• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thừa Thiên Huế: Già làng, trưởng bản, người có uy tín góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa bàn miền núi

Văn hoá 15/12/2022 14:54

(Tổ Quốc) - Việc phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS đã góp phần vào việc ổn định tình hình an ninh nông thôn và phát triển kinh tế, xã hội ở địa bàn miền núi, vùng biên giới của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tỉnh Thừa Thiên Huế có 2 huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống là Nam Đông, A Lưới. Các dân tộc chính ở đây bao gồm Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều, Pa Hy… Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS toàn tỉnh chiếm 16,40%; việc tiếp cận và hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản đang ở mức thấp so với bình quân chung cả nước.

Để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh Thừa Thiên Huế, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, qua đó từng bước làm thay đổi cơ bản đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Góp phần thực hiện hiệu quả công tác dân tộc trên địa bàn không thể không nhắc đến vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng DTTS, các già làng, trưởng bản,… Đây được xem là những "cánh tay nối dài" đồng hành cùng chính quyền, giúp củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy tinh thần tự lực tự cường và ý chí vươn lên của đồng bào các dân tộc.

Thừa Thiên Huế: Già làng, trưởng bản, người có uy tín góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa bàn miền núi - Ảnh 1.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế gặp mặt các già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn.

Dọc theo vùng miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, không khó để bắt gặp những trường hợp như thế. Năm 2005, khi tuyến đường Hồ Chí Minh qua xã Bắc Sơn hoàn thành, già làng Quỳnh Rêh (bản A Đeeng Par Lieng 2, xã Bắc Sơn, huyện A Lưới) cùng với gia đình đã tự nguyện hiến một phần đất của gia đình để mở con đường dài 700m, rộng 2,5m để bà con đi lại thuận tiện. Không chỉ hiến đất mở đường, già làng Quỳnh Rêh còn tự nguyện hiến luôn khu đất trồng cây keo của gia đình để xây trường mẫu giáo.

Chia sẻ về việc làm này, già làng Quỳnh Rêh cho hay, việc mình và gia đình bớt một ít đất để làm trường học cho con trẻ là việc đáng làm, không có gì tiếc. Điều vui sướng nhất là đã góp phần làm cho thôn bản thêm đẹp và văn minh, tạo điều kiện để con em được đến trường học văn hóa. Được biết, ngoài hiến đất làm đường, xây trường học, già làng Quỳnh Rêh còn là người nhiệt thành truyền đạt kiến thức, dạy dỗ thế hệ sau, nhất là con cháu trong gia đình trở thành những cán bộ, đảng viên gương mẫu.

Cũng như già làng Quỳnh Rêh, nhiều già làng, trưởng bản khác cùng với cán bộ trong bản và chính quyền địa phương thường xuyên làm công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các chủ trương, chính sách. Nhiều người là tấm gương luôn tích cực đi đầu trong các cuộc vận động, phong trào phát triển kinh tế, vận động bà con từ bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa, giúp người dân địa phương từng bước thoát nghèo, xây dựng quê hương no ấm.

Thừa Thiên Huế: Già làng, trưởng bản, người có uy tín góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa bàn miền núi - Ảnh 2.

Công an xã Hương Nguyên trao đổi công việc với già làng Lê Văn Thời.

Xã Hương Nguyên (huyện A Lưới) là xã có đường biên giới dài hơn 15km, giáp với nước bạn Lào, có đến 99% là người đồng bào DTTS, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Hầu hết người dân bản địa mưu sinh bằng nghề trồng rừng, phương tiện đi lại là những chiếc xe gắn máy tự chế để thuận tiện cho việc di chuyển ở địa hình đồi núi. Tuy nhiên, việc sử dụng phương tiện này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Hơn nữa, địa phương lại có biên giới với nước bạn Lào nên việc đi lại của người dân cũng hết sức phức tạp.

Trước thực tế này, để giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, già làng Lê Văn Thời (trú tại xã Hương Nguyên) cùng nhiều người có uy tín trong xã phối hợp với chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, giải thích, vận động người dân không nên sử dụng xe tự chế để lưu thông trên các tuyến giao thông.

"Từ khi được vận động, người dân đã chấp hành tốt hơn, tai nạn giao thông trên địa bàn xã giảm hẳn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn vận động người dân tham gia vào các phong trào tự quản về an ninh trật tự, tuyên truyền người dân không vượt biên trái phép…", già làng Lê Văn Thời chia sẻ.

Ở huyện Nam Đông, nghi thức đâm trâu xuất hiện trong nhiều lễ hội của người dân đồng bào Cơ Tu. Từ năm 2016, nghi thức này đã được loại bỏ. Ban đầu việc tuyên truyền người dân, đồng bào thực hiện việc bỏ nghi thức này gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người có ý kiến phản đối, thậm chí bị phản ứng lại. Tuy nhiên, huyện Nam Đông đã tổ chức nhiều hội nghị. Trong đó có các cuộc gặp gỡ với già làng, trưởng bản, những người có uy tín để tuyên truyền, vận động, giải thích. Thông qua những người này, qua thời gian đồng bào đã hiểu và thay đổi, tiến tới không còn tục này.

Thừa Thiên Huế: Già làng, trưởng bản, người có uy tín góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa bàn miền núi - Ảnh 3.

Đồng bào Cơ Tu tại huyện Nam Đông sử dụng con trâu giả bằng xốp tượng trưng thay thế trâu thật để thực hiện các nghi lễ truyền thống sau khi được vận động, tuyên truyền.

Mới đây tại Ngày hội VHTT&DL các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022, thay vì cảnh đâm trâu rùng rợn, người dân đồng bào Cơ Tu đã sử dụng con trâu giả bằng xốp tượng trưng thay thế để thực hiện các nghi lễ truyền thống trong tái hiện lễ hội mừng lúa mới đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của nhiều người dân và du khách.

Tham gia buổi lễ tái hiện cùng dân làng có già làng A Lăng Kơ Lói (người Cơ Tu xã Thượng Long, Nam Đông). Ông chính là một trong những già làng, tấm gương đi đầu trong việc vận động người dân xóa bỏ nghi thức đâm trâu thật trong lễ hội mừng lúa mới của đồng bào mình.

"Tục lệ đâm trâu thật nay không còn phù hợp, không đẹp mắt và khi được chính quyền vận động bà con đã thay đổi. Lâu nay, các già làng, trưởng bản người có uy tín cũng là cầu nối để truyền tải, thuyết phục người dân thấy được việc đâm giết trâu tại lễ hội là hành động thiếu nhân văn, cần được xóa bỏ", già làng A Lăng Kơ Lói nói.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, các trưởng họ, trưởng tộc, già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn tỉnh là những người gương mẫu đi đầu trong thực hiện các phong trào của địa phương, là người "giữ lửa" ở các thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố; là những tuyên truyền viên tích cực trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Việc phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS đã góp phần vào việc ổn định tình hình an ninh nông thôn và phát triển kinh tế, xã hội ở địa bàn miền núi, vùng biên giới của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ