• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng: Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách để giáo viên được hưởng mức lương tương xứng

Giáo dục 17/11/2023 22:13

(Tổ Quốc) - Chiều 17/11, nhân dịp Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt 60 nhà giáo tiêu biểu, đại diện cho hơn 1,6 triệu giáo viên cả nước.

Thủ tướng: Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách để giáo viên được hưởng mức lương tương xứng  - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu (ảnh: Bộ GDĐT)

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã báo cáo với Thủ tướng về tình hình đội ngũ nhà giáo. Bộ trưởng cho biết, cả nước hiện có hơn 1,6 triệu nhà giáo ở các cấp học từ mầm non, phổ thông, dạy nghề, đại học, làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập. Tính đến hết năm học 2022-2023, tỷ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 của cấp mầm non là 86,3%, cấp tiểu học là 83,3%, cấp THCS là 90,3%, cấp THPT là 99,9%.

Năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo được nâng lên, bước đầu đáp ứng yêu cầu cơ bản về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đội ngũ cán bộ quản lý phần lớn đều là nhà giáo giỏi được điều động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; cơ bản đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo, quản lý ở cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục.

Các nhà giáo, nhà khoa học công tác tại cơ sở giáo dục đại học đã và đang đóng góp quan trọng trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Những phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích, công bố khoa học quốc tế, phần lớn được thực hiện bởi các nhà giáo - nhà khoa học.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ GDĐT, công tác phát triển đội ngũ nhà giáo hiện nay vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đời sống của nhà giáo với nhiều khó khăn, nhất là các thầy cô ở vùng sâu vùng xa. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo vẫn mất cấn đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Tình trạng thiếu giáo viên còn diễn ra tại nhiều địa phương.

Trước thực tế này, Bộ trưởng cho biết, Bộ GDĐT đã chỉ đạo địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ tham mưu trình Bộ Chính trị phê duyệt 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương trong giai đoạn 2022-2026. Tham mưu Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế tuyển dụng hợp đồng lao động để các cơ sở giáo dục được ký kết hợp đồng lao động góp phần giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Luật Nhà giáo đang bước đầu được triển khai và hướng tới mục tiêu tạo ra những thay đổi tích cực về thể chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo.

"Toàn hệ thống giáo dục và đào tạo đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện; đặc biệt đổi mới giáo dục phổ thông đang trong giai đoạn cần tập trung cao nhất nguồn lực. Việc quan tâm và phát triển đội ngũ nhà giáo cần được tập trung thực hiện hơn nữa. Cho đến nay, vẫn còn rất nhiều việc phải làm và mong các thầy cô cũng vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành các mục tiêu đặt ra", Bộ trưởng bày tỏ.

Thủ tướng: Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách để giáo viên được hưởng mức lương tương xứng  - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu và các nhà giáo (ảnh: Bộ GDĐT)

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tháng 11 đã trở thành "tháng tri ân" thầy cô giáo. Ngày 20/11 trở thành ngày "Tết" của những người làm trong ngành Giáo dục.

Thủ tướng vui mừng chào đón các thầy cô giáo tiêu biểu, đại diện cho 1,6 triệu thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước và thân ái gửi đến các thế hệ nhà giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của các nhà giáo cho sự nghiệp "trồng người", lớn hơn là cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng bày tỏ, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài là những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc ta.

Thủ tướng ghi nhận những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, trong đó có đóng góp quan trọng của đội ngũ thầy, cô giáo trên mọi miền Tổ quốc.

Hệ thống trường lớp và quy mô giáo dục phát triển nhanh, thực hiện nền giáo dục toàn dân, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân và nâng cao trình độ đào tạo, trình độ và kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động. Công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, các đối tượng chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn, bình đẳng giới được bảo đảm.

Theo Thủ tướng, chúng ta đang thực hiện quyết liệt các giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả cấp học. Phương châm là: "Lấy học sinh làm trung tâm", chú trọng phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo của học sinh. "Muốn vậy, chúng ta cần "lấy nhà trường làm nền tảng", "lấy thầy, cô giáo làm động lực". Trong quá trình đó, yêu cầu phải "học thật, thi thật, nhân tài thật", "thực tâm, thực tài, thực nghề", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng mong các thầy, cô giáo nói riêng và toàn ngành Giáo dục nói chung trả lời một số câu hỏi như: Chúng ta đã, đang và sẽ phải làm gì để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo một cách hiệu quả? Làm sao để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh? Chúng ta phải làm gì để giáo dục - đào tạo gắn kết chặt chẽ với nhu cầu, lợi ích, đời sống? Người học nắm được gì, phát triển nhận thức như thế nào? Ứng dụng và thực hành trong công việc và cuộc sống ra sao? Vừa phát triển thể chất, tinh thần…

Thủ tướng đề nghị Bộ GDĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Theo đó, cần tập trung nguồn lực hiện có và tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nhất là bếp ăn, bảo đảm vệ sinh y tế học đường, vệ sinh trường học, phòng chống bạo lực học đường; tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa học đường.

Cần có giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác giáo dục và đào tạo. Bộ GDĐT và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần phối hợp với các bộ, ngành rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức lương tương xứng với công sức của mình. Đặc biệt, cần sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thực hiện đúng tinh thần: Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên nhưng phải hợp lý, hiệu quả…

Cùng với đó, tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy và học; Quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn, các nhà giáo giảng dạy ngành nghề nặng nhọc, độc hại...

Thủ tướng kêu gọi và mong muốn xã hội chung tay, chung sức với ngành Giáo dục, với các thầy cô giáo trong sự nghiệp "trồng người". Đồng thời đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.

Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ ghi nhận, tổng hợp các ý kiến đề xuất của nhà giáo để có giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thầy giáo, cô giáo trên mọi miền đất nước. Chúc các thầy, cô giáo tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp "trồng người".

Khánh Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ