• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng: "Không có pháp luật bảo vệ thì người dân làm sao đầu tư được?"

Kinh tế 11/11/2019 14:37

(Tổ Quốc) - "Nhà đầu tư họ tin luật, phải có luật thì họ mới làm vì luật bảo vệ cho nhà đầu tư. Luật để xã hội hoá, kêu gọi tư nhân đầu tư”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho ý kiến khi bàn về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

"Không có pháp luật bảo vệ thì người dân không đầu tư"

Thủ tướng: "Không có pháp luật bảo vệ thì người dân làm sao đầu tư được?" - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Nam Nguyễn

Trưa 11/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật PPP.

Nhấn mạnh về sự cần thiết phải có Luật này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Đảng và Nhà nước đều nhận thức cần thiết phải xã hội hóa. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đều hỏi về luật pháp khi nói về vấn đề đầu tư vào Việt Nam.

"Các nhà đầu tư họ tin vào luật, không tin Nghị định. Phải có luật thì họ mới làm vì luật mới bảo vệ cho nhà đầu tư, để xã hội hoá, kêu gọi tư nhân đầu tư", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, làm luật PPP để kêu gọi nhiều nguồn lực phát triển đất nước là một hướng đi hết sức cần thiết. Tất cả các lĩnh vực đều phải mở ra để thu hút nhà đầu tư theo phương châm "nhà nước và tư nhân cùng làm", trừ những lĩnh vực như an ninh, quốc phòng...

Vì thế, hiện nguồn lực còn rất lớn nhưng nếu không có pháp luật bảo vệ thì người dân không đầu tư.

"Hiến pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền công dân rất lớn. Nhưng phải có luật pháp cụ thể, không có luật pháp thì làm sao người ta bỏ ra được?", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, khi đầu tư theo hình thức công – tư thì cả nhà nước và nhà đầu tư, người dân đều có lợi, dân sẽ giàu có hơn. Dân có giàu thì nước mới mạnh, đó cũng chính là mục tiêu của Đảng và Nhà nước.

"Luật hóa một cách cụ thể, minh bạch thì sẽ thu hút được nhà đầu tư ngoài nhà nước.

Thủ tướng: "Không có pháp luật bảo vệ thì người dân làm sao đầu tư được?" - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: "Luật hóa một cách cụ thể, minh bạch thì sẽ thu hút được nhà đầu tư ngoài nhà nước".

Chia sẻ quan điểm về nội dung này, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng, lý do Luật PPP ra đời là do đất nước đang phát triển nên đầu tư công rất nhiều, nhất là trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, năng lượng, giáo dục, y tế... Chính vì lý do đầu tư công tăng nên dẫn đến nợ công sẽ tăng.

Theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân, trước đây Việt Nam đã triển khai bằng nhiều Nghị định của Chính phủ và bây giờ luật hóa các quy định đó để đưa Luật PPP vào cuộc sống chuẩn mực hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo đó, Luật sẽ được ban hành cụ thể để có thể triển khai các hình thức hợp tác công tư. Bên cạnh đó, luật cũng quy định rõ đối với những lĩnh vực nào triển khai hợp tác công tư, quy định thêm việc giới hạn số tiền đầu tư cho từng dự án cụ thể để triển khai. Thậm chí, Luật cũng có nội dung chia sẻ rủi ro đối với nhà đầu tư khi triển khai.

Ngoài ra, luật cũng giới hạn các lĩnh vực có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, tức là luật thể chế hóa một cách cụ thể hơn Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

"Khi luật hóa một cách cụ thể, minh bạch thì sẽ thu hút được nhà đầu tư ngoài nhà nước. Có thể hình dung một bên là của nhà nước và một bên là ngoài nhà nước. Ngoài nhà nước không có nghĩa là tư nhân mà có thể là các công ty cổ phần có vốn nhà nước tham gia vào đầu tư để giảm đầu tư công mà vẫn triển khai được các dự án", ĐB Trần Hoàng Ngân nói.

Cũng theo ĐB này, nếu Luật được hoàn thiện một cách chuẩn mực thì sẽ tạo điều kiện phát triển trở lại các hợp tác PPP. Bởi thời gian qua, việc triển khai các dự án theo hình thức BT, BOT gặp rất nhiều trở ngại, thậm chi có một số dự án phải dừng. Do đó, ông nhấn mạnh rằng cần phải sớm thông qua dự án Luật PPP.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ