• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng: "Phải trả lời cho được diện tích trồng cây mắc ca bao nhiêu là phù hợp"

Thời sự 29/09/2020 11:49

(Tổ Quốc) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra hàng loạt vấn đề như diện tích trồng bao nhiêu là phù hợp để tránh tình trạng dư thừa, “được mùa, mất giá”, mắc ca có phải là cây xóa đói giảm nghèo…

Sáng nay, 29/9 tại Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị "Kết quả phát triển cây mắc ca tại Việt Nam thời gian qua; định hướng và giải pháp phát triển trong thời gian tới".

Hội nghị có sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, 23 tỉnh trồng mắc ca và cộng đồng các doanh nghiệp, hộ gia đình tiêu biểu về trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm mắc ca.

Đây là một trong nhiều hội nghị chuyên đề nông nghiệp mà Thủ tướng đã chủ trì trong thời gian qua (về con tôm, cây lúa, cà phê, ca cao, rau củ quả, công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp…).

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã dày công nghiên cứu góp phần phát triển cây mắc ca tại Việt Nam. Ít có loại cây nào mà trong vòng 5 năm qua sản lượng có thể tăng gấp 24 -25 lần và góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào nghèo, vùng sâu, vùng xa tốt như loại cây này.

Thủ tướng: "Phải trả lời cho được diện tích trồng cây mắc ca bao nhiêu là phù hợp" - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị "Kết quả phát triển cây mắc ca tại Việt Nam thời gian qua; định hướng và giải pháp phát triển trong thời gian tới". (Nguồn: VGP)

Hiện nhu cầu mắc ca trên thế giới tăng 200%, điều này cho thấy tiềm năng phát triển loại cây này, nhưng Thủ tướng cũng cho rằng, sau 5 năm phát triển cây mắc ca chưa thực sự thành công, vẫn còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm.

Ví như trường hợp một số nơi người nông dân trồng cây mắc ca nhưng 5-6 năm không có quả. Vậy vấn đề ở đây liệu có phải ở khâu giống? Ai quản lý nhà nước về giống để rút kinh nghiệm như thực tế người nông dân nêu ra.

Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề quy hoạch vùng đất nào phù hợp trồng mắc ca, Tây Bắc, Tây Nguyên hay dải miền Trung... Chẳng hạn, Tây Bắc thì tập trung thế nào? Tây Nguyên trồng xen thế nào?… để người dân trồng mắc ca có thể thu hoạch được, chứ không phải trồng cây mà không ra trái hoặc ra ít trái.

Dù tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa đã được khắc phục tốt, nhưng Thủ tướng vẫn đặt vấn đề rất quan trọng là thị trường đầu ra cho mắc ca. Điều này quyết định việc tăng diện tích trồng cây mắc ca lên bao nhiêu là phù hợp, tránh tình trạng dư thừa, đồng thời đảm quyền lợi cho người dân và nhà sản xuất. Không chỉ chú trọng phát triển thị trường xuất khẩu, Thủ tướng cho rằng, cần quan tâm đến cả thị trường trong nước hơn 90 triệu người có nhu cầu lớn.

Rút kinh nghiệm từ mặt hàng gạo của Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, ngay từ đầu phải quan tâm đến chế biến, xây dựng thương hiệu mắc ca Việt Nam, từ đó có thị trường bền vững.

Vấn đề nữa Thủ tướng đặt ra là vốn cho sản xuất, “những ngân hàng nào có trách nhiệm cung ứng vốn, lãi suất phù hợp cho việc trồng cây xóa đói giảm nghèo này”.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ban, ngành, địa phương đã quan tâm và có nhiều chính sách thúc đẩy hỗ trợ phát triển việc trồng, chế biến, thương mại và xuất khẩu sản phẩm mắc ca.

Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã phối hợp với với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về lợi ích trong việc phát triển cây mắc ca, các mô hình tiêu biểu của người dân và doanh nghiệp, đồng thời triển khai chính sách cho vay vốn phát triển cây mắc ca. Đến nay, bước đầu đã hình thành các mô hình tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giữa người dân trồng mắc ca và doanh nghiệp chế biến sản phẩm tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Lai Châu và Điện Biên.

Cụ thể, sau 5 năm triển khai quy hoạch mắc ca, đến nay cả nước có 23 tỉnh trồng cây mắc ca, với diện tích trên 16,5 nghìn ha. Trong đó, 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở 2 vùng Tây Bắc và Tây Nguyên trồng trên 15,4 nghìn ha, tăng 55% diện tích so với quy hoạch, còn lại hơn 1.000 ha nằm rải rác tại 14 tỉnh khác chưa có trong quy hoạch.

Về sản lượng, năm 2020 các tỉnh dự kiến thu hoạch gần 6,6 nghìn tấn hạt tươi, tăng gần 24,5 lần so với năm 2015. Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn như hiện nay, ước tính hơn 4.000 tấn hạt sấy sẽ mang lại giá trị khoảng 788 tỷ đồng (trong đó khoảng 60% xuất khẩu, còn lại phục vụ tiêu dùng trong nước).

Đến nay, sản phẩm mắc ca của nước ta đã xuất khẩu với sản lượng trên 2,4 nghìn tấn sản phẩm sấy/năm sang các thị trường các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Pháp,...

Theo của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, cái khó đối với việc phát triển cây mắc ca hiện nay là công tác quản lý giống cây mắc ca tại một số địa phương chưa được quan tâm, nên vẫn có hiện tượng kinh doanh giống không nguồn gốc, chất lượng kém.

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu chọn giống tốt đòi hỏi thời gian dài với chi phí lớn. Việc tiếp cận, nắm bắt thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu còn hạn chế.

Với nhu cầu thế giới tăng nhanh, đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam phát triển vùng nguyên liệu mắc ca và tham gia vào thị trường sản phẩm này trong giai đoạn 2021 – 2030 và các năm sau đó./.

Hà Giang (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ