• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: "Cộng đồng đóng vai trò rất lớn trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc"

Thời sự 19/04/2019 21:18

(Tổ Quốc) - Chiều (19/4), tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị gặp mặt các nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc và miền Trung. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy dự và chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Cộng đồng đóng vai trò rất lớn trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị.

Hội nghị đã nghe nhiều ý kiến đóng góp của các già làng, trưởng bản, người có uy tín của các dân tộc khu vực phía Bắc và miền Trung chia sẻ quá trình lưu giữ những giá trị văn hóa, bản sắc của các dân tộc.

"Đau đáu" lưu giữ nghệ thuật truyền thống

Ông Hoàng Văn Cầu, đại diện cho dân tộc Sán Chí tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa bản sắc của địa phương ngày càng được các ngành, các cấp quan tâm. Đặc biệt, việc chế tác nhạc cụ đàn tính được bản thân ông dành nhiều tâm huyết trong thời gian qua.

Đại diện dân tộc Sán Chí cho biết: "Trong nhiều năm qua, tôi đã tìm đến những nghệ nhân cao niên để học hỏi kỹ thuật chế tác đàn tính. Đồng thời, bản thân cũng tự mày mò, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để làm sao cho ra được những chiếc đàn tính tốt nhất. Đến nay, bản thân tôi rút ra được kinh nghiệm đó là muốn âm sắc của chiếc đàn tính hay và chuẩn hay không phụ thuộc vào bầu tính và cần đàn".

Tính từ năm 2016 đến nay, bản thân ông Hoàng Văn Cầu đã chế tác ra 600 chiếc đàn tính để các nghệ nhân, bà con dân tộc trong vùng sử dụng vào các đợt liên hoan nghệ thuật hay những lễ hội tại đồng bào mình.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Cộng đồng đóng vai trò rất lớn trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc - Ảnh 2.

Ông Hoàng Tương Lai - dân tộc Tày tỉnh Yên Bái

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Hoàng Tương Lai – dân tộc Tày (Yên Bái) cho hay, từ xa xưa trong văn hóa giao tiếp của dân tộc Tày vùng sông Chảy, thác Bà, Yên Bái có hát cọi, hát khắp, trong đám cưới có hát "Quan làng". Nội dung chỉ là dạy bảo con cháu sống phải đạo, yêu thương nhau. Những sáng tác trên đều là do các nghệ nhân khuyết danh nhiều đời để lại.

Tuy nhiên, rất tiếc là những sưu tầm có hệ thống về văn hóa của dân tộc Tày lại đang nằm kín trong đầu của người cao tuổi. Hoặc một số cụ cao tuổi khi được đề nghị truyền dạy lại chỉ nhớ được một số bài, hát một số làn điệu.

"Hiện nay, những công trình sưu tầm hầu như chỉ để lưu giữ. Nhiều bạn trẻ mong muốn tìm đến nguồn cội của dân tộc mình nhưng muốn hát các làn điệu đó lại không ai truyền dạy" – ông Hoàng Tương Lai cho hay.

Chính vì vậy, đại diện dân tộc Tày bày tỏ mong muốn được các ngành, các cấp tạo điều kiện để dân tộc Tày có thể lưu giữ tiếng mẹ đẻ. Đồng thời, giúp các nghệ nhân truyền dạy cho lớp trẻ sau này biết hát những làn điệu của dân tộc Tày nói riêng và dân tộc trong vùng nói chung.

Cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa đồng bào dân tộc

Theo ông Vũ Dương Châu – Trưởng ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò hết sức quan trọng trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Cộng đồng đóng vai trò rất lớn trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc - Ảnh 3.

Ông Vũ Dương Châu - Trưởng Ban Dân tộc, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Để phát huy vai trò đó, ông Vũ Dương Châu cho rằng cần tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, bồi dưỡng và cung cấp thông tin cho những người có uy tín của dân tộc thiểu số thông qua các hình thức gặp gỡ, đối thoại, phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Theo đó, cần phân rõ trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị về việc cung cấp thông tin đến đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đồng thời, tổ chức cho người tiêu biểu có uy tín trong đồng bào dân tộc được tham quan các di tích lịch sử, công trình tiêu biểu của địa phương, đất nước để mở mang kiến thức, trực tiếp chứng kiến những thay đổi của đất nước trong thời kỳ mới.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho rằng, những ý kiến của các già làng, trưởng bản, người có uy tín tại cuộc đối thoại lần này rất hữu ích, tâm huyết, đầy tình cảm và trách nhiệm. Qua đó giúp cơ quan quản lý Nhà nước tìm ra được giải pháp thực tiễn để đóng góp cho công tác bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Cộng đồng đóng vai trò rất lớn trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc - Ảnh 4.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu kết luận Hội nghị.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng nhấn mạnh, trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thì vai trò cộng đồng có ý nghĩa quyết định. "Nếu đầu tư nhiều nhưng cộng đồng không quan tâm thì khó có thể triển khai thực hiện được. Nếu các Đề án, chương trình không được sự quan tâm của cộng đồng thì cũng sẽ không thực hiện được các mục tiêu, ý nghĩa. Cộng đồng ở đây chính là nghệ nhân, các già làng trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số" – Thứ trưởng nói.

"Bộ VHTTDL nhận thức rất rõ cần phải có các cuộc gặp gỡ, trao đổi lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các già làng, trưởng bản và người có uy tín để từ đó Bộ có căn cứ thực tiễn nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo tồn, phát huy các giá trị dân tộc" – Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chia sẻ.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ