• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cổng dịch vụ công Quốc gia là một trong những công cụ góp phần vào chống nhũng nhiễu, tiêu cực

Thời sự 09/12/2019 21:00

(Tổ Quốc) - Chiều 9/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức bấm nút khai trương Cổng dịch vụ công Quốc gia (DVCQG).

Tuyệt đối không để tâm lý: thấy có Cổng DVCQG rồi thì lơi lỏng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của ngành mình

Đánh giá cao việc tổ chức lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Chính phủ điện tử nhằm hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Để đưa vào hoạt động Cổng DVCQG, Thủ tướng đánh giá cao vai trò của Văn phòng Chính phủ, trong đó có vai trò cá nhân của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng đã chủ động, nỗ lực, quyết liệt thực hiện cũng như đánh giá cao một số bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp công nghệ thông tin, chuyên gia…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cổng dịch vụ công Quốc gia là một trong những công cụ góp phần vào chống nhũng nhiễu, tiêu cực - Ảnh 1.

Thủ tướng và các đại biểu tham quan hệ thống vận hành dịch vụ công.

Đây là một công cụ để cơ quan Nhà nước nâng cao chất lượng phục vụ, "góp phần quan trọng chống nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng cho rằng đây mới chỉ là thành công bước đầu. Chúng ta còn nhiều việc phải làm. Chỉ mới có 8 dịch vụ công được kết nối trong tổng số hàng ngàn dịch vụ cần kết nối và chủ yếu vẫn ở cấp độ 3. Mục tiêu là sớm nhất cần cung cấp ở cấp độ 4 và mở rộng sang các dịch vụ khác, nhất là những dịch vụ được đông đảo người dân sử dụng. Đây là công việc thường xuyên, liên tục không có điểm dừng, với mục tiêu xuyên suốt là lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo chất lượng cung cấp dịch vụ công của các cơ quan hành chính Nhà nước, tổ chức cung cấp dịch vụ công.

Mặc dù Cổng DVCQG đã xây dựng, đã kết nối với cổng dịch vụ công của các ngành, các cấp, các dịch vụ công trực tuyến nhưng việc xử lý và trả kết quả vẫn phải do các bộ, cơ quan bộ, ngành, địa phương thực hiện theo thẩm quyền. Do vậy, Thủ tướng lưu ý, tuyệt đối không để tâm lý, tình trạng các ngành, các cấp thấy có Cổng DVCQG rồi thì lơi lỏng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của mình, ngược lại cần đẩy mạnh hơn nữa.

Quá trình thực hiện xử lý các thủ tục hành chính cần sự liên thông giữa các đơn vị trong nội bộ, giữa các cơ quan liên bộ, ngành, để có thể tiếp tục đơn giản hóa cải cách thủ tục hành chính thì các thông tin liên quan đến người dân, doanh nghiệp phải được chia sẻ giữa nội bộ của các cơ quan Nhà nước.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá lại các quy định về thành phần hồ sơ, quy trình nghiệp vụ, từ đó đưa ra hệ thống tổng thể các cơ sở dữ liệu cần thiết phải xây dựng để phục vụ và kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu.

Cùng với đó, trong tháng 1/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì trình dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử. Bộ Công an trình đề xuất xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Văn phòng Chính phủ trình dự thảo Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Thực hiện 8 nhóm dịch vụ công có thể tiết kiệm được hơn 4.200 tỷ đồng/năm

Được biết, trong những năm gần đây, công tác cải cách TTHC luôn được Thủ tướng quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện. Trong đó, việc xây dựng Chính phủ điện tử mà trọng tâm là xây dựng Cổng DVCQG có thể nói là bước đi rất quan trọng trong cải cách hành chính khi kết nối các dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương lên một địa chỉ duy nhất là Cổng DVCQG. Đây cũng là việc làm thể hiện tinh thần Chính phủ lấy người dân doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cổng dịch vụ công Quốc gia là một trong những công cụ góp phần vào chống nhũng nhiễu, tiêu cực - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi khai trương.

Từ thời điểm Thủ tướng phê duyệt Đề án xây dựng Cổng DVCQG (tháng 3/2019), trong 9 tháng qua với trách nhiệm được giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị cho công tác khai trương Cổng DVCQG.

Cùng với VPCP, các Bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực trong rà soát, chuẩn hóa, nâng cấp cơ sở dữ liệu TTHC; nâng cấp, tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG liên quan đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt yêu cầu đầu tiên là những dịch vụ nào người dân doanh nghiệp cần thì triển khai trước; xây dựng, triển khai Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp Bộ, cấp tỉnh kết nối với Cổng DVCQG...

Tại thời điểm khai trương, Cổng DVCQG sẽ cung cấp 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, TP: Đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình); dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện.

Cùng với đó, cung cấp 4 dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ: Cấp giấy phép lái xe quốc tế; đăng ký khuyến mãi; nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp;

Ngoài ra, đối với 4 địa phương đã tích hợp trong năm 2019 cung cấp thêm một số dịch vụ công, ví dụ tại TP Hồ Chí Minh là đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế; Hà Nội, Quảng Ninh, Hải phòng là đăng ký khai sinh….

Việc đưa các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng DVCQG sẽ thực hiện theo lộ trình, ưu tiên chọn thủ tục, dịch vụ thiết yếu với người dân, doanh nghiệp để cung cấp trước.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tính sơ bộ tổng chi phí tiết kiệm được khi thực hiện 8 nhóm dịch vụ công nêu trên là khoảng 4.222 tỷ đồng/năm. Trong đó, tổng chi phí tiết kiệm được do lợi ích từ vận hành Cổng DVCQD mang lại khoảng 1.736 tỷ đồng.

Cũng tại lễ khai trương, các Bộ, ngành địa phương đầu tiên tích hợp dịch vụ trên Cổng DVCQG sẽ thực hiện ký cam kết điện tử. Tại các điểm cầu trực tuyến, lãnh đạo các tất cả các Bộ ngành và các tỉnh/thành phố thực hiện việc ký cam kết điện tử đồng hành xây dựng, vận hành, phát triển Cổng DVCQG phục vụ người dân, doanh nghiệp./.


Song Đào, ảnh: Nam Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ