trong buổi sáng 9/12, Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam cũng tổ chức 4 phiên thảo luận theo các chủ đề: Tổ chức lại hoạt động quảng bá và truyền cảm hứng cho du khách; Cải thiện quá trình lập kế hoạch – đặt dịch vụ của du khách; Cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến; Việt Nam làm gì để phát triển hàng không – chắp cánh cho du lịch.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ