• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng Đức: nữ chiến binh cuối cùng chống lại tân Tổng thống Trump

Thế giới 20/11/2016 18:20

(Tổ Quốc) - Bà Merkel từng nhắc đến một âm mưu nổi dậy chống lại Tổng thống mới đắc cử Donald Trump. 

Theo Willy Wimmer, cựu Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Đức, ông chủ mới của Nhà Trắng đang phải đối mặt với những khó khăn từ cả hai bờ Đại Tây Dương, đặc biệt khi Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel giữ vững vai trò là “chiến binh cuối cùng chống lại tân Tổng thống của nước Mỹ, Donald Trump.”

Cuộc gặp gỡ cuối cùng bất thường

Chuyến thăm mới nhất của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama đến Berlin đã trở thành tâm điểm của toàn thế giới. Willy Wimmer cho rằng, thái độ của Berlin với ông Trump đang có vấn đề. “Rõ ràng một lực lượng chuyên 'thiết lập chiến tranh' với sự hậu thuẫn của cả hai Đảng đã được hình thành tại  Washington; và giờ đây họ đang tìm mọi cách để có thể đặt một chiếc ‘còng tay chính trị’ lên tân Tổng thống Mỹ, nhằm khẳng định rằng, ông Trump không thể thay đổi được tình trạng ‘chính sách chiến tranh’ đã bùng nổ dưới thời Obama,” chính trị gia người Đức nói. Theo ông, chuyến thăm của ông Obama đến Đức và cuộc gặp gỡ của ngài Tổng thống với bà Merkel có thể coi như một tín hiệu gửi đến EU từ những người chuyên "thiết lập chiến tranh" trên chính trường Mỹ.

Trong chuyến thăm cuối cùng tới Berlin trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Obama đặc biệt dành nhiều thời gian gặp gỡ bà Merkel

Wimmer nhấn mạnh, nếu xét trên góc độ logic, ông Obama nên có cuộc gặp gỡ cuối cùng với các nhà lãnh đạo châu Âu tại Brussels, tuy nhiên, ông đã quyết định chọn thủ đô Berlin. Đến Berlin từ hôm thứ Tư (16/11), ông Obama  đã dành gần hai ngày nói chuyện với Thủ tướng Đức và giới báo chí. Hôm Thứ Sáu (18/11), các nhà lãnh đạo của Anh, Pháp, Italy và Tây Ban Nha mới tham gia cuộc gặp gỡ – chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Mỹ rời châu Âu. Ngài Cựu Quốc vụ khanh phân tích, chuyến thăm của Obama là dấu hiệu cho thấy Washington không hài lòng với những gì đang diễn ra tại Liên minh châu ÂU. “Chúng ta không thể đánh giá thấp những tín hiệu này,” Wimmer khẳng định, đồng thời cho rằng, nước Mỹ thích đi “gieo rắc bất hoà” giữa các quốc gia châu Âu hơn là hướng tới một sự đồng thuận chung với EU.

Chính trị gia người Đức cũng nhắc tới cuộc phỏng vấn giữa một giáo sư người Mỹ với tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung. Trong đó, vị giáo sư – từng là một thành viên trong uỷ ban cố vấn chính sách đối ngoại của Hillary Clinton nhấn mạnh, tình huống hiện tại đang phụ thuộc rất nhiều vào sự can thiệp của Đức tới các vấn đề của Mỹ. Cho đến giờ, bà Merkel đang được coi là “chiến binh cuối cùng chống lại tân Tổng thống Mỹ  Donald Trump”, Wimmer ví von.

Thủ tướng Đức có phải là thành trì cuối cùng cho các giá trị tự do của phương Tây?

Trong bài báo “Trump thắng cử đã đặt gánh nặng lên Merkel phải dẫn đầu phong trào Tự do”, cây bút AP Frank Jordan chỉ ra: “Với việc một người ngoại đạo như Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ trong khi các phong trào dân tuý  và cực hữu đang ngày càng gia tăng tại châu Âu, một số ý kiến đã coi Thủ tướng Đức Angela Merkel là người bảo vệ cuối cùng cho các giá trị tự do của phương Tây.” Jordan đồng thời nhấn mạnh, trong chuyến thăm cuối cùng đến châu Âu, ông Obama đã dành cho bà Merkel nhiều thời gian hơn bất kỳ nhà lãnh đạo châu Âu nào. “Rõ ràng, Thủ tướng Merkel sẽ phải nắm giữ nhiều trách nhiệm quan trọng,” Tổng thống Obama nói.

Timothy Garton Ash của tờ The Guardian thậm chí còn đi xa hơn, khi tuyên bố “người lãnh đạo của thế giới tự do” giờ đây là Angela Merkel. “Cụm từ ’Người lãnh đạo của thế giới tự do’ thường được sử dụng cho Tổng thống Mỹ… Tôi thật sự muốn nói rằng, ‘người lãnh đạo của thế giới tự do’ giờ đây là Angela Merkel,” Garton Ash viết, đồng thời nhận xét ông Trump sẽ là một Tổng thống “khoa trương, thất thường và không thể dự đoán.”

Âm mưu nổi dậy chống lại tân Tổng thống Trump

“Chúng ta đang đối mặt với một ‘chính sách tập thể quốc tế’ đến từ Đảng Dân chủ, cùng với lực lượng 'thiết lập chiến tranh' có cả những Đảng viên Dân chủ và Cộng hoà tại Washington. Vì vậy, chắc chắn bà Merkel sẽ giữ một vai trò nhất định. Và nếu ai còn nhớ những gì bà Merkel từng phát biểu tuần trước về cuộc bầu cử Mỹ, họ sẽ nhận ra rằng, bà sẵn lòng gánh vác trách nhiệm này,” Wimmer trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik.

Bà Merkel từng cảnh báo về khả năng diễn ra một âm mưu chống lại tân Tổng thống Mỹ Donald Trump 

Thủ tướng Đức từng lưu ý rằng, thế giới không thể loại trừ khả năng “một âm mưu nổi dậy ở bên kia bờ Đại Tây Dương” - đang được hình thành nhằm chống lại ông Trump. Bên cạnh đó, Wimmer cũng nhắc đến ngữ khí có phần mang tính công kích một cách bất thường của người đứng đầu chính phủ Đức và báo chí nước này đối với cuộc bầu cử Mỹ. Tuần trước, tỷ phú người Mỹ George Soros và một số nhân vật danh tiếng khác – những người từng đặt niềm tin vào chiến thắng của bà Hillary Clinton, đã tổ chức một cuộc hội nghị thảo luận giải pháp làm cách nào để có thể “lấy lại quyền lực”.

“Nếu tôi đang ngồi tại Washington, tôi có lẽ sẽ nghĩ rằng, đang có một âm mưu nảy nòi chống lại mình,” Wimmer nhận xét. Tuy nhiên, theo Rod Liddle của tờ The Spectator (Anh), những nỗ lực nhằm chống lại ông Trump sẽ như muối bỏ bể. Liddle tin rằng, giống như sự kiện Brexit, chiến thắng của ngài tỷ phú Mỹ chỉ phản ánh sự thay đổi đang diễn ra trong cả kinh tế và chính trị.

(Theo Sputnik)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ